Tuyển sinh 2020: Hạn chế xáo trộn nhưng phải đảm bảo công bằng

Việc điều chỉnh kỳ thi trung học phổ thông quốc gia (THPTQG) 2020 từ 2 mục tiêu xuống còn một mục tiêu chủ yếu là xét tốt nghiệp THPT và giao cho địa phương tổ chức đã buộc các trường đại học (ĐH) phải thay đổi cách thức tuyển sinh theo hướng tự chủ.

Theo các chuyên gia giáo dục, để hạn chế thấp nhất tác động từ việc điều chỉnh thi, các trường ĐH tổ chức thi riêng nên liên kết thành các nhóm xét tuyển chung để thí sinh không phải thi cùng một lúc nhiều trường gây vất vả, tốn kém.

Đối với các trường duy trì phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT 2020 hoặc xét học bạ, cần hài hòa giữa yếu tố ổn định và công bằng để có thể đảm bảo tốt nhất quyền lợi của thí sinh.

Dù lựa chọn phương thức tuyển sinh nào cũng cần đảm bảo thuận lợi, công bằng nhất cho thí sinh.

Dù lựa chọn phương thức tuyển sinh nào cũng cần đảm bảo thuận lợi, công bằng nhất cho thí sinh.

“Lợi ích kép” từ việc hình thành các nhóm xét tuyển chung

Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố kỳ thi 2020 có mục đích chính là xét tốt nghiệp THPT, số lượng học sinh đăng ký dự kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) của ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh đã tăng mạnh. Tính đến hết ngày 24/4, đã có 47 nghìn thí sinh của gần 1.300 trường THPT cả nước đăng ký dự thi. Hiện cũng đã có khoảng 60 trường ĐH, CĐ đăng ký sử dụng kết quả kì thi này để xét tuyển ĐH.

Kỳ thi ĐGNL của ĐHQG TP. Hồ Chí Minh sẽ diễn ra vào cuối tháng 6-2020 (đợt 1) và đợt 2 vào tháng 8. ĐHQG Hà Nội cũng vừa thông báo kế hoạch tuyển sinh chính thức của trường. Theo đó, nhà trường quyết định sẽ tổ chức thi ĐGNL để tuyển sinh. Bài thi kiểm tra các năng lực cơ bản của thí sinh gồm Toán (90 phút); bài viết luận (60 phút); Ngoại ngữ (60 phút) và Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội (60 phút). Thời gian dự kiến tổ chức thi vào cuối tháng 7-2020. Ngoại trừ bài luận thi viết, các bài thi theo hình thức trắc nghiệm trên giấy theo thang điểm 100.

Ngoài ĐHQG Hà Nội, dự kiến sẽ có thêm một số ĐH-CĐ tại Hà Nội sử dụng kết quả của kỳ thi này để tuyển sinh năm 2020. Chi tiết về kỳ thi sẽ được nhà trường công bố trước 10/5. PGS Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội cho biết: Kỳ thi ĐGNL do nhà trường tổ chức sẽ có tính phân loại cao. Nếu các trường ĐH cùng phối hợp với nhau trong hoạt động tuyển sinh sẽ phần nào giảm tỉ lệ ảo và tiết kiệm chi phí xã hội. ĐHQG Hà Nội mong muốn được phối hợp với các trường ĐH khác trong công tác ra đề thi, đăng ký dự thi, chấm thi và lọc ảo.

Không chỉ 2 ĐH lớn nhất nước mà các trường ĐH nhóm ngành sức khỏe cũng đang lên kế hoạch họp trực tuyến để bàn về phương án tuyển sinh, trong đó dự kiến sẽ có phương án tổ chức một kỳ thi chung giữa các trường trong khối. Lý do đây là ngành đặc thù nên chất lượng thí sinh cũng luôn được ưu tiên hàng đầu.

TS. Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP. Hồ Chí Minh cho rằng: Việc xét tuyển theo nhóm trường sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho chính các trường như giảm tốn kém do không phải tổ chức kỳ thi riêng; hạn chế tình trạng thí sinh ảo vì nếu tổ chức thi riêng, không sử dụng phần mềm xét tuyển chung sẽ dẫn đến tình trạng học sinh có thể đỗ cùng một lúc nhiều trường. Đối với thí sinh, cũng sẽ tiết kiệm được cả kinh phí và thời gian vì các em chỉ tham gia thi một lần và có thể sử dụng kết quả đó để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH khác nhau trong nhóm.

TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT cũng nêu quan điểm: Trong bối cảnh kỳ thi THPT năm 2020 chủ yếu chỉ để xét tốt nghiệp, việc các trường top trên tổ chức thi riêng để tuyển sinh nhằm đảm bảo chất lượng nguồn tuyển là phù hợp. Tuy nhiên, để thuận lợi cho học sinh không phải tham gia quá nhiều kỳ thi vất vả, tốn kém, các trường ĐH có thể tính toán để liên kết thành nhóm, một số trường ra đề tuyển sinh, tổ chức thi, các trường còn lại sử dụng kết quả thi này để xét tuyển.

Giữ ổn định phương thức xét tuyển để không gây xáo trộn

Thay vì tổ chức thi riêng hay tổ chức xét tuyển theo nhóm, nhiều trường ĐH đã quyết định lựa chọn giải pháp khá an toàn và không gây xáo trộn lớn cho thí sinh là xét tuyển học bạ, kết hợp xét tuyển học bạ với điểm thi THPT 2020. PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh cho biết: Đây là năm đầu tiên trường phải xét tuyển học bạ. Lý do là kỳ thi năm nay chủ yếu xét tốt nghiệp và giao cho các địa phương chủ trì nên khó đảm bảo độ tin cậy.

Tuy nhiên, để công bằng hơn cho học sinh giỏi, trường sẽ thêm phương án cộng điểm ưu tiên cho những em học ở những trường chuyên, hoặc nằm trong Top 200 trường THPT tốt nhất. Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội cũng cho biết, trường sẽ xét học bạ và phỏng vấn trực tiếp. Qua đó, sẽ có đánh giá và lựa chọn được những thí sinh phù hợp theo đúng yêu cầu của nhà trường. Trường ĐH Luật cũng dự kiến xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp và điểm học bạ THPT. ĐH Ngoại thương Hà Nội cũng cho biết, năm 2020, nhà trường sẽ xét tuyển học bạ THPT và xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi ĐGNL do DDHQG Hà Nội tổ chức.

Để ổn định tâm lý cho học sinh, trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, ĐH Thương mại Hà Nội đều không tổ chức thi riêng trong năm nay, mà vẫn sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển dù biết đề thi có thể dễ hơn và giảm độ phân hóa do chỉ phục vụ mục đích để xét tốt nghiệp. Nhà trường sẽ tuyển sinh theo các phương thức là xét tuyển thẳng và xét tuyển theo kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020.

TS. Nguyễn Đào Tùng - Phó Giám đốc Học viện Tài chính cũng thông tin, Học viện sẽ điều chỉnh phương án tuyển sinh năm 2020, nhưng tinh thần là vẫn giữ ổn định tâm lý cho thí sinh. Ngoài việc không tổ chức kỳ thi riêng, Học viện sẽ tăng tỉ lệ xét tuyển bằng kết quả học tập kết hợp với điểm thi tốt nghiệp THPT để đánh giá cả quá trình học tập, phấn đấu của thí sinh.

Mặc dù phương thức tuyển sinh bằng xét tuyển học bạ và xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT 2020 được các trường sử dụng nhằm giữ ổn định, không gây xáo trộn cho thí sinh vì thời gian kết thúc năm học không còn nhiều. Tuy vậy, tại thời điểm này, nhiều thí sinh lớp 12 vẫn băn khoăn, lo lắng liệu kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 có đảm bảo độ tin cậy khi được giao toàn quyền cho các địa phương từ khâu tổ chức thi đến chấm thi, công bố điểm thi. Còn đối với phương thức xét tuyển học bạ, cũng liệu có đảm bảo chính xác, công bằng không khi kết quả đánh giá giữa các địa phương hiện không trên cùng một mặt bằng mà có độ “vênh” khác nhau?

Những băn khoăn này trên thực tế không phải là không có cơ sở, rất cần được các nhà trường tiếp tục nghiên cứu, có giải pháp nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi, sự công bằng cho các em trong năm học “đặc biệt” này.

Huyền Thanh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-duc/tuyen-sinh-2020-han-che-gay-xao-tron-nhung-van-phai-dam-bao-cong-bang-592441/