Tuyển sinh 2020: Nhận diện những việc phải làm

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), công tác tuyển sinh năm 2020 giữ ổn định như năm 2019. Mặc dù nhiệm vụ của các chủ thể không khác nhiều so với năm trước nhưng có một số điểm mới cần lưu ý.

Cần làm tốt công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp. Ảnh: Sỹ Điền

Cần làm tốt công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp. Ảnh: Sỹ Điền

Công khai danh sách thí sinh trúng tuyển

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, chủ thể đầu tiên là Bộ GD&ĐT. Theo đó, Bộ sẽ ban hành Quy chế tuyển sinh, Thông tư xác định chỉ tiêu tuyển sinh, ban hành văn bản hướng dẫn tuyển sinh 2020. Năm nay, sẽ có Ban chỉ đạo thi và Ban chỉ đạo tuyển sinh để chỉ đạo sâu sát hơn với từng công việc. Trên cơ sở báo cáo nhu cầu về giáo viên của các địa phương, Bộ cũng sẽ phân bổ chỉ tiêu đào tạo sư phạm theo các ngành và trình độ, chủ yếu là đại học và cao đẳng sư phạm mầm non. Chỉ tiêu đó sẽ được phân bổ trên cơ sở nhu cầu sử dụng giáo viên của các địa phương cũng như năng lực của các trường sư phạm.

Ngoài ra, Bộ cũng sẽ công khai danh sách trúng tuyển nhập học của các trường. “Vừa rồi chúng tôi đã gửi lại dữ liệu năm 2018, 2019 để các trường rà soát, chuẩn chỉnh lại. Sắp tới, chúng ta sẽ công bố để xã hội có thể giám sát và thí sinh có thể tra cứu được. Chẳng hạn: Trường báo cáo nhập học năm 2018 – 2019 với 1.000 thí sinh. Nhưng nếu thí sinh tra cứu mà không thấy tên của mình thì đó là nhà trường báo cáo không trung thực. Khi đó trường sẽ bị xử lý theo quy định. Vì thế, báo cáo của các trường cũng được công khai, minh bạch để tránh tình trạng tuyển sinh vượt chỉ tiêu. Đó là nét mới của năm nay, mong rằng các trường cố gắng tiếp nhận chủ trương này để có báo cáo minh bạch các kết quả tuyển sinh của trường mình”, bà Nguyễn Thị Kim Phụng nhấn mạnh.

Ảnh minh họa của Thế Đại

Nói về chủ thể thứ hai là các sở GD&ĐT, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết: Sở cần chủ động trong công tác thi THPT quốc gia và tuyển sinh. Hai công tác này gắn liền với nhau. Đối với công tác thi, các sở chủ động xây dựng và triển khai đúng kế hoạch. Cùng với đó, các sở chuẩn bị nguồn lực cho công tác thi, bao gồm cả tài chính, nhân lực, cơ sở vật chất. Mục đích là để tất cả các khâu, từ đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển, coi thi, chấm thi… cho đến công bố kết quả thi được suôn sẻ chất lượng và nghiêm túc.

Ngoài ra, sở cũng chủ động tổ chức tập huấn đầy đủ và có chất lượng các nội dung như: Quy chế, quy trình nghiệp vụ, sử dụng phần mềm... nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện các công việc của kỳ thi. Trong phạm vi quản lý của mình, các sở GD&ĐT chủ trì và phối hợp hiệu quả với các trường đại học trong triển khai các công việc của Kỳ thi THPT quốc gia tại địa phương; đồng thời thực hiện chế độ báo cáo, cung cấp thông tin kịp thời theo Quy chế và Hướng dẫn công tác thi THPT quốc gia.

Đối với công tác tuyển sinh, lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học lưu ý: Trước hết, các sở GD&ĐT cần chỉ đạo các trường phổ thông tư vấn hướng nghiệp cho học sinh lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, sở trường của mình. Đồng thời thực hiện kế hoạch công tác tuyển sinh 2020, đặc biệt là khâu đăng ký xét tuyển, thay đổi nguyện vọng, rà soát các chính sách ưu tiên để cập nhật lên hệ thống. Thực tế, chính sách ưu tiên ở mỗi vùng miền, mỗi địa phương có thể có những bổ sung khác nhau sau mỗi năm. Vì thế nếu chúng ta không ra soát kỹ, có thể dẫn đến những sai sót của thí sinh và đến lúc nhập học sẽ phải xử lý ở rất nhiều khâu.

Cùng với đó, các sở GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị thu nhận phiếu đăng ký dự thi THPT quốc gia chuẩn bị đủ cơ sở vật chất, cán bộ có năng lực, nắm vững Quy chế hướng dẫn, hỗ trợ thí sinh, tiếp nhận ĐKXT vào đại học, cao đẳng; nhập thông tin phiếu đăng ký dự thi và phiếu đăng ký xét tuyển vào cơ sở dữ liệu của cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT theo đúng kế hoạch, quy trình. Hướng dẫn các trường THPT có thí sinh thuộc diện xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thực hiện theo quy định.

Tuyển sinh đúng quy định

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng.

Chủ thể thứ 3 mà Vụ trưởng Nguyễn Thị Kim Phụng nhắc đến là các cơ sở đào tạo. Riêng về công tác thi, các cơ sở đào tạo cần phối hợp tốt với địa phương, sở GD&ĐT mà trường được phân công với tinh thần trách nhiệm cao, chia sẻ với khó khăn của địa phương… Đồng thời cử cán bộ tham gia Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và cán bộ tham gia công tác tổ chức thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo và thanh tra, giám sát đảm bảo đúng số lượng, chất lượng, đúng thời gian quy định.

Các cơ sở đào tạo cũng cử cán bộ tham gia đầy đủ các đợt tập huấn của Bộ GD&ĐT; tổ chức tập huấn về các nội dung công tác thi THPT quốc gia tại trường theo kế hoạch. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo sẽ tổ chức chấm thi trắc nghiệm bảo đảm theo quy trình, với yêu cầu chính xác, an toàn, đúng thời gian quy định. Đồng thời, chủ động bám sát lịch thi THPT quốc gia và thực hiện chế độ báo cáo, cung cấp thông tin kịp thời theo quy chế và hướng dẫn công tác thi THPT quốc gia.

Đối với công tác tuyển sinh, trước mắt các cơ sở đào tạo tham gia góp ý hoàn thiện các quy định về tuyển sinh và thống nhất phương án kinh phí xét tuyển 2020 với các sở GD&ĐT. Cùng với đó, rà soát, có kế hoạch chuẩn bị điều động giảng viên đúng đối tượng, đủ số lượng tham gia Kỳ thi THPT quốc gia theo quy định. Rà soát các điều kiện đảm bảo chất lượng xác định chỉ tiêu tuyển sinh năm 2020. Xây dựng đề án tuyển sinh năm 2020 và thực hiện lịch tuyển sinh chung.

Các cơ sở đào tạo cần thực hiện việc tuyển sinh đúng quy định; xác định phương thức tuyển sinh, tổ hợp xét tuyển theo yêu cầu của ngành đào tạo, xây dựng chính sách chất lượng đầu vào... và chịu trách nhiệm giải trình. Mặt khác, các trường phải xây dựng, công bố đề án tuyển sinh đủ nội dung, đúng thời hạn, công khai các phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh, mức điểm nhận đăng ký xét tuyển (ĐKXT) cho từng phương thức/ngành, nhóm, khối ngành theo quy định. Trước và trong thời gian điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT, các trường không cập nhật, không công bố thông tin thí sinh ĐKXT vào trường;

Mặt khác, các cơ sở đào tạo bố trí bộ phận thường trực gồm các cán bộ có năng lực, có kinh nghiệm trong công tác tuyển sinh, nắm vững quy chế để giải đáp các thắc mắc liên quan đến công tác xét tuyển của trường và chế độ ưu tiên trong tuyển sinh. Các trường tạo điều kiện hỗ trợ thí sinh được sử dụng các phòng máy tính nối mạng Internet của trường để thực hiện việc điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT bằng phương thức trực tuyến (nếu thí sinh có nhu cầu).

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, đề án tuyển sinh giống như kế hoạch tuyển sinh tổng thể cả năm của các trường. Vì vậy đề án tuyển sinh phải đầy đủ các tiêu chuẩn bảo đảm chất lượng, đúng với các quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh mà nhà trường công bố công khai để xã hội giám sát và tin tưởng.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/tuyen-sinh-2020-nhan-dien-nhung-viec-phai-lam-4070183-b.html