Tuyển sinh 2021: Thí sinh không nên chạy theo những 'ngành hot, nghề mốt'

Việc chọn ngành, chọn nghề trước mỗi kỳ tuyển sinh vẫn là bài toán không hề đơn giản đối với các em học sinh lớp 12. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thí sinh nên cân nhắc thật kỹ để có sự lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực của bản thân.

Tuyển sinh 2021, thí sinh không nên chạy theo những “ngành hot, nghề mốt”.

Tuyển sinh 2021, thí sinh không nên chạy theo những “ngành hot, nghề mốt”.

Sau một học kỳ, Anh Tuấn, sinh viên năm thứ nhất một trường đại học Kỹ thuật ở Hà Nội thấy hoang mang với lựa chọn ngành mà mình đang học. Bởi môn toán quá khó so với lực học của bản thân. Một thời gian dài Anh Tuấn bị stress vì không hiểu bài, không theo kịp các bạn cùng lớp. Trước đó, dù lựa chọn ngành Logistics nhưng Anh Tuấn chưa hình dung được ra trường sẽ làm công việc cụ thể như thế nào.

"Em không mất thời gian suy nghĩ nhiều về việc lựa chọn ngành học, mà chỉ theo bạn bè và gợi ý từ gia đình. Tuy nhiên, sau đó em đã phải trả giá vì ngành học mình lựa chọn không hề phù hợp với em", một sinh viên đại học chia sẻ.

Thực tế cho thấy vẫn có rất nhiều em học sinh đang đứng trước việc phải đưa ra quyết định chọn ngành nhưng vẫn phân vân không biết lựa chọn theo sở thích bản thân hay theo ý muốn của gia đình hoặc chọn nghề theo độ "hot", có mức thu nhập "khủng" sau khi ra trường.

Theo PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo trường ĐH Kinh tế Quốc dân, trước đi đăng ký chọn ngành hay chọn trường thí sinh cần hết sức bình tĩnh, tự đặt câu hỏi xem ngành đó có hợp với năng lực, sở trường của mình hay không. "Khi chọn ngành, chọn trường thí sinh có thể tuân thủ theo nguyên tắc ba bậc: Cao hơn - ngang bằng - thấp hơn so với học lực, sở thích của mình để có thể đạt được nguyện vọng như mong muốn", PGS.TS Bùi Đức Triệu lưu ý.

Nêu quan điểm về nguyên tắc chọn ngành nghề tương lai, TS. Lê Thị Thanh Mai, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Kết thúc bậc THPT, người học cần phải xác định bản thân mình muốn làm gì trong tương lai, để làm công việc đó thì phải học ngành gì, để học ngành đó, có trường nào đào tạo, điều kiện tuyển sinh của các trường ra sao. Từ các bước chọn ngành nghề này, thí sinh cần xem lại năng lực của mình với yêu cầu, điều kiện tuyển sinh mình có đáp ứng được hay không và những tiêu chuẩn còn thiếu.

Còn PGS.TS Phạm Mạnh Hà, Khoa Quản lý Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, một trong những tiêu chí quan trọng để chọn ngành học là nghiên cứu thị trường lao động, trong đó cần dự báo 4 - 5 năm sau khi thí sinh đã tốt nghiệp. Nếu các em không nghiên cứu kỹ thị trường lao động thì ra trường khó xin được việc đúng chuyên ngành hoặc phải làm trái ngành.

"Thí sinh không nên chạy theo những "ngành hot, nghề mốt" vì năm nay những ngành đó "hot" nhưng đến vài năm sau, có thể ngành đó sẽ bão hòa do có nhiều trường đào tạo và nhiều người theo học. Đó là chưa tính đến việc ngành đó không phù hợp với năng lực bản thân, quá sức, thí sinh không yêu thích. Khi đó cơ hội việc làm sẽ hạn chế, thậm chí các em khó có thể xin được việc làm tốt, với mức thu nhập cao", PGS.TS Phạm Mạnh Hà lưu ý.

Theo các chuyên gia, thí sinh nên cân nhắc thật kỹ để có sự lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực của bản thân.

Theo các chuyên gia tuyển sinh, mỗi ngành nghề đòi hỏi những tố chất nhất định phù hợp với đặc thù công việc. Như vậy, bên cạnh năng lực học tập của mình, thí sinh phải hiểu được chính mình và biết cách khám phá bản thân xem phù hợp với những nghề nào, từ đó có sự chọn lựa phù hợp.

Cũng theo các chuyên gia, nếu cảm thấy nghi ngờ khả năng lựa chọn ngành học, việc làm của bản thân, các em học sinh nên tìm đến các nhà tư vấn tại các trường đào tạo nghề, các tổ chức hỗ trợ học sinh, sinh viên, tổ chức tư vấn đào tạo - giới thiệu việc làm. Tuy nhiên, việc tư vấn thị trường lao động chỉ nên tham khảo, vấn đề là bản thân phải xác định được tâm huyết học nghề theo sở trường. Hãy xác định nghề nghiệp là yêu cầu học tập suốt đời. Việc làm là quá trình hoàn chỉnh nghề nghiệp và thăng tiến.

Để chọn ngành học và làm được công việc yêu thích, phù hợp với bản thân, theo các chuyên gia hướng nghiệp, HS phải xác định được sở thích và thế mạnh của mình, hãy tự đặt và trả lời hai câu hỏi sau:

Trong cuộc sống, những công việc nào mình thích làm nhất? Mình thường làm những công việc nào tốt hơn người khác? Hãy liệt kê càng nhiều việc càng tốt, dù đó có thể là những công việc nhỏ nhất trong cuộc sống hằng ngày. Sau khi chọn ra đáp án chung cho cả hai câu hỏi trên, đã xác định được mình thích và làm tốt được việc gì. Sẽ không có ngành, nghề nào được xem là "hot" trong những năm tới vì khi nền kinh tế phục hồi và phát triển, các doanh nghiệp sẽ phải chuyển sang giai đoạn hoạt động mới và buộc phải tái cấu trúc, trong đó có tái cấu trúc nhân sự, kéo theo tăng nhu cầu tuyển dụng lao động ở mọi cấp độ, vị trí, lĩnh vực.

Hòa Thanh

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/tuyen-sinh-2021-thi-sinh-khong-nen-chay-theo-nhung-nganh-hot-nghe-mot-20210418183134685.htm