Tuyên ngôn Độc lập - những giá trị vĩnh hằng

'Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc'.

Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình vào ngày 2-9-1945 Ảnh: TL

* Thành quả vĩ đại từ những mất mát, hy sinh

Phát huy tinh thần của Tuyên ngôn Độc lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, dân tộc Việt Nam đã đoàn kết nhất trí vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, đánh thắng các thế lực ngoại xâm, giành lại độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay đang diễn ra trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi. Thế nhưng, một trong những nguyên tắc lớn nhất vẫn được Đảng ta nhất quán kiên trì thực hiện, đó là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.

Kể từ khi tiếng súng xâm lược của thực dân Pháp bắn vào cửa biển Đà Nẵng cuối năm 1858 đến năm 1945 là gần 90 năm. Trong khoảng thời gian ấy, máu xương của biết bao thế hệ người Việt Nam yêu nước đã đổ xuống vì khát vọng độc lập dân tộc. Hơn 80 năm nô lệ, đó là khoảng thời gian dài đằng đẵng đủ cho 4 thế hệ nối tiếp nhau. Những thế hệ người Việt Nam yêu nước trong 80 năm ấy đã lớp lớp ra pháp trường, lớp lớp theo nhau vào nhà tù. Biết bao máu đã chảy, đầu đã rơi. Nước mất thì nhà tan “Bến Nghé của tiền tan bọt nước/Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây”.

Sáng 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng tuyên bố với toàn thể quốc dân đồng bào, với các nước trên thế giới về sự ra đời của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hồi tưởng về sự kiện vĩ đại này, nhà cách mạng Nguyễn Văn Nguyễn trong tác phẩm Tháng tám trời mạnh thu đã viết: “Dưới cảnh trời lộng mây, làn sóng triệu triệu người cuồn cuộn chảy vào đô thị. Chiến tranh vừa kết thúc. Nhân loại thở một hồi dài. Người nô lệ đi ra đường. Cỏ cây đất nước được giải phóng. Một tác phẩm xuất hiện. Không phải công trình vô vi của anh hùng cô độc. Một tác phẩm của nhân dân, làm bằng máu thịt của nhân dân, anh hùng là nhân dân. Ấy là Cách mạng Tháng Tám!”.

Tuyên ngôn độc lập và sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được viết nên từ khát vọng của cả dân tộc Việt Nam, từ sự hy sinh vô bờ bến của biết bao thế hệ người Việt Nam đã chiến đấu, hy sinh. Những nội dung cơ bản nhất của tuyên ngôn là sự kế thừa những khát vọng của dân tộc đã được đề cập từ bản Yêu sách của nhân dân An Nam năm 1919 mà Nguyễn Ái Quốc thay mặt cho những người Việt Nam yêu nước ở Paris gửi đến Hội nghị Versailles đòi quyền dân tộc và tự quyết của nhân dân Việt Nam.

* Tác phẩm chân lý của thời đại

Tuyên ngôn Độc lập kế thừa và phát triển đầy đủ những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam như đức hy sinh, lòng dũng cảm, tinh thần bất khuất không chịu cúi đầu làm nô lệ. Đó là sự kế thừa những truyền thống tốt đẹp của ông cha mà điểm sáng chói là chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc; là trí tuệ và bản lĩnh văn hóa Việt Nam với khát vọng thiêng liêng nhất là đấu tranh để giành độc lập, thống nhất đất nước và giành lại những quyền cơ bản của con người.

“Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”. Đó là tinh thần nhân văn cao cả, tinh thần hòa hiếu của người Việt Nam - “Tuy vậy, đối với người Pháp, đồng bào ta vẫn giữ một thái độ khoan hồng và nhân đạo. Sau cuộc biến động ngày 9 tháng 3, Việt Minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thùy, lại cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật và bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ”.

Tuyên ngôn khẳng định quyền dân tộc, quyền con người và tuyên bố trước thế giới về khát vọng được sống trong hòa bình; được hưởng các quyền tự do, độc lập, quyền tự quyết của dân tộc. Tất cả những quyền ấy là quyền cơ bản thiêng liêng của con người nên ở Mỹ, ở Pháp hay ở bất cứ nơi đâu đều giống nhau. Vậy nên, từ Tuyên ngôn của nước Mỹ “Tất cả mọi người đàn ông đều sinh ra bình đẳng...”, Hồ Chí Minh đã tiếp thu và phát triển sáng tạo “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng”. Tuyên bố này của tuyên ngôn đã được hiện thực hóa ngay vào cuộc sống bằng chính bản Hiến pháp đầu tiên, bằng cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - mọi công dân đều có quyền bình đẳng.

Mặc dù người Pháp đã gây ra nhiều tội ác cho dân tộc và đất nước Việt Nam, nhưng những giá trị của Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp vẫn được kế thừa trong bản tuyên ngôn của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với diễn giải phù hợp với suy nghĩ và hiểu biết của đa số người Việt: “Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Tất cả những giá trị cao cả này chứng thực một chân lý: Tuyên ngôn Độc lập là một tác phẩm của chân lý thời đại.

Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học - kỹ thuật tỉnh Trần Quang Toại: Di sản tinh thần trường tồn của dân tộc

Nhìn lại Ngày Quốc khánh 2-9 cách đây 74 năm với bản Tuyên ngôn Độc lập Bác Hồ đọc tại Quảng trường Ba Đình đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, từ một đất nước nô lệ thành một quốc gia độc lập, có sức hiệu triệu rất lớn với nhiều nước đang là thuộc địa của thực dân lúc bấy giờ nên mang tầm giá trị thời đại to lớn.

Quốc khánh 2-9 và bản Tuyên ngôn Độc lập còn là di sản tinh thần quý giá của dân tộc Việt Nam. Cái hay của Bác là vận dụng Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền, dân quyền của Pháp nhưng đã vượt lên trên đưa dân quyền cá nhân khẳng định thành nhân quyền và dân quyền của một xã hội, một dân tộc.

Nhìn từ khía cạnh lịch sử, văn hóa, bản Tuyên ngôn Độc lập còn cổ vũ cho khát vọng hòa bình, của toàn nhân loại, là khát vọng đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng đất nước đàng hoàng, to đẹp nên tinh thần Quốc khánh 2-9 vẫn mãi mãi trường tồn.

Nguyệt Hà (ghi)

Theo VŨ TRUNG KIÊN (Báo Đồng Nai)

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/tuyen-ngon-doc-lap-nhung-gia-tri-vinh-hang-a253387.html