Tuyên Quang: Bí quyết để có những cánh đồng mía trăm tấn

Là một trong những địa phương có diện tích sản xuất mía nguyên liệu lớn nhất miền núi phía Bắc nhưng thời gian qua, năng suất, chất lượng mía trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Ðể bảo đảm thu nhập cho người dân, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều mô hình thâm canh nhằm từng bước nâng cao giá trị cây mía.

Những cánh đồng mía trăm tấn

Niên vụ 2017-2018, nhiều diện tích mía ở huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) không chỉ dừng lại ở năng suất 50 - 60 tấn/ha mà đã đạt trên 100 tấn/ha. Sự đột phá này đang tạo ra kỳ vọng lớn cho người trồng mía địa phương trước thực trạng năng suất mía thấp, thu nhập bấp bênh khiến nhiều nông dân chán nản, phá bỏ diện tích canh tác.

Người dân thôn 3, xã Đội Cấn (TP. Tuyên Quang) chăm sóc mía lưu gốc năm thứ 3. Ảnh: baotuyenquang

Trồng mía từ năm 2013, nhưng năng suất mía nhà ông Bàn Văn Quý, thôn Ngòi Họp, xã Minh Khương chưa bao giờ vượt quá 60 tấn/ha. Đầu năm 2017, khi được Trạm Khuyến nông huyện Hàm Yên chọn là 1 trong 3 hộ của xã thực hiện mô hình thâm canh chăm sóc sớm mía lưu gốc, năng suất mía nhà ông Quý đã tăng lên 125 tấn/ha.

Ông Quý bảo, mía được Công ty CP Mía đường Sơn Dương thu mua ổn định với giá 900 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình ông cũng để ra được hơn 80 triệu đồng tiền lãi.

Tương tự, được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, gia đình ông Lê Văn Khánh, thôn Chầm Bùng, xã Đức Ninh đã tuân thủ kỹ thuật “4 sớm” trong việc chăm sóc 2ha mía của gia đình, gồm: Bạt gốc sớm, cày xả gốc và lọng gốc sớm, dặm gốc sớm, bón phân sớm. Bên cạnh đó, ông Khánh cũng bón phân NPK Lâm Thao đầy đủ cho cây mía, chú ý phòng trừ sâu bệnh, nhờ vậy, năng suất mía niên vụ vừa qua đạt 147 tấn/ha.

“Nhờ chăm sóc tốt, năm nay, mía nhà tôi tiếp tục phát triển mạnh. Mặc dù đợt vừa qua bị bão đổ nhưng dự kiến vẫn đạt khoảng 120 tấn/ha” – ông Khánh nói.

Người dân thôn Vĩnh Bảo, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) chăm sóc mía trồng trên cánh đồng lớn diện tích 5ha. Ảnh: Đoàn Thư

Theo Trạm Khuyến nông huyện Hàm Yên, toàn huyện có 732ha mía, nhưng năng suất bình quân trước đây chỉ đạt trên 58 tấn/ha. Nhiều địa phương mới chỉ tập trung vào việc mở rộng diện tích để tăng sản lượng, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng mía còn hạn chế.

Xuất phát từ thực trạng này, Trạm Khuyến nông huyện đã xây dựng mô hình thâm canh chăm sóc sớm để đạt năng suất cao, thực hiện tại 9 xã Bạch Xa, Minh Khương, Yên Phú, Nhân Mục, Thái Sơn, Thái Hòa, Đức Ninh, Bình Xa, Minh Hương, trên diện tích

6ha. Các giống mía áp dụng là ROC10, ROC22. Trong đó, thay đổi lớn nhất trong chăm sóc mía của các hộ tham gia mô hình là bón phân cân đối giữa đạm, lân, kali, bón phân đúng thời điểm, thực hiện chăm sóc đúng kỹ thuật...

Ông Hà Văn Hưng - Phó Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Hàm Yên cho biết, sau gần 1 năm thực hiện, trên cùng một điều kiện thổ nhưỡng nhưng biện pháp kỹ thuật tác động khác nhau đã giúp 6ha mía có mức độ nhiễm sâu đục thân, rệp nhẹ hơn. Chiều cao cây mía hơn diện tích đối chứng từ 0,2m/cây, to, nặng hơn; năng suất bình quân đạt 117,6 tấn/ha, tăng hơn 55,1 tấn/ha; sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi hộ lãi tăng hơn 30 triệu đồng/ha so với cách trồng mía truyền thống.

Mía “trẻ” lâu nhờ chăm sóc đúng cách

Thực tế cho thấy, thời gian gần đây, do ngành đường tiêu thụ khó khăn, giá thu mua mía nguyên liệu thấp khiến nông dân nhiều nơi không còn mặn mà với cây mía, diện tích mía bị phá bỏ chuyển sang cây trồng khác ngày càng lớn.

Qua tính toán, thu nhập từ cây mía đạt trung bình 35,2 triệu đồng/ha/năm, cao hơn so với lúa, chè, ngô, dong riềng từ 6,6 - 17,3 triệu đồng/ha/năm, nhưng lại thấp hơn nhiều so với các cây ăn quả như cam (102 triệu đồng/ha/năm), bưởi (74 triệu đồng/ha/năm). Do đó, việc nâng cao năng suất, chất lượng mía nguyên liệu được coi là lời giải thiết thực, hiệu quả nhất cho ngành mía đường trong bối cảnh diện tích mía ngày càng giảm mạnh.

Gắn bó với cây mía chục năm, ông Nguyễn Văn Thắng, thôn 3, xã Đội Cấn (TP.Tuyên Quang) đã có nhiều kinh nghiệm chăm sóc mía lưu gốc. Ông Thắng cho biết, ngay khi thu hoạch xong là vệ sinh ruộng, đốt sạch lá, cỏ tạp, sau đó cày móc hai bên luống mía. Cày móc sẽ làm đứt bớt rễ cũ, kích thích gốc mía phát triển rễ mới, thúc mía nảy mầm, làm đất tơi xốp, thoáng khí. Khi mía lên mầm 20 - 40cm tiến hành bón phân và vun kịp thời tránh thất thoát do bay hơi hoặc bị trôi.

Anh Lê Văn Khánh (bên phải), thôn Trầm Bùng, Đức Ninh được cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc mía. Ảnh: baotuyenquang

Theo ông Thắng, chăm sóc mía lưu gốc đúng kỹ thuật gốc mía “trẻ” lâu từ 2 - 3 năm, ít sâu bệnh hại, từ đó giảm chi phí đầu tư do không phải trồng lại nên tiết kiệm được tiền làm đất, giống, tiền thuê nhân công trồng. Hơn nữa, chăm sóc mía lưu gốc tốt, năng suất và sản lượng mía sẽ cao hơn nhiều so với mía mới trồng năm đầu. Niên vụ 2017-2018, với gần 2ha mía gia đình ông Thắng thu được trên 120 tấn, tăng hơn 20 tấn so với mía năm đầu.

Cũng như ông Thắng, gia đình ông Nguyễn Văn Tuyên cùng thôn 3, xã Đội Cấn vừa nhận hỗ trợ 1,8 tấn phân bón từ Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương, trong đó có NPK Lâm Thao. Ông đã huy động nhân lực để bón ngay cho hơn 1ha mía mới trồng. Ông Tuyên cho biết: Bón phân đầy đủ, sớm, mía sẽ được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng ngay từ ban đầu, mầm mía sẽ mập, vươn dóng nhanh, thân to đều, ít đổ.

Theo ông Nguyễn Văn Nguyên - Phó trưởng Phòng nguyên liệu, Công ty CP Mía đường Sơn Dương, công ty đang thực hiện cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho người trồng mía với định mức từ 2 - 4 tấn phân bón/ha tùy theo thổ nhưỡng từng vùng. Công ty cũng yêu cầu cán bộ nông vụ giám sát chặt chẽ việc bón phân theo đúng định mức, đúng lúc nhằm tăng hiệu quả sản xuất.

Bón phân NPK-S Lâm Thao cho cây mía

Liều lượng bón cho 1 sào Bắc Bộ (kg/360m2) như sau: (xem bảng)

Ghi chú: 1ha = 1 sào Bắc Bộ x 27,8 = 1 sào Trung Bộ x 20 = 1 công x 10 (theo diện tích 1 sào Bắc Bộ = 360m2; 1 sào Trung Bộ = 500m2; 1 công (miền Nam) = 1.000m2).

Có thể thay phân chuồng bằng cách bón mùn thải của nhà máy đường sau khi xử lý. Bón vôi vùi sâu, trộn đều trong tầng đất canh tác, bón trước khi trồng mía ít nhất 30 ngày. Các loại phân vi lượng Bo 0,1 - 0,2%, Cu, Zn, Fe phun bổ sung qua lá vào thời kỳ bắt đầu đẻ nhánh và bắt đầu có lóng.

Mía gốc: Lượng phân chuồng, phân đạm, lân và kali sử dụng cho mía gốc tương tự như với mía tơ, lượng phân đạm cần tăng 15 - 20%.

Sau khi thu hoạch trong vòng 1 tuần, cày phá luống, cày xới giữa 2 hàng mía, phơi ải đất 2 - 7 ngày, bón gốc toàn bộ phân chuồng, phân nung chảy Lâm Thao, cày lấp đất. Bón thúc đẻ nhánh khi bắt đầu có lóng với loại phân NPK-S 12.5.10-14.

Các loại phân vi lượng phun bổ sung qua lá vào thời kỳ bắt đầu đẻ nhánh và bắt đầu có lóng.

Đoàn Thư - Thiên Hương

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/thi-truong-nong-san/tuyen-quang-bi-quyet-de-co-nhung-canh-dong-mia-tram-tan-917968.html