Tuyên Quang: Đặc sản măng khô Tri Phú

Với lợi thế về rừng và đất rừng, sau nhiều thử nghiệm, xã Tri Phú (huyện Chiêm Hóa) đã tìm ra loại cây phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu để phát triển kinh tế, đó là cây tre măng - tre Chinh.

Người dân thôn Bản Tát, xã Tri Phú (Chiêm Hóa) phơi măng khô

Cây tre Chinh là loại cây bản địa, đa dụng, thân cây là nguồn nguyên liệu cho nhiều công việc, ngành nghề khác nhau như làm nhà cửa, nông cụ lao động, làm đồ thủ công mỹ nghệ, đũa, tăm, nguyên liệu giấy… Măng tre Chinh là loại thực phẩm sạch được thị trường ưa chuộng. Năng suất măng tre Chinh cao nên loại cây này được người dân xã Tri Phú trồng nhân rộng làm hàng hóa với tổng diện tích toàn xã hơn 180 ha.

Cây tre Chinh được trồng nhiều nhất tại thôn Bản Tát với hơn 100 ha, thôn có 53 hộ thì hộ nào cũng trồng tre Chinh. Ông Hoàng Văn Chấn, người cao tuổi trong thôn cho biết, trước kia cây tre Chinh mọc hoang trên rừng, măng loại tre to, ngon nên người dân lấy về ăn và chế biến thành đồ khô tích trữ để sử dụng làm thực phẩm trong gia đình. Do cây tre Chinh dễ trồng thích hợp ở nhiều địa hình từ đất đồi khô cằn đến vườn nhà nên người dân thôn Bản Tát đã trồng thành khu tập trung. Cây tre Chinh trồng sau 3 năm cho thu hoạch; sau 4 năm cho thu hoạch măng ổn định; mỗi cây măng có thể đạt trọng lượng tới 4 kg; bình quân lợi nhuận đạt trên 30 triệu đồng/ha/năm.

Chị Bàn Thị Khoa, thôn Bản Tát chia sẻ, gia đình thường xuyên sử dụng măng tre Chinh làm thực phẩm chế biến thành nhiều món ăn như măng chua, măng khô nấu canh bởi măng tre Chinh có vị ngọt thơm và giòn. Vào mùa măng, lấy về ăn ngay không hết sẽ được cho vào luộc, hấp rồi thái lát, phơi nắng cho măng khô lại để đến hết mùa măng tươi hoặc khi nhà có khách quý, có công việc đem ra thết đãi khách… Những năm gần đây gia đình mở rộng diện tích lên hơn 4 ha; mỗi năm gia đình thu gần 1 tấn măng khô được thương lái vào tận thôn thu mua, gia đình có khoản thu gần 100 triệu đồng.

Anh Triệu Văn Thắng, thôn Bản Tát cho biết, mùa thu hoạch măng bắt đầu từ tháng 5 - 8 âm lịch, năm nay thời tiết mưa nhiều măng cũng lên đều. Gia đình có 7 ha tre Chinh thu hoạch được khoảng hơn 20 tấn măng tươi vụ này, chế biến được gần 2 tấn măng khô, với giá bán 120.000 - 140.000 đồng/kg, mỗi năm thu lãi hơn 200 triệu đồng.

Ông Triệu Phúc Phương, Bí thư Đảng ủy xã Tri Phú cho biết, làm măng khô đã trở thành nghề truyền thống của người dân xã Tri Phú từ nhiều năm nay, giúp các hộ dân có thêm thu nhập. Thời gian tới, để khai thác hết tiềm năng, lợi thế của địa phương, đồng thời để sản phẩm măng khô có thị trường tiêu thụ ổn định và lâu dài, xã đã đưa sản phẩm tre khô là sản phẩm đặc trưng của xã, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm cho người dân.

Bài, ảnh: Cao Huy

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/tuyen-quang-dac-san-mang-kho-tri-phu-79112