Tuyên Quang: Xây dựng thương hiệu chè Shan tuyết

Chè Shan tuyết đã và đang khẳng định được thương hiệu trên thị trường, trở thành một trong những cây trồng xóa đói, giảm nghèo chủ lực ở huyện vùng cao Na Hang. Để nâng cao hơn nữa giá trị cây trồng này, tỉnh Tuyên Quang đang nỗ lực xây dựng thương hiệu cho cây chè.

 Người dân xã Hồng Thái (huyện Na Hang) thu hái chè

Người dân xã Hồng Thái (huyện Na Hang) thu hái chè

Huyện Na Hang hiện có trên 1.300ha chè Shan tuyết, được trồng tập trung ở các xã Sinh Long, Hồng Thái và Sơn Phú. Do được trồng ở độ cao 800-1.000m so với mực nước biển, với tiểu vùng khí hậu quanh năm mát mẻ, bốn mùa mây phủ, cây chè Shan tuyết ở huyện Na Hang có mùi thơm rất đặc trưng, vị đậm, nước xanh.

Năm 2000, để phát huy tiềm năng, đồng thời thực hiện phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện dự án trồng rừng bằng chè Shan tuyết. Để đảm bảo chất lượng, tất cả sản phẩm chè Shan tuyết ở Na Hang đều được trồng ở độ cao từ 800-1.000m so với mặt nước biển. Đặc biệt, toàn bộ các khâu sản xuất từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến… đều đảm bảo chất lượng chè sạch. Huyện Na Hang cũng khuyến khích người dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, tăng cường quảng bá thương hiệu, tuyên truyền và quản lý việc trồng, chăm sóc, chế biến theo tiêu chuẩn chè sạch.

Cùng với việc vận động người dân trồng chè sạch, huyện Na Hang còn vận động các hợp tác xã đứng ra bao tiêu sản phẩm và xây dựng thương hiệu. Được sự vận động của địa phương, cùng với việc nhận thấy giá trị và tiềm năng của vùng chè Shan tuyết nơi đây, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã thực hiện liên kết, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu chè Shan tuyết. Hợp tác xã Sơn Trà (xã Hồng Thái, huyện Na Hang) là điển hình. Từ năm 2019, Hợp tác xã Sơn Trà đã thu mua chè nguyên liệu của các thành viên trong hợp tác xã và người dân để chế biến, bán ra thị trường gần 10 tấn chè thành phẩm, doanh thu hơn 2 tỷ đồng.

Để đảm bảo sản phẩm chinh phục được nhiều người tiêu dùng, ông Đặng Ngọc Phố - Chủ nhiệm hợp tác xã - không ngại tìm đến các cơ sở chè lâu năm tại Thái Nguyên, Hà Nội để học hỏi, mời những chuyên gia từ Hiệp hội Chè về hợp tác xã đào tạo kỹ thuật, hướng dẫn người dân cách trồng, chăm sóc cây chè, thu hoạch chè sao cho đúng để cây chè luôn đạt sản lượng cao nhất. Mỗi lần chuyên gia đến giảng dạy, ông lại đúc rút thêm những kinh nghiệm quý báu. Nắm được những kỹ thuật từ thu hái, phơi chè, chế biến, ông Phố nhập máy móc từ Đài Loan về với mục đích kiểm soát tốt nhiệt độ, thời gian, để cho ra sản phẩm chè chất lượng tốt nhất.

Không những hợp tác với người dân để bao tiêu, đơn vị còn chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm. Sản phẩm chè Shan tuyết Na Hang hiện đã được cấp nhãn hiệu hàng hóa, tem truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Nhờ đó, cây chè Shan tuyết từ cây rừng hoang nay đã cho người dân ở Hồng Thái thu nhập bình quân đạt 28 triệu đồng/ha/năm, trở thành một trong những sản phẩm OCOP mạnh ở địa phương. Năm 2020, Hợp tác xã Sơn Trà phấn đấu bán ra thị trường 12 - 15 tấn chè Shan tuyết thành phẩm, doanh thu đạt 4 - 5 tỷ đồng.

Sản phẩm chè Shan tuyết hiện đã trở thành đặc sản nổi tiếng tại địa phương, được trưng bày tại gian hàng của Nhà khách huyện Na Hang nhằm mục đích giới thiệu đến đông đảo người dân và khách du lịch.

Bảo Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tuyen-quang-xay-dung-thuong-hieu-che-shan-tuyet-146125.html