Tuyên Quang: Nét đẹp tết 'Pây tái' của đồng bào Tày

Tết 'Pây tái' thường được gọi là tết rằm tháng Bảy. Tết có ý nghĩa là ngày lễ báo đáp công ơn của con cái đối với cha mẹ, những người đã sinh thành và nuôi dưỡng mình. Đây là một nét văn hóa truyền thống độc đáo, mang đậm bản sắc riêng của bà con dân tộc Tày tại Tuyên Quang.

Mâm cỗ ngày rằm tháng Bảy của một gia đình người Tày ở huyện Na Hang (Tuyên Quang)

Người Tày ở Tuyên Quang thường “Pây tái” và ăn rằm tháng 7 trong hai ngày là 14 và 15 âm lịch. Lễ Tết “Pây tái” vào ngày rằm tháng 7 là bổn phận của những người phụ nữ Tày sau khi đi lấy chồng. Những người con gái sau khi đi lấy chồng, quanh năm cùng chồng con chú tâm công việc làm ăn nơi nhà chồng, lo toan quán xuyến hương khói thờ phụng ông bà tổ tiên nhà chồng. Trong năm duy nhất chỉ có ngày mùng 2 tháng Giêng và ngày Rằm tháng Bảy mới là dịp được trở về nhà bố mẹ đẻ để tự tay chăm sóc, báo hiếu cha mẹ và sửa soạn lễ cúng tạ ơn ông bà tổ tiên.

Tết “Pây Tái” với ý nghĩa là con gái và con rể đem lễ về thăm nhà ngoại... Đây là dịp để con cái thể hiện lòng biết ơn công sinh thành, hiếu thuận đối với cha mẹ, trong dịp này tất cả những người công tác hay sinh sống ở xa có điều kiện sẽ đều trở về quê hương để ăn lễ.

Anh Nguyễn Văn Đức, 40 tuổi, quê ở huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) đang công tác tại Phú Phọ lấy vợ người Tày tại huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) chia sẻ: Từ khi lấy vợ, cứ mỗi dịp rằm tháng Bảy là vợ chồng, con cái lại chuẩn bị đồ đạc, lễ vật để về quê ngoại ăn tết.

“Công việc dù bận rộn thế nào thì cả gia đình tối cũng cố gắng bố trí thời gian để về ngoại ăn tết. Cũng may mắn là giờ đường đi lối lại cũng dễ đi hơn nhiều so với trước, từ Sơn Dương về Chiêm Hóa cũng chỉ đi xe khoảng 2 giờ đồng hồ là đến nơi”, anh Đức cho biết thêm.

Người Tày có câu: "Bươn chiêng kin nựa cáy, bươn chất kin nựa pất", nghĩa là: Tháng Giêng ăn thịt gà, tháng Bảy ăn thịt vịt. Chính vì vậy, thịt vịt là món ăn không thể thiếu trong ngày rằm tháng Bảy. Thời điểm trước ngày lễ vài ngày, khi ghé thăm các phiên chợ huyện, hàng vịt là nơi được mua bán trao đổi nhộn nhịp và đông đúc nhất.

Thịt vịt là món ăn không thể thiếu trong ngày rằm tháng Bảy

Theo truyền thuyết của người Tày, vịt được coi là con vật thiêng trong tâm linh, vì con vịt là vị sứ giả của mường trần gian với mường trời. Con vịt có công cõng gà trống vượt biển (khảm hải) đi cống xứ mường trời vào ngày rằm tháng Bảy hằng năm, để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu cho người nông dân. Ngoài ra, đến tháng 7 âm lịch, vịt mới trưởng thành là thời điểm thịt vịt ăn ngon nhất. Vì vậy, từ xưa, vịt trở thành món ăn truyền thống, thành con vật làm lễ của đồng bào Tày nơi đây.

Trong dịp lễ này, mỗi một cô con gái sau khi đi lấy chồng sẽ mang một đôi vịt về để làm lễ "pây tái" tại nhà bố mẹ đẻ của mình. Sau khi kết thúc ngày lễ, nhà bố mẹ sẽ hồi lại một con vịt. Thịt vịt thường được ăn kèm với bún tự làm trong ngày lễ này.

Bánh chuối được chuẩn bị cho tết "Pây tái".

Ngoài thịt vịt, thì bánh gai là món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày Rằm tháng Bảy để dâng lên tổ tiên. Đặc biệt, ở một số gia đình tại Tuyên Quang còn làm bánh chuối (Pẻng tải), được làm từ quả chuối chín hoặc từ củ chuối. Pẻng tải theo tiếng Tày được lí giải với nhiều nghĩa khác nhau, nhưng cách giải thích được nhiều người đồng tình nhất đó là: Pẻng là bánh và Pẻng tải là tháng bảy làm bánh đi nhà Tải tức là nhà ngoại, nhà bố vợ.

Với đồng bào Tày ở Tuyên Quang dù sống ở bất cứ nơi đâu cũng không thể quên tục "Pây tái". Đây là một trong dịp lễ lớn trong năm của người Tày cùng với Tết Nguyên Đán và Tết Thanh minh. Hiện nay, Giữa vòng xoáy của cuộc sống hiện đại, một số phong tục đã dần bị mai một nhưng nét đẹp phong tục "pây tái" vẫn được đồng bào nơi đây bảo tồn và gìn giữ. Đây thực sự là một nét văn hóa truyền thống độc đáo, ý nghĩa, mang đậm bản sắc dân tộc.

Lê Hoàn

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/tuyen-quang-net-dep-tet-%E2%80%9Cpay-tai%E2%80%9D-cua-dong-bao-tay-79070