Tuyên Quang: Gần ba năm thực hiện các Nghị quyết Đại hội Đảng của Na Hang- Bài 2: Phát triển nông nghiệp hàng hóa

Đảng bộ huyện Na Hang đã tập trung lãnh đạo thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 22/5/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016-2025. Ủy ban nhân dân huyện triển khai Đề án về phát triển một số cây trồng hàng hóa (lúa nếp đặc sản, đậu tương - đậu xanh, cây ăn quả, chè, rau sạch...) huyện Na Hang giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025.

Bài 2: Phát triển nông nghiệp hàng hóa

Đảng bộ huyện Na Hang xác định phát triển các vùng sản xuất hàng hóa nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương như: Sản xuất rau an toàn, phát triển cây chè theo hướng nâng cao chất lượng, cải tạo, phát triển cây ăn quả ôn đới. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vào khảo sát đầu tư trồng, chế biến và bao tiêu các sản phẩm chè trên địa bàn.

Thu hoạch chè đặc sản Phúc Vân Tiên và Kim Tuyên tại thôn Khuổi Phầy, xã Hồng Thái. Ảnh: Trần Mạnh Thường.

Hiện nay trên địa bàn huyện có 02 công ty, 02 hợp tác xã và 01 tổ hợp tác và 14 hộ dân (12 hộ xã Sơn Phú, 01 hộ xã Sinh Long, 01 hộ xã Thượng Nông) tham gia thu mua, chế biến chè. Toàn huyện hiện có hơn 1.295 ha chè đặc sản, trong đó chè Shan tuyết hơn 1.265 ha, chè Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên 30 ha. Thu nhập từ trồng chè mới đạt bình quân 26 triệu đồng/ha. Tổ chức tập huấn kỹ thuật tỉa cành, bón phân cho cây Lê tại xã Hồng Thái. Nghiên cứu Đề tài bảo tồn cây đầu dòng và nhân rộng giống cây ăn quả địa phương (bình tuyển 20 cây hồng không hạt đầu dòng, nhân rộng diện tích trồng 3 ha tại xã Đà Vị). Đồng thời đưa giống cây mới vào sản xuất như Bơ, Xoài, Dâu tây trồng tại xã Hồng Thái... nhằm nâng cao giá trị sản xuất hàng hóa từ cây ăn quả gắn với phát triển du lịch sinh thái.

Hai ảnh trên: Các thiếu nữ Dao Tiền thu hoạch lê đặc sản tại xã Hồng Thái. Ảnh: Trần Mạnh Thường.

Cùng với đó, Na Hang triển khai thực hiện Đề án phát triển một số cây trồng hàng hóa đối với cây lúa nếp đặc sản, cây đậu tương – cây đậu xanh, rau sạch... góp phần nâng cao giá trị và hiệu quả trong sản xuất. Từ năm 2016 đến nay, huyện đã hỗ trợ 1.100 kg giống đậu tương, 400 kg giống đậu xanh cho các xã Sinh Long, Yên Hoa, Đà Vị; tổ chức trồng tập trung 7,3 ha lúa nếp đặc sản tại xã Thượng Nông, 20 ha đậu tương tại xã Sinh Long, 20 ha đậu xanh tại các xã Đà Vị, Yên Hoa; phối hợp trồng 9 ha rau sạch các loại tại xã Hồng Thái. Thực hiện dự án trồng mới và chăm sóc 30 ha chè đặc sản tại xã Hồng Thái (chè Kim Tuyên, Phúc Vân Tuyên). Năm 2017, huyện đã hỗ trợ 715 kg giống đậu tương, 320 kg giống đậu xanh cho các xã Sinh Long, Côn Lôn, Đà Vị. Phối hợp tổ chức trồng tập trung 15 ha đậu xanh tại xã Yên Hoa từ nguồn vốn giảm nghèo và xây dựng nhãn hiệu hàng hóa Đậu xanh Yên Hoa.

Chủ tịch UBND xã Hồng Thái (Na Hang - Tuyên Quang) Bàn Tiến Sĩ (áo trắng, thứ hai từ phải sang) trao đổi với PV Vanhien.vn về phát triển nông sản hàng hóa. Ảnh: Đức Vinh.

Na Hang đã thực hiện đề tài trồng thử nghiệm một số giống lúa đặc sản có chất lượng, giá trị kinh tế cao và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương. Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách, nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, phát triển đàn trâu, đàn bò có giá trị, phù hợp với điều kiện địa phương, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa. Đến nay toàn huyện có 93 hộ, 03 doanh nghiệp tham gia vào nuôi trồng thủy sản trên hồ thủy điện Tuyên Quang với 675 lồng cá các loại, tăng trên 140 lồng so với năm 2016 (gồm: 161 lồng quy mô 108 m3; 514 lồng quy mô 9-60 m3; số lồng nuôi cá đặc sản 112 lồng, chiếm 16,6% tổng số lồng nuôi...). Tổng sản lượng thủy sản đạt 657 tấn, vượt 2,3% kế hoạch, cung ứng cho các đô thị đồng bằng. Toàn huyện hiện có 22 hộ chăn nuôi trâu, bò với quy mô trên 15 con/hộ; 36 hộ chăn nuôi với quy mô trên 10 con/hộ.

Anh Trần Đình Khánh xã Năng Khả, huyện Na Hang (Tuyên Quang) thả trên 400 con cá lăng giống xuống lồng trên lòng Hồ Thủy điện Tuyên Quang. Ảnh: Thái Sơn

Bên cạnh đó, Na Hang quan tâm chỉ đạo thực hiện việc xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Huyện có sản phẩm được cấp nhãn hiệu như: Cá sạch Na Hang, rau an toàn Hồng Thái, Chè Shan tuyết Na Hang, chè núi Kia Tăng.

Kết quả, các dự án sản xuất nông nghiệp hàng hóa được hình thành, bước đầu triển khai thực hiện có hiệu quả: Chè, rau an toàn Hồng Thái; vịt bầu Côn Lôn, lúa nếp đặc sản, cá đặc sản …, đã đem lại thu nhập đáng kể cho nhân dân. các tiến bộ khoa học kỹ thuật được tăng cường áp dụng vào sản xuất; nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển. Công tác phòng ngừa cho cây trồng vật nuôi được đảm bảo. Kết quả, tổng sản lượng lương thực có hạt bình quân đạt trên 18.500 tấn/năm, tổng đàn gia súc bình quân/năm đạt 14.243 con, sản lượng thủy sản tăng bình quân trên 5%/năm góp phần đảm bảo an ninh lương thực, ổn định cuộc sống cho nhân dân.

Mô hình trồng rau su su của gia đình anh Đặng Đức Hầu, thôn Khâu Tràng, xã Hồng Thái.

Công tác bảo vệ và phát triển rừng được triển khai thực hiện quyết liệt, trồng rừng hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, tỷ lệ che phủ rừng đạt 79%. Công tác thủy lợi được thực hiện tốt, đáp ứng yêu cầu cho phục vụ sản xuất, tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 91,6%. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia mới đạt 89,1% (mục tiêu nghị quyết trên 95%), vẫn còn nhiều thôn bản vùng sâu, vùng xa chưa có điện lưới quốc gia, đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo của Na Hang ước thực hiện năm 2018 giảm xuống còn 34,31% (giảm 3,85/năm); bình quân giảm nghèo giai đoạn 2016-2018 là 5,3%/năm, vượt mục tiêu nghị quyết (mục tiêu nghị quyết giảm bình quân 4%/năm). Giải quyết việc làm giai đoạn từ năm 2016 đến 6 tháng đầu năm 2018 cho 4.004 lao động, đạt 51% nghị quyết.

Nghiêm túc tự kiểm điểm, phát triển nông nghiệp hàng hóa của Na Hang còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa xây dựng được thương hiệu có uy tín, vẫn còn gặp khó khăn, bị động tìm thị trường tiệu thụ nông sản hàng hóa. Năng suất lao động của Na Hang còn rất thấp, thu nhập thực tế bình quân đầu người (năm 2017) ước thực hiện 19,7 triệu đồng/người/năm (mục tiêu nghị quyết 26 triệu đồng/người/năm).

Qua gần 3 năm thực hiện các Nghị quyết của Đảng, bước đầu Na Hang đã đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch so với lộ trình mục tiêu Nghị quyết của huyện đề ra, như: Sản lượng lương thực, khai thác thủy sản, phát triển du lịch, tỷ lệ giảm nghèo đều vượt kế hoạch UBND tỉnh giao. Bộ mặt đô thị miền núi có bước phát triển đáng kể. Huyện đã quan tâm đầu tư, phát triển sản xuất cây trồng, vật nuôi, sản phẩm là lợi thế của địa phương; giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao; lao động và việc làm có bước phát triển và tiến bộ. Việc đầu tư cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng thị trấn Na Hang, hạ tầng du lịch, công trình giao thông, công cộng, xây dựng nông thôn mới... góp phần thay đổi bộ mặt đô thị, nông thôn miền núi của huyện; an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống của người dân, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo, vùng sâu, vùng xa được nâng lên. Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đấu tranh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tiếp tục được đẩy mạnh, quốc phòng, an ninh được giữ vững.

(Đón đọc Bài 3: Phát triển du lịch, dịch vụ thành kinh tế mũi nhọn)

Xuân Bân – Quang Đán

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/tuyen-quang-gan-ba-nam-thuc-hien-cac-nghi-quyet-dai-hoi-dang-cua-na-hang-bai-2-phat-trien-nong-nghiep-hang-hoa-65119