Tuyển sinh Đại học 2019: Nhiều trường mở các ngành liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0

Trong xu thế hội nhập Thế giới, nhập cuộc với cách mạng 4.0 nhiều trường đại học chất lượng cao đã bước chuyển mình khi đưa vào hệ thống đào tạo những ngành học khá mới mẻ nhưng liên quan mật thiết đến cuộc cách mạng 4.0 như chuyên ngành: Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), Kinh doanh số…

Trường FPT đưa Robot NAO tư vấn hướng nghiệp cho sinh viên BTEC FPT

Điển hình là trường đại học FPT đã gây xôn xao dư luận khi công bố tuyển sinh thêm 2 chuyên ngành mới là Trí tuệ nhân tạo (AI)Internet vạn vật (IoT).

Theo đó, sau khi tốt nghiệp ngành học này, với định hướng chuyên ngành thì người học có thể trở thành các chuyên gia phát triển hệ thống, giải pháp và ứng dụng AI tại các doanh nghiệp về công nghệ, tư vấn, marketing, truyền thông...

Một trong những ngành rất cần cho sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp trong thời đại 4.0.

Đối với ngành AI: sinh viên sẽ được đi sâu nghiên cứu các hệ chuyên gia, tương tác người – máy và ứng dụng trong các môi trường như hệ đa phương tiện; xử lý hình ảnh, âm thanh; phân tích dữ liệu lớn.

Ngành IoT: sinh viên sẽ được nghiên cứu sâu về phần cứng và kết nối với các nền tảng di động, hệ thống thông tin; được giới thiệu về các ứng dụng cho dữ liệu lớn, điện toán đám mây…

Sau 4 năm học, sinh viên có khả năng triển khai các dự án về nhà thông minh (smart home), thành phố thông minh (smart city), dịch vụ sức khỏe, tài chính…

Theo đó, giáo trình học của 2 chương trình này sẽ được nhập khẩu từ nước ngoài, đảm bảo các tiêu chuẩn của Hiệp hội Máy tính (Association for Computing Machinery-ACM), chuẩn đào tạo kỹ sư phần mềm của Accreditation Board for Engineering and Technology (ABET – Mỹ) và Hiệp hội Phần mềm Việt Nam (VINASA). Và năm đầu tiên, trường sẽ tuyển sinh với chỉ tiêu là 4.000 sinh viên trên cả nước.

Đây là một ngành khá mới mẻ, nên ngành này được dự báo là sẽ không quá cao. Tuy nhiên, kì tuyển sinh của ĐH FPT cũng áp dụng hình thức thi khá mới mẻ: sinh viên chỉ cần làm 2 bài thi, một bài đánh giá năng lực chuyên ngành và một bài viết nghị luận.

Tổng thời gian là 180 phút. Với cách thi này, thí sinh không cần “học gạo”, không lo quên kiến thức mà chỉ cần thể hiện đúng trình độ tư duy và kĩ năng của bản thân là có thể trở thành sinh viên của trường.

Theo như bài phỏng vấn mới đây của báo Nhà báo và Công Luận với GS, TS Nguyễn Lân Dũng về việc "Cần giải bài toán nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia", đã đưa ra ý kiến về ngành học của các trường đại học, cao đẳng cần phải xuất phát từ nhu cầu xã hội.

Theo đó, đây là một minh chứng đáng mừng cho ngành giáo dục nước nhà khi bắt kịp xu hướng Thế giới. Bởi trên thực tế, với "Báo cáo thị trường IT và tình hình nhân lực IT Việt Nam quý 4/2018” của TopDev đã chỉ ra rằng, ngành công nghệ trong thời gian qua luôn là ngành thiếu hụt nhân sự rất lớn.

Các nhà tuyển dụng phải "đau đầu" để giải bài toán tuyển dụng nhân sự công nghệ và ở Việt Nam thì lại càng hiếm. Do vậy, các ngành học như Trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) sẽ có tính phù hợp và kịp thời trong thời điểm hiện tại và tương lai.

Hay tại trường Đại học Kinh tế quốc dân, khi đề cập đến vấn đề định hướng của trường về các ngành học đáp ứng nhu cầu lao động trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo cho biết, năm nay trường mở 7 chương trình đào tạo mới.

Bảy chương trình mới này sẽ đều học bằng tiếng Anh và các chương trình mới có tính liên thông quốc tế, tích hợp liên ngành rất cao, phù hợp với thời đại công nghệ số.

Và đây là một trong những chương trình nhà trường mở ra để hướng đến thị trường lao động rất gần trong tương lai của đất nước.

Tiếp tục tiếp cận vấn đề trên với trường Đại học Thủy lợi, ông Trần Khắc Thạc, Phó trưởng phòng Đào tạo cũng trả lời báo chí rằng, về ngành nghề, một số ngành như Kỹ thuật cơ khí, Công nghệ thông tin thì nhà trường đã có 2 định hướng rõ rệt cho các em lựa chọn sau khi trúng tuyển.

Một là các em có thể theo định hướng học tập riêng của các em. Hai là nếu các em muốn nhà trường có thể định hướng cho các em đi làm việc ở các doanh nghiệp trong nước hoặc đi sang Nhật để làm việc.

Mới đây, trên các diễn đàn công nghệ, các chuyên gia dự báo trong giai đoạn 2019 - 2020, mỗi năm Việt Nam sẽ thiếu khoảng 90.000 đến 100.000 kĩ sư công nghệ thông tin, đặc biệt là kĩ sư ở các mảng công nghệ mới như Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), Dữ liệu lớn (Big Data),…

Ở thời điểm hiện tại, mức lương nhà tuyển dụng trả cho các kĩ sư AI đã có thể lên tới 500 triệu đồng/năm. Trong thời gian tới, chính phủ sẽ còn tiếp tục có những chính sách thúc đẩy cuộc cách mạng 4.0.

Theo đó, cơ hội việc làm cũng như thu nhập của các kĩ sư AI hay IoT dự đoán sẽ còn tăng lên.

Lương Minh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tuyen-sinh-dai-hoc-2019-nhieu-truong-mo-cac-nganh-lien-quan-den-cach-mang-cong-nghiep-40-post60766.html