Tuyến đường sắt Yên Viên - Cái Lân sẽ được tái triển khai trước năm 2030

Trên cơ sở ý kiến của tư vấn xác định tuyến đường sắt Yên Viên - Cái Lân vẫn rất cấp thiết, trong kết luận 49 của Bộ Chính trị đã yêu cầu tái triển khai tuyến đường trước năm 2030.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng chiều 7/6, Đại biểu Trần Thị Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đề cập đến Dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Cái Lân được triển khai từ năm 2005 hiện đang bị dừng theo Nghị quyết 11/2011 của Chính phủ.

“Sau 13 năm tạm dừng với gần 60% kinh phí đã được thực hiện, dự án đang rơi vào tình trạng “cầu chờ đường, đường thì chờ đổ đá lắp lắp ray” gây lãng phí rất lớn. Đặc biệt là hàng ngàn hộ dân các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương và Quảng Ninh - nơi dự án đi qua bị ảnh hưởng lớn vì nằm trong quy hoạch hành lang đường sắt”, Đại biểu Vân phản ánh.

Đại biểu Vân đề nghị Bộ trưởng GTVT cho biết kế hoạch khởi động lại dự án vào thời gian nào, đồng thời với trách nhiệm của mình, Bộ GTVT có giải pháp gì để tham mưu với Quốc hội, Chính phủ giải quyết những dự án tồn đọng kéo dài tương tự.

Đại biểu Trần Thị Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh.

Đại biểu Trần Thị Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh.

Phản hồi về chất vấn này, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng khẳng định ngay rằng dự án đường sắt này thực sự là nỗi nhức nhối của nhân dân. Ngay từ khi Bộ trưởng còn giữ cương vị Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cử tri và nhân dân của tỉnh Quảng Ninh đã nhiều lần đặt câu hỏi mong làm rõ về dự án này. Bản thân Bộ trưởng khi đó đã nhiều lần đề nghị với Trung ương, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cũng đề nghị rất nhiều lần phải triển khai tiếp dự án này đã dừng từ năm 2011.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay, vừa qua Bộ GTVT đã tham mưu cho Ban cán sự Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để ban hành kế hoạch để trình Bộ Chính trị, ban hành Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển đường sắt. Theo đó, Bộ GTVT đã nghiên cứu và tính toán rất kỹ lưỡng, trên cơ sở ý kiến của tư vấn xác định tuyến đường sắt này vẫn rất cấp thiết. Chính vì thế, trong kết luận 49 của Bộ Chính trị đã yêu cầu là tuyến đường sắt này phải được tái triển khai trước năm 2030.

“Bộ GTVT ghi nhận ý kiến của Đại biểu và sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ để cùng với các Bộ, ngành xử lý khó khăn, nhất là khó khăn về nguồn vốn để tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ để tính toán, xem nguồn vốn sẽ bố trí như thế nào cho tuyến đường sắt này. Nhưng về cơ bản, về mặt ý chí Bộ GTVT rất ủng hộ việc tiếp tục đầu tư hoàn thiện dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân theo tinh thần Kết luận số 49 của Bộ Chính trị”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng.

Nhiều dự án BOT bị thua lỗ bởi đường mới đầu tư

Chất vấn Bộ trưởng GTVT tình trạng chia sẻ lưu lượng giao thông khiến nhiều dự án đầu tư BOT bị thua lỗ, Đại biểu Lê Hoàng Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai cho biết, thực tế thời gian qua nhà nước, ngành giao thông cùng nhiều DN đã chung tay đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông đường bộ tự theo hình thức BOT. Tuy nhiên đến nay, một số DN không có khả năng hoàn vốn đầu tư do Bộ GTVT đầu tư bằng ngân sách nhà nước các tuyến đường gom, tuyến tránh song hành, dẫn đến phá vỡ phương án tài chính của dự án.

“Các cử tri phản ánh và bức xúc khi nhà đầu tư ở Gia Lai đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 14 đoạn qua Đăk Lắk theo hình thức BOT, nhưng sau khi đưa vào sử dụng chưa được 1 năm, Bộ GTVT lại làm tuyến tránh Thị xã Buôn Hồ đi sau trạm thu phí của dự án này khiến lưu lượng giảm đáng kể, gây thiệt hại khiến DN đang đứng bên bờ phá sản”, Đại biểu Lê Hoàng Anh phản ánh và đề nghị Bộ trưởng GTVT cho biết trách nhiệm của mình cũng như phương án giải quyết của Bộ GTVT đối với vấn đề này, đảm bảo công bằng cho nhà đầu tư.

Trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong quá trình phát triển đất nước, chiến lược phát triển hạ tầng giao thông đôi khi không lường hết được các khả năng. Cách đây 10 hay 15 năm, nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông rất lớn, nguồn lực có hạn nên nhà nước đã tạo mọi điều kiện để mời gọi nhà đầu tư. Đến khi KT-XH phát triển, cùng với sự phát triển thực tiễn, khi rà soát lại vẫn cần tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông, chính vì thế nhiều dự án bị ảnh hưởng. Đặc biệt khi hoàn thành toàn bộ tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, sẽ có rất nhiều DN đầu tư bị ảnh hưởng, bị chia sẻ lưu lượng.

Tuy nhiên theo Luật PPP đã quy định, khi dự án đầu tư BOT có doanh thu vượt quá 125% so với dự tính, nhà đầu tư phải chia sẻ lại cho nhà nước. Nếu doanh thu thấp hơn dưới 75% so với dự tính, nhà nước phải chia sẻ với DN.

Đại biểu Lê Hoàng Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai.

“Khi làm tuyến tránh Buôn Hồ, dự án BOT Quang Đức bị ảnh hưởng. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã có ý kiến giao Bộ GTVT nghiên cứu, trình Chính phủ phương án mua lại của nhà đầu tư. Đây là một tồn tại, hạn chế nên sắp tới, Bộ GTVT sẽ tham mưu Chính phủ trình Quốc hội cơ chế thu phần vốn nhà nước đầu tư trên các tuyến cao tốc, cơ chế xử lý với các tuyến BOT bị ảnh hưởng do Nhà nước đầu tư các tuyến cao tốc, tuyến đường tránh”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu giải pháp.

Tranh luận về nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng GTVT, Đại biểu Lê Hoàng Anh cho biết, trước đó Phó Thủ tướng đã chỉ đạo và kết luận vào tháng 4/2022 nhưng đến nay qua hơn 1 năm chưa có phương án giải quyết. Trong văn bản của Bộ GTVT trả lời cử tri Gia Lai cũng đều khẳng định sẽ sớm giải quyết, nhưng không nêu thời điểm cụ thể.

Tiếp thu tranh luận của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết đã thành lập các đoàn công tác đi khảo sát tại các địa phương, phát hiện còn tồn tại vướng mắc tại 8 dự án BOT đang có vấn đề. Bộ đã trình Chính phủ để tính toán điều chỉnh, sau đó sẽ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội phê duyệt./.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/tuyen-duong-sat-yen-vien-cai-lan-se-duoc-tai-trien-khai-truoc-nam-2030-post1025108.vov