Tuyên Quang: Nâng cao sự gương mẫu trong phòng, chống tham nhũng

Các cấp các ngành trong toàn tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTN; đề cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành; nâng cao vai trò, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong công tác PCTN

Quang cảnh Hội nghị .

Quang cảnh Hội nghị .

Ngày 31/3, UBND tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức Hội nghị tổng kết chiến lược Quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 và Kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC).

Theo báo cáo tại Hội nghị, sau 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng (PCTN) đến năm 2020 và Kế hoach thực hiện kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị việc tổ chức thực hiện đã đáp ứng được mục tiêu, nhiệm vụ để ra. Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được triển khai thực hiện đồng bộ, nhất là việc công khai, minh bạch về cơ chế, chính sách; công khai hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị và trách nhiệm giải trình trong tổ chức, hoạt động; đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính; minh bạch trong quản lý, sử dụng tài sản công...Nhờ đó, tình hình tham nhũng ở địa phương đã từng bước được kiềm chế; trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện xảy ra vụ việc tham nhũng lớn, nghiêm trọng, phức tạp, có tính hệ thống, gây hậu quả nghiêm trọng.

Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang phát biểu tại Hội nghị.

Giai đoạn 2009-2020, cơ quan thanh tra các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã tiến hành 217 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng, trong đó có 132 cuộc gắn với thanh tra kinh tế xã hội. Qua công tác điều tra, truy tố, xét xử lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng Công an tỉnh đã khởi tố 18 vụ/39 bị can; Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp của tỉnh đã truy tố 16 vụ/37 bị can; Tòa án nhân dân hai cấp của tỉnh xét xử 16 vụ/37 người bị kết án. Tổng số tiền thiệt hại do tham nhũng gây ra là hơn 5 tỷ đồng, đã thu hồi hơn 1,7 tỷ đồng. Tội phạm tham nhũng xảy ra ở một số lĩnh vực như: đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý và sử dụng đất đai; khai thác khoáng sản; lĩnh vực tài chính, ngân sách; lĩnh vực ngân hàng; lĩnh vực chính sách xã hội...

Trong phần thảo luận, các đại biểu đã có nhiều ý kiến, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả trong công tác PCTN. Trong đó tập trung vào các nội dung như: hoàn thiện cơ chế chính sách, khắc phục những bất cập trong quản lý vốn đầu tư công đảm bảo công khai, minh bạch; phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tạo sự đồng thuận toàn xã hội, tăng cường phản biện xã hội trong công tác PCTN; thực hiện công khai minh bạch trong quản lý nhà nước về đất đai…

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh: Từ một số kết quả đã đạt được, thời gian tới, các cấp các ngành trong toàn tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTN; đề cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành; nâng cao vai trò, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong công tác PCTN; triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp phòng ngừa tham nhũng, thực hiện cải cách hành chính mạnh mẽ, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; giải quyết tố cáo, xử lý tố giác, tin báo tội phạm…

Tin, ảnh: Kim Chiến

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/phap-luat/tuyen-quang-nang-cao-su-guong-mau-trong-phong-chong-tham-nhung-577626.html