Tuyển sinh bổ sung, nhiều trường chỉ lấy mức điểm trung bình

Kết thúc đợt 1 tuyển sinh ĐH bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, vẫn còn không ít trường phải tiếp tục tuyển bổ sung đợt hai, đặc biệt là ở những ngành khó tuyển… với mức điểm chỉ ở ngưỡng trung bình.

Xét tuyển bổ sung đến hết tuần này

Trường ĐH Lao động - Xã hội công bố xét tuyển bổ sung hệ ĐH chính quy theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT đến 17g ngày 16-10. Tất cả các ngành bổ sung đều lấy mức điểm xét tuyển là 15, trường công bố trúng tuyển vào ngày 17-10. Tương tự, Học viện Quản lý giáo dục thông báo mức điểm cho xét tuyển bổ sung là 15 điểm. Thời gian nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển đến 17g ngày 20-10.

Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội công bố xét tuyển bổ sung cho nhóm ngành Khoa học Giáo dục và khác (mã nhóm ngành GD3). Nhóm ngành gồm các ngành: Quản trị trường học, Quản trị công nghệ giáo dục, Quản trị chất lượng giáo dục, Tham vấn học đường, Khoa học giáo dục. Chỉ tiêu cho mỗi ngành là 20. Trường xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Thí sinh phải có tổng điểm 3 môn theo tổ hợp xét tuyển, cộng điểm ưu tiên (nếu có) đạt từ 17 điểm trở lên.

Xét tuyển theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Tất cả các thí sinh có tổng điểm 3 môn thi/bài thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tương ứng với tổ hợp thí sinh dùng để xét tuyển, cộng với điểm ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng (nếu có) đạt từ 17,00 điểm trở lên và đảm bảo các điều kiện đã xác định trong Đề án tuyển sinh năm 2020 đều đủ điều kiện xét tuyển.

ThS. Ngô Trí Dũng, Phó Trưởng phòng Truyền thông – tuyển sinh trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cho biết, Hội đồng tuyển sinh nhà trường vừa quyết định thông báo xét tuyển nguyện vọng bổ sung cho tất cả các ngành bậc ĐH, trừ các ngành Răng Hàm Mặt, Y đa khoa và Dược học.

Theo đó, nhà trường dành 40% chỉ tiêu cho Phương thức xét điểm thi THPT cho 38 chuyên ngành đào tạo bậc ĐH thuộc 5 khối ngành Sức khỏe, Khoa học xã hội & Ngôn ngữ, Giáo dục, Kỹ thuật - Công nghệ - Mỹ thuật, và Kinh doanh - Quản lý – Luật.

Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng thông báo xét tuyển nguyện vọng bổ sung hơn 2.000 chỉ tiêu cho 44 chuyên ngành đào tạo bậc ĐH thuộc các khối ngành sức khỏe, kinh tế, kỹ thuật – công nghệ, nghệ thuật – mỹ thuật, xã hội – nhân văn ở cả hai phương thức điểm thi THPT và phương thức học bạ. Thời gian nhận hồ sơ đến ngày 17-10. Theo đó, những thí sinh chưa trúng tuyển đợt một, trúng tuyển mà không nhập học hoặc những thí sinh không đăng ký xét tuyển đợt một đều có thể đăng ký xét tuyển bổ sung trong lần này.

TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Công nghiệp TP HCM cho biết, trường tuyển bổ sung năm ngành ĐH ở hệ chính quy đại trà với 50 chỉ tiêu, 30 chỉ tiêu cho ba ngành ở hệ chất lượng cao và 60 chỉ tiêu cho sáu ngành ở chương trình liên kết quốc tế 2+2. Ngưỡng điểm xét tuyển cho các ngành chỉ từ 18 điểm.

Tương tự, trường ĐH Tài nguyên và môi trường TP HCM cũng tuyển sinh bổ sung cho 14 ngành học với tổng chỉ tiêu là 756 em, mức điểm nhận hồ sơ chỉ từ 14 điểm theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Đây là mức điểm sàn thấp nhất trong mùa tuyển sinh năm nay của các trường ĐH trong đợt một vừa qua. Trong đó, những ngành thiếu chỉ tiêu cao nhất là Công nghệ kỹ thuật môi trường với 100 chỉ tiêu, Địa chất học là 80, Kinh tế tài nguyên thiên nhiên, Kỹ thuật cấp thoát nước…

Trường ĐH Sư phạm TP HCM có kế hoạch tuyển bổ sung khoảng 100 chỉ tiêu cho ngành sư phạm lịch sử và địa lý, ngành sư phạm tiếng Nga và ngành ngôn ngữ Nga. Theo ThS Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Sư phạm TP HCM, sư phạm Lịch sử và Địa lý là ngành mới mở; còn ngành tiếng Nga lâu nay vốn khó tuyển, ở đợt xét bổ sung này, trường hy vọng những thí sinh không trúng tuyển ngành tiếng Anh sẽ đăng ký vào ngành tiếng Nga.

Nhiều trường tiếp tục tuyển sinh bổ sung để đảm bảo đủ chỉ tiêu đào tạo năm 2020. Ảnh: K. Huy

Nhiều trường tiếp tục tuyển sinh bổ sung để đảm bảo đủ chỉ tiêu đào tạo năm 2020. Ảnh: K. Huy

Không hạ điểm chuẩn để đủ chỉ tiêu ngành khó tuyển

Thực tế là những năm trở lại đây, việc nhiều ngành khó tuyển, buộc phải đóng cửa vẫn xảy ra. Năm học 2020 - 2021, trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM dừng tuyển sinh hai ngành học là Khoa học thủy sản và Công nghệ vật liệu. Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cũng chính thức dừng tuyển sinh 4 ngành đào tạo: Hoạt hình manga Nhật Bản, Cartoon Mỹ 3D, Thiết kế tạo dáng công nghiệp 3D, Thiết kế trang trí nội - ngoại thất, Ngôn ngữ Pháp vì khó tuyển sinh.

Thống kê của Bộ GD&ĐT về công tác tuyển sinh đào tạo năm 2019 cũng cho thấy, 5 nhóm ngành có tỉ lệ tuyển sinh và nhập học thấp nhất là Nông lâm nghiệp và Thủy sản đạt 32,6%; nhóm ngành Khoa học tự nhiên đạt 34,58%; Môi trường và bảo vệ môi trường đạt 45,28%; Dịch vụ xã hội đạt 45,71% và Khoa học sự sống đạt 50,04%.

ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, những ngành học như Thiết kế thời trang, Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng (hệ chất lượng cao, tiếng Anh), Điện tử Viễn thông hệ chất lượng cao Việt - Nhật hay ngành Môi trường chất lượng cao… có số lượng thí sinh quan tâm, đăng ký xét tuyển và nhập học rất thấp. Trước đó, trong đề án tuyển sinh 2020, trường này đã quyết định dừng tuyển sinh 2 ngành Công nghệ vật liệu dệt may và Kỹ thuật nữ công.

Đối với ngành khó tuyển, nhiều trường tính đến phương án hỗ trợ học phí, cấp học bổng, cam kết đầu ra, nhưng khó khăn vẫn chưa thể tháo gỡ ngay. Đồng thời, có nhiều trường cho rằng chỉ cần hạ điểm chuẩn thì tỷ lệ sinh viên vào học cũng nhiều hơn, tuy nhiên, vì chất lượng đào tạo nên không thể hạ chuẩn quá thấp.

Thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin & truyền thông, trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP HCM cho rằng: Khó tuyển nhưng không có nghĩa là một số ngành học không có học sinh bởi nếu chỉ cần hạ điểm chuẩn, trường sẽ tuyển đủ. Tuy nhiên, quan điểm là chất lượng đào tạo, các ngành Địa chất học, Hải dương học và Kỹ thuật địa chất có thể không tuyển đủ chỉ tiêu nhưng trường vẫn sẽ duy trì bởi thực tế nhu cầu của thị trường vẫn rất lớn.

T.Fan

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tuyen-sinh-bo-sung-nhieu-truong-chi-lay-muc-diem-trung-binh-213848.html