Tuyên Quang: Đạt nhiều thành tựu lớn nhờ có chủ trương đúng!

Nhiệm kỳ 2015-2020, với nỗ lực vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc, Tuyên Quang đã đạt nhiều thành tựu mang tính chất đột phá trong phát triển KT-XH.

 Tuyên Quang đã trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc. Ảnh: NV.

Tuyên Quang đã trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc. Ảnh: NV.

Thành tựu của chủ trương đúng

Bất chấp khủng hoảng do dịch bệnh COVID 19, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, sự quản lý, điều hành linh hoạt của chính quyền các cấp, kinh tế của Tuyên Quang đã duy trì tốc độ tăng trưởng khá, bình quân đạt 6,45%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ công nghiệp, giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản.

Nổi bật trong nhiệm kỳ là hoạt động sản xuất công nghiệp có mức tăng trưởng khá. Hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp từng bước được đầu tư xây dựng đáp ứng được nhu cầu sản xuất và thu hút đầu tư các dự án. Giai đoạn 2015-2020, tỉnh Tuyên Quang đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 37 dự án, trong đó có 15 dự án đã hoàn thành và đi vào sản xuất.

Việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo cơ chế thuận lợi nhất để các nhà đầu tư đến với Tuyên Quang cũng được tỉnh coi trọng. Thứ bậc xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính của tỉnh tăng khá nhanh. Năm 2019, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCT) xếp thứ 32, tăng 16 bậc so với năm 2015; chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp thứ 16, tăng 33 bậc so với năm 2015; chỉ số hiệu quả hành chính công (PAPI) xếp thứ 36, chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) xếp thứ 26 trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước…

Nhờ đó đến nay, tỉnh Tuyên Quang đã thu hút được khoảng 50 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Nổi bật có nhiều doanh nghiệp lớn như Tập đoàn DABACO, Công ty cổ phần Woodsland, Tập đoàn Geleximco đã đến Tuyên Quang. Trong đó đã hoàn thành đi vào hoạt động một số dự án lớn gồm Nhà máy chế biến gỗ tại Cụm công nghiệp Thắng Quân của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang; Nhà máy sản xuất viên gỗ nén tại Hoàng Khai (Yên Sơn) của Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Võ Thuận Phát; Nhà máy Chế biến thức ăn gia súc tại Cụm công nghiệp Phúc Ứng của Công ty TNHH Trường Thọ; Nhà máy chế biến các sản phẩm chè Kia Tăng (Na Hang)...

Nhiệm kỳ 2015-2020, giá trị sản xuất công nghiệp của Tuyên Quang có mức tăng trưởng khá. Ảnh: Đào Thanh.

Những chỉ tiêu vượt mục tiêu Nghị quyết nhiệm kỳ 2015-2020:

- Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 4,3%/năm (Nghị quyết là trên 4%/năm)

- Trên 37,9% xã đạt chuẩn nông thôn mới (Mục tiêu Nghị quyết là trên 30%)

- Tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 65% (Mục tiêu Nghị quyết là trên 60%)

- Thu ngân sách trên địa bàn đạt 2.309 tỷ đồng (Mục tiêu Nghị quyết là 2.300 tỷ đồng)

- Giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt trên 135 triệu USD (Mục tiêu Nghị quyết là trên 135 triệu USD)

- Duy trì 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục Trung học cơ sở, phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

- Trong năm 2019, thu hút 1,9 triệu lượt khách du lịch (Mục tiêu Nghị quyết năm 2020 thu hút 1,7 triệu lượt khách du lịch)

Phát huy thế mạnh sản vật địa phương

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, nông nghiệp, nông thôn ở Tuyên Quang có những đổi mới mạnh mẽ. Nhiều sản phẩm nông nghiệp như cam sành Hàm Yên, chè San tuyết Hồng Thái, bưởi Phúc Ninh… được thị trường trong nước biết đến và đón nhận; gỗ rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC đã vươn ra thị trường thế giới…

Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang cho biết, đến nay ngành nông nghiệp của tỉnh Tuyên Quang đã bước đầu khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng và lợi thế của địa phương để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân trên 4,3%/năm, vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn.

Tính đến tháng 9/2020, tỉnh đã có vùng cam rộng hơn 8.000 ha, vùng bưởi trên 4.000 ha, vùng chè trên 8.000 ha, 140.000 ha rừng sản xuất gỗ nguyên liệu… Các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh bước đầu đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Giá trị sản xuất bình quân đạt 96 triệu đồng/ha đất trồng trọt, tăng 1,4 lần so với năm 2015. Chăn nuôi được mở rộng phát triển theo hướng trang trại, gia trại; thủy sản hình thành nhiều vùng nuôi cá lồng quy mô khá trên khu vực lòng hồ sinh thái Na Hang và dọc trên sông Lô, Gâm tại các huyện Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa, Hàm Yên…

Nhiều sản phẩm nông nghiệp tốt của Tuyên Quang được thị trường trong nước biết đến và đón nhận. Ảnh: Đào Thanh.

Thành công nổi bật của nhiệm kỳ là tỉnh phát triển mạnh mẽ nền nông nghiệp tốt, đến nay diện tích sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) đạt 1.693ha, tăng 1.234ha so với năm 2015. Trong đó có 772ha cam, 73ha chè đạt tiêu chuẩn VietGAP; 702ha chè đạt chuẩn nông nghiệp bền vững (SAN) 3ha lúa, 24ha chè theo tiêu chuẩn hữu cơ; 57ha cam, bưởi đạt chuẩn hữu cơ chuyển đổi. Sản phẩm cam sành Hàm Yên đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký quyết định chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.

Với mục tiêu trở thành hình mẫu về phát triển kinh tế lâm nghiệp của cả nước, Đảng bộ, chính quyền và người dân Tuyên Quang đã không ngừng đổi mới trong phương thức sản xuất cũng như cơ chế chính sách thu hút đầu tư. Trong 5 năm, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng của tỉnh đạt 4 triệu m3, đáp ứng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ, giấy của tỉnh. Tỉnh có hơn 27.700 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC. Tuyên Quang cũng là một trong những tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng, diện tích rừng trồng và sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đứng đầu cả nước.

Ông Hà Đăng Chỉnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang cho biết, Tuyên Quang là địa phương có diện tích gỗ rừng trồng lớn tốp đầu của cả nước. Nhiều diện tích rừng người trồng đã tuân thủ thực hiện theo tiêu chuẩn FSC, đây là lợi thế không phải nơi nào cũng có được. Đó là yếu tố quan trọng để trong thời gian tới công ty tiếp tục triển khai xây dựng các nhà máy mới trên diện tích 30 ha, bảo đảm không ngừng tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Nâng cao chất lượng cuộc sống từ phố thị đến xóm làng

Trên tinh thần mọi chủ trương, chính sách phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, phù hợp với điều kiện thực tiễn bộ mặt Kinh tế - xã hội của Tuyên Quang trong nhiệm kỳ qua có sự đổi mới toàn diện từ thành thị đến nông thôn.

Ở thành thị, thành phố Tuyên Quang đến nay đã cơ bản đạt đô thị loại II. Hệ thống đô thị từng bước được đầu tư, xây dựng, các cụm dân cư tập tập trung gắn với phát triển các thị trấn, thị tứ, trung tâm cụm xã góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa. Nhiều công trình đô thị, hạ tầng lớn như Cầu Tình Húc, khu đô thị Việt Mỹ, khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và tắm khoáng Mỹ Lâm… được xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Nông thôn Tuyên Quang đang không ngừng đổi mới. Ảnh: Đào Thanh.

Ở nông thôn, toàn tỉnh có 47 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 37,9%, trong đó mục tiêu Nghị quyết đề ra là trên 30%. Trong nhiệm kỳ, tỉnh thực hiện kiên cố hóa hơn 1.000 km kênh mương; xây dựng 934 nhà văn hóa xã, thôn, tổ dân phố; bê tông hóa 633km đường giao thông nội đồng. Chương trình xây dựng nông thôn mới được nhân dân chung sức, đồng lòng ủng hộ. Nông thôn đổi mới khang trang, đời sống của người dân cũng ngày thêm ấm no. Đến nay thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đạt 2,67 triệu đồng/người/tháng, tăng 1,55 lần so với năm 2015. Đến nay tỉnh chỉ còn 11,8% tỷ lệ hộ nghèo, trung bình hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 3%.

Nhiệm kỳ 2020-2025, trên tinh thần đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, sáng tạo, phát triển, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang với quyết tâm chính trị và khát vọng phát triển cao sẽ quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực đưa tỉnh trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.

Đào Thanh

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/tuyen-quang-dat-nhieu-thanh-tuu-lon-nho-co-chu-truong-dung-d275143.html