Tuyên Hóa: Mô hình trồng mướp đắng cho thu nhập cao

Với diện tích 4000m2 đất trồng keo của gia đình, anh Đinh Văn Minh ở thôn Bắc Sơn, xã Sơn Hóa (Tuyên Hóa) đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng mướp đắng cho thu nhập cao. Bình quân mỗi vụ mướp đắng, gia đình anh Minh thu về 200 triệu đồng.

Anh Đinh Văn Minh (SN 1979) và chị Rơ Mah H’Lý (SN 1985) trước đây từng có thời gian lập nghiệp ở huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai. Năm 2018, do làm ăn khó khăn nên anh chị bàn nhau về quê chồng (thôn Bắc Sơn, xã Sơn Hóa, huyện Tuyên Hóa) sinh sống.

Nhận thấy điều kiện ở quê đất đai nhiều nhưng người dân chưa biết cách canh tác nên chủ yếu trồng cây sắn và cây keo, thu nhập không cao. Sẵn có nghề làm vườn từ lúc ở Gia Lai, năm 2019 anh Minh và chị H’Lý mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng keo của gia đình để đầu tư trồng cây mướp đắng.

 Vườn mướp đắng của gia đình anh Đinh Văn Minh sai trĩu quả.

Vườn mướp đắng của gia đình anh Đinh Văn Minh sai trĩu quả.

Ban đầu gia đình anh chị trồng thử nghiệm 2000m2, sau nhận thấy cây mướp đắng phù hợp với chất đất, sinh trưởng, phát triển tốt nên năm 2020 anh Minh mở rộng diện tích trồng mướp đắng lên 4000m2. Gia đình anh chị đã đầu tư làm giàn lưới và hệ thống phun tưới tự động, trồng mướp đắng theo hướng áp dụng công nghệ cao, sạch, an toàn. Mỗi hàng mướp đắng được trồng cách nhau 3m, ở giữa anh Minh trồng xen các loại cây cà, ớt để tăng thêm thu nhập.

Anh Đinh Văn Minh chia sẻ: “Cây mướp đắng rất phù hợp với đất đồi dạng sét pha cát. Tuy nhiên, muốn trồng hiệu quả thì phải làm giàn cao và thoáng để cây leo lên và lan rộng đón ánh nắng mặt trời. Quan trọng nhất là phải cung cấp đủ nước tưới thường xuyên. Về mùa đông phải ủ rơm, cỏ vào gốc rồi tưới nước để giữ độ ấm cho cây”.

Cũng theo kinh nghiệm của anh Minh, muốn trồng mướp đắng hiệu quả, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng thì phải trồng theo hướng sạch, tức là chỉ bón phân hữu cơ và xử lý sâu bệnh bằng phương pháp sinh học. Hiện trong vườn anh Minh cho treo các túi chứa viên long não và sử dụng hành, tỏi, ớt, cây thuốc lá ngâm với rượu để phun xịt phòng trừ sâu bệnh.

Cây mướp đắng được vợ chồng anh Minh xuống giống từ tháng 9 hàng năm, sau khoảng thời gian từ 2 đến 3 tháng thì cho thu hoạch. Thời gian thu hoạch kéo dài trong 3 tháng. Mỗi năm gia đình anh Minh trồng được 2 vụ, mỗi vụ cho thu nhập khoảng hai trăm triệu đồng.

Hiện vườn mướp đắng của gia đình anh Đinh Văn Minh và chị Rơ Mah H’Lý đang vào vụ thu hoạch, trái sai trĩu giàn, hàng ngày thương lái đến tận vườn thu mua, giá bán 1kg mướp đắng hiện tại là 20.000 đồng. Từ đầu vụ đến nay, gia đình anh Minh đã xuất bán được 5 tấn mướp đắng. Ước tính sản lượng mướp đắng vụ này của gia đình anh trên 10 tấn.

Chị Rơ Mah H’lý (phải) đang hái mướp đắng bán cho thương lái.

Anh Minh cho biết thêm, do nhu cầu của thị trường đang cao nên thời gian tới gia đình anh sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng mướp đắng lên gấp đôi hiện nay, đồng thời anh cũng đang có kế hoạch thuê thêm đất để trồng cây bí đao.

Theo ông Nguyễn Quyết Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Hóa (Tuyên Hóa), mô hình trồng mướp đắng của anh Đinh Văn Minh và chị Rơ Mah H’lý là mô hình mới đối với địa phương. Đây là mô hình trồng mướp đắng đầu tiên trên địa bàn xã sử dụng công nghệ sạch, có quy mô và hiệu quả lớn. Thời gian tới Hội Nông dân xã sẽ tuyên truyền nhân rộng mô hình và vận động người dân chuyển đổi diện tích đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác, áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Văn Tư

Nguồn Quảng Bình: http://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202104/tuyen-hoa-mo-hinh-trong-muop-dang-cho-thu-nhap-cao-2187705/