Tuyển quặng 'bức tử' suối Ngàn Me ở Thái Nguyên

Suối Ngàn Me chảy qua địa phận xã Cây Thị sang thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) từ lâu là dòng suối chết, bởi xưởng tuyển rửa quặng có quy mô đặt ngay bên bờ, xả thẳng bùn đỏ xuống dòng suối trong thời gian dài, nước suối quện bùn đỏ quạch, không thể dùng cho sản xuất. Người dân và chính quyền địa phương bức xúc, cơ quan có thẩm quyền biết rõ, nhưng không hiểu vì sao việc xả bùn đỏ xuống suối không được ngăn chặn.

Bùn đỏ thải trực tiếp xuống suối

Bùn đỏ thải trực tiếp xuống suối

Suối Ngàn Me bắt nguồn từ một số khe núi, thượng nguồn dòng nước trong veo, thế nhưng chảy qua xã Cây Thị thì đỏ lòm, quện bùn đỏ, vào mùa khô, nước cạn, bùn đỏ sền sệt trên dòng suối. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này, là đứng tại moong Thác Lạc ở thị trấn Trại Cau cũng có thể nhìn rõ một xưởng tuyển quặng có quy mô khá lớn đặt ngay bên bờ, xả thải trực tiếp bùn đỏ xuống dòng suối.

Đến xưởng tuyển, thấy quặng nguyên khai được khai thác trên địa bàn, vận chuyển về xưởng để nghiền, rồi tuyển rửa loại bỏ bùn đỏ, tạp chất để nâng hàm lượng quặng sắt. Tại đây, có các dây chuyền nghiền quặng, dây chuyền tuyển rửa, trạm biến áp cấp điện lưới phục vụ xưởng tuyển hoạt động. Ngay cạnh xưởng tuyển là suối Ngàn Me, không hề có công trình bảo vệ môi trường nên bùn đỏ, nước thải sau tuyển đậm đặc được xả thẳng xuống suối.

Xưởng tuyển quặng đặt ngay bên suối Ngàn Me.

Ông Đặng Quốc Tuấn ở tổ 14, thị trấn Trại Cau bức xúc: Xưởng tuyển hoạt động đã nhiều năm nay, có thời điểm hoạt động suốt ngày đêm, ngang nhiên xả thải xuống suối, làm cho nguồn nước quện bùn đỏ đậm đặc, người dân không thể dùng nước để sản xuất, cho gia súc uống. Vào mùa khô, nước ít, suối Ngàn Me trở thành suối bùn.

Sau khi chảy qua địa phận thị trấn Trại Cau, suối Ngàn Me “nhập” vào một nhánh sông khác, bùn đỏ đã được “pha loãng” trước khi chảy vào sông Đào xuống huyện Phú Bình (Thái Nguyên), sang huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang). Mặc dù đã được “pha loãng”, nhưng dòng sông Đào phục vụ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp trên địa bàn hai huyện vẫn bị nhuộm đỏ. Những hôm nước cạn, hai bên bờ sông Đào lộ ra lớp bùn đỏ lắng đọng dày khoảng hai cm. Sông Đào chảy đến cầu Gia Tư, gần thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa, cách xưởng tuyển vài chục km mà nước vẫn đỏ lòm. Như thế mới thấy suối Ngàn Me bị ô nhiễm đến mức nào.

Công ty Điện lực Đồng Hỷ “tiếp tay” “giết” suối Ngàn Me.

Suối Ngàn Me bị ô nhiễm trầm trọng, không thể dùng để sản xuất, chăn nuôi của nhân dân xã Cây Thị, thị trấn Trại Cau, chảy xuống gây ô nhiễm sông Đào trên địa bàn huyện Phú Bình, huyện Hiệp Hòa gây thiệt hại đến sản xuất. Điển hình là tháng 3-2019 vừa qua, một số cơ sở ương nuôi cá giống ở thị trấn Hương Sơn, xã Kha Sơn thuộc huyện Phú Bình sử dụng nguồn nước sông Đào, làm chết hơn 600 kg cá bố mẹ và cá con chuẩn bị xuất bán. Chủ một cơ sở ương nuôi cá giống ở xã Kha Sơn đau xót vớt những con cá bố mẹ nặng năm, sáu kg chết nổi dưới ao lên, thấy hai mang cá toàn bùn đỏ. Nông dân huyện Phú Bình than phiền: Lấy nước sông Đào vào ruộng cấy lúa, bùn đỏ bó rễ làm cho lúa kém phát triển.

Những năm qua, chính quyền, nhân dân xã Cây Thị và thị trấn Trại Cau đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị cơ quan chức năng, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên về tình trạng xưởng tuyển xả thẳng bùn đỏ xuống suối Ngàn Me gây ô nhiễm trầm trọng. Cuối năm 2018, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về khoáng sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011- 2017, HĐND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu UBND tỉnh giải quyết dứt điểm tình trạng xả thải gây ô nhiễm suối Ngàn Me. Sau đó, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành kế hoạch, giao nhiệm vụ cho Sở Tài nguyên và Môi trường giải quyết yêu cầu của HĐND tỉnh.

Tuy nhiên, trên thực tế bùn đỏ vẫn đang ngang nhiên xả xuống suối Ngàn Me. Người dân đặt vấn đề, chủ xưởng tuyển là một người có “máu mặt”, ai đó bao che, dung túng nên xưởng tuyển này mới bất chấp dư luận, phớt lờ yêu cầu của cấp có thẩm quyền, ngang nhiên xả thải bùn đỏ gây ô nhiễm rất nghiêm trọng suối Ngàn Me trong thời gian dài.

NGUYỄN THẮNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/40329302-tuyen-quang-%E2%80%9Cbuc-tu%E2%80%9D-suoi-ngan-me-o-thai-nguyen.html