Tuyến hàng hải Phương Bắc mở ra thị trường xuất khẩu lớn cho nguồn cung LNG của Nga

Tác giả Victor Katona của hãng tin Oil Price vừa có bài phân tích về thực trạng và triển vọng khai thác tuyến hàng hải Phương Bắc đối với lĩnh vực xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) của Nga, mở ra cánh cửa bước vào thị trường tiêu thụ LNG khổng lồ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Các kế hoạch LNG đầy tham vọng của Nga cho đến nay chủ yếu được thực hiện bởi hai nhà sản xuất là Sakhalin LNG (Gazprom) và Yamal LNG (Novatek) điều hành. Việc bổ sung Yamal LNG đã giúp nâng cao sức ảnh hưởng của Nga trên thị trường LNG toàn cầu khi tỷ trọng nguồn cung LNG từ 4% lên 8% thương mại LNG toàn cầu. Tuy nhiên, trữ lượng khai thác và sản lượng xuất khẩu thực tế vẫn còn thấp so với những kỳ vọng của chính quyền liên bang. May mắn cho phía Nga là tình trạng biến đổi khí hậu và sự ấm lên của vùng biển Bắc Cực trở thành cơ hội tốt cho các nhà xuất khẩu LNG của Nga. Có lẽ năm 2020 sẽ là năm thuận lợi nhất cho hoạt động vận tải LNG trên tuyến hàng hải Phương Bắc khi mùa hàng hải kéo dài hơn so với mọi năm. Chính vì điều kiện thuận lợi này, Nga đã xuất khẩu lô hàng LNG đầu tiên đến Nhật Bản trong năm 2020 thông qua tuyến đường biển chiến lược này.

Tiền đề

Ngày 23/7 vừa qua, tàu vận tải LNG Vladimir Rusanov đã cập cảng Ohgishima LNG và dỡ hàng. Đây là chuyến giao hàng đầu tiên đến Nhật Bản trong năm 2020 và là chuyến hàng thứ 3 kể từ khi tổ hợp Yamal LNG đi vào hoạt động. Đây cũng là chuyến hàng LNG thứ ba đi qua tuyến hàng hải Phương Bắc trong năm nay. Trước đó hai tàu vận tải LNG lớp Yamalmax Arc7 là Christophe de Margerie và Vladimir Voronin đã thực hiện các chuyến giao hàng đến Giang Tô và Thiên Tân, Trung Quốc. Các chuyến hàng đã đánh dấu kỷ lục mới và khả năng vận tải dọc theo tuyến trong tháng 5 - tháng không nằm trong mùa hàng hải thông thường (từ tháng 7-12). Điều gì đã làm cho việc giao hàng này trở nên đặc biệt?

Tỉnh Murmansk - điểm xuất phát của tuyến hàng hải Phương Bắc cách cảng Yokohama, Nhật Bản 7.300 hải lý, trong khi quãng đường vòng quanh bờ Đại Tây Dương của châu Âu, qua kênh đào Suez đến Nhật Bản sẽ là 12.500 hải lý. Với tốc độ di chuyển từ 5-13 hải lý/giờ, thời gian trung bình cho một tàu vận tải LNG cỡ lớn đi dọc tuyến đường hàng hải Phương Bắc đến các điểm ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ ngắn hơn tới 65-66% so với đường vòng qua kênh đào Suez. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vận tải qua tuyến hàng hải Phương Bắc chỉ có thể diễn ra vào những tháng nhất định - từ tháng 7 đến tháng 11 hàng năm - khi lớp băng mỏng trên biển cho phép các tàu định vị, điều hướng. Do mùa xuân và mùa hè 2020 ấm hơn mọi năm, nên mùa hàng hải qua tuyến đường này có thể bắt đầu sớm hơn vào cuối tháng 5 vừa qua.

Ý nghĩa

Việc Nga chính trị hóa đồng thời thúc đẩy vận tải hàng hóa qua tuyến hàng hải Phương Bắc khiến sản lượng hàng hóa vận tải dọc tuyến tăng từ 4 triệu tấn (2014) lên mức 31,5 triệu tấn (2019). Kể từ chuyến hàng thương mại đầu tiên vào năm 2009, Nga đang tiếp tục đẩy mạnh vận chuyển tất cả các loại hình vận tải qua con đường biển này dưới sự kiểm soát của Cơ quan quản lý đường biển Phương Bắc thuộc Chính phủ Nga. Tập đoàn hạt nhân Rosatom phụ trách điều hành tuyến đường này cũng đang phát triển chương trình đóng tàu phá băng tham vọng với mục tiêu đảm bảo vận tải hàng hải quanh năm dọc tuyến hàng hải Phương Bắc, kể cả khu vực phía Đông của Bắc Băng Dương vào năm 2030. Đội tàu vận tải phá băng Arc7 đóng vai trò chủ đạo trong vận tải LNG của tổ hợp Yamal LNG (Novatek).

Tập đoàn Novatek có mục tiêu “ngầm” là tạo lập thị trường riêng, không hòa nhập với các thị trường tiêu thụ khí thiên nhiên truyền thống của Gazprom và Nhật Bản là thị trường mục tiêu của tập đoàn này. Mặc dù Trung Quốc có nhu cầu cao đối với LNG của Yamal, song hầu hết các chuyến hàng LNG của Novatek chủ đến đến các thị trường ở Đại Tây Dương như Bỉ, Pháp, Anh. Theo thống kê sơ bộ, trong 7 tháng đầu năm, 84% xuất khẩu LNG của tổ hợp Yamal LNG là đến thị trường châu Âu, tăng 1% so với cùng kỳ 2019. Mở rộng thị trường xuất khẩu tại Nhật Bản là một trận chiến cam go khi mà từ tháng 12/2017 đến nay, mới chỉ có 4/500 chuyến hàng LNG của Novatek đến thị trường này. Nhận thức rõ về giá trị hàng đầu có thể thu được tại thị trường Nhật Bản cũng như nhu cầu nhập khẩu LNG tuyệt đối của thị trường này, Novatek sẽ tập trung khai thác những lợi thế của Tuyến hàng hải phương Bắc để chinh phục thị trường tiêu thụ LNG lớn nhất thế giới.

Triển vọng

Tuyến hàng hải phương Bắc cho phép các chủ sở hữu của Yamal LNG tăng tốc độ giao hàng so với tuyến đường thông thường (đường vòng qua châu Âu). Chuyến giao hàng của tàu Vladimir Rusanov từ cảng Sabetta đến cảng Ohgishima kéo dài chỉ 25 ngày so với hai chuyến giao hàng trước đó kéo dài 40 ngày. Điều kiện di chuyển thuận lợi trên Tuyến hàng hải phương Bắc cũng góp phần đẩy nhanh vận tải hàng hóa đến Trung Quốc. Một số tàu chở dầu vào tháng 7 (trong thời gian của mùa hàng hải) từ Nga, dọc theo tuyến đường này đến Trung Quốc đã lập kỷ lục mới khi chỉ mất 16 ngày. Điều này nói lên rằng, tần suất 2 lô hàng LNG/năm đến Nhật Bản là một con số rất khiêm tốn so với sản lượng nhập khẩu LNG của nước này, trung bình là 100-120 lô hàng/tháng, tức 3-4 lô hàng/ngày. Vì vậy, vận tải thông suốt trên Tuyến hàng hải phương Bắc mở ra triển vọng lớn cho xuất khẩu LNG của Novatek đến thị trường này cũng như góp phần tăng cường xuất khẩu LNG của Nga sang thị trường châu Á - Thái Bình Dương.

Triển vọng xuất khẩu LNG của Nga sang Nhật Bản ngày càng thu hút các nhà đầu tư Nhật đối với các dự án LNG tại khu vực Bắc Cực thuộc Nga. Đầu tiên, tập đoàn Mitsui và JOGMEC đã sở hữu 10% cổ phần của dự án Arctic LNG 2 với ba lô hàng LNG đầu tiên sẽ được xuất bến vào năm 2023. Điều này chắc chắn sẽ tạo ra dòng hàng hóa LNG ổn định từ bán đảo Yamal và Gydan đến Nhật Bản. Bước tiếp theo trong mở rộng quy mô của Novatek có thể là dự án Arctic LNG 1 với công suất thiết kế 19,8 triệu tấn năm, sẽ tiếp tục được giới đầu tư Nhật quan tâm. Một phần không kém quan trọng khác là các nhà đầu tư Nhật Bản tuyên bố quan tâm đến đầu tư vào tổ hợp cảng trung chuyển Kamchatka (nơi các tàu LNG phá băng sẽ neo đậu để chuyển nhiên liệu LNG sang các tàu vận tải thông thường trước khi di chuyển tiếp đến nơi tiêu thụ). Tất cả những điều này kết hợp lại sẽ tạo ra một tương lai đầy triển vọng cho xuất khẩu và thương mại LNG của Nga sang thị trường châu Á - Thái Bình Dương trong thời gian tới.

Nhận định

Tiềm năng và triển vọng khai thác vận tải Tuyến hàng hải phương Bắc, nhất là vận tải LNG đã được Nga nhận thấy từ lâu. Phía Nga đã cụ thể hóa các mục tiêu và nhiệm vụ phát triển logistics, thương mại năng lượng trên tuyến đường biển này trong Chiến lược năng lượng đến năm 2035 và nhiều khả năng sẽ nằm trong Chiến lược phát triển Bắc Cực đến năm 2035, hiện đang được Chính phủ Nga xem xét. Khai thác thành công tuyến hàng hải chiến lược này sẽ giúp Nga trở thành một trung tâm logistics và thương mại toàn cầu mới, trong đó có hai trung tâm trung chuyển hàng hóa tại Murmansk (châu Âu) và Kamchatka (châu Á). Đối với lĩnh vực LNG, Tuyến hàng hải phương Bắc sẽ giúp Nga chuyển dần trọng tâm xuất khẩu khí đốt của mình từ hướng tây sang hướng Đông. Trong bối cảnh Liên minh châu Âu hướng tới phục hồi kinh tế xanh sau đại dịch, giảm dần việc sử dụng năng lượng hóa thạch để đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 thì hướng xuất khẩu khí thiên nhiên dưới dạng LNG đến các thị trường tiêu thụ LNG lớn nhất thế giới (Nhật Bản, Triều Tiên, Trung Quốc) và những thị trường năng động khác là bước đi hợp lý và đúng đắn của Nga. Với lợi thế cạnh tranh về khoảng cách địa lý, thời gian giao hàng, chi phí sản xuất LNG, chắc chắn các nhà sản xuất LNG của Nga sẽ là đối thủ cạnh tranh với các nhà sản xuất hàng đầu khác trên thế giới như Mỹ, Qatar, Úc tại khu vực này trong thập kỷ tới.

Phạm TT

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tuyen-hang-hai-phuong-bac-mo-ra-thi-truong-xuat-khau-lon-cho-nguon-cung-lng-cua-nga-576615.html