Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông sẽ vận hành theo chuẩn nào?

Việc đưa vào vận hành tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông hiện tuân theo rất nhiều tiêu chuẩn, khung pháp lý.

Liên quan đến tiến độ thực hiện dự án tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, ông Vũ Hồng Phương - Phó Giám đốc phụ trách Ban QLDA Đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, hiện nay toàn tuyến đã cơ bản hoàn thành phần xây dựng, đạt trên 96%.

Còn một số hạng mục xây dựng đang được hoàn thiện trong giai đoạn sau khi lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống thiết bị chuyên ngành. Hiện nay, đơn vị đã nhập về công trường trên 95% trang thiết bị và lắp đặt hoàn chỉnh gần 80%, trong đó có một số thiết bị chuyên ngành chính liên quan đến hệ thống thiết bị điều khiển đoàn tàu.

“Chúng tôi cũng đang chỉ đạo tổng thầu thực hiện căn chỉnh, chạy thử cho từng chuyên ngành được lắp đặt hoàn chỉnh. Ngoài ra, còn một số hạng mục, công tác hoàn thiện cũng đang gấp rút triển khai để chạy thử trong thời gian tới. Theo kế hoạch, sau 3-6 tháng vận hành thử nghiệm, dự án sẽ chính thức khai thác thương mại.

Về kế hoạch vận hành chạy thử, chúng tôi đã thực hiện theo chỉ đạo của Bộ GTVT. Hệ thống sẽ được cấp điện và đóng điện toàn tuyến trong tháng 8. Ngày 1/8, chúng tôi đã tiến hành thử cấp điện từ dây tiếp xúc cho đoàn tàu. Với phương pháp thử này, đoàn tàu đã được chạy trên toàn tuyến để kiểm tra nội dung cấp điện cho tàu”, ông Phương cho hay.

Hệ thống tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông sẽ được cấp điện và đóng điện toàn tuyến trong tháng 8. Ảnh: Zing

Đối với vấn đề hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn, các văn bản quy phạm pháp luật, khung pháp lý cho phương thức vận tải mới này, ông Khương Thế Duy, Phó Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, Bộ GTVT giao Cục Đường sắt VN trong năm 2018 xây dựng các văn bản liên quan đến đường sắt đô thị.

Đến nay, đã hoàn thành 3 Nghị định, 17 Thông tư, 3 quy chuẩn tiêu chuẩn. Hiện nay, một số nội dung liên quan đường sắt đô thị cũng đã cập nhật trong các thông tư. Phần đăng ký phương tiện được quy định thực hiện tại Thông tư 21 năm 2018. Việc đăng kiểm phương tiện được quy định tại Thông tư 29/2018. Về sát hạch và cấp giấy phép lái tàu đường sắt trên cao theo quy định của đường sắt quốc gia, để cấp được giấy phép lái tàu đường sắt đô thị phải qua rất nhiều bước.

"Cụ thể, sau khi học phải làm phụ lái tàu 2 năm, sau đó mới được tham gia sát hạch. Tuy nhiên, trong quá trình soạn thảo Thông tư 21, chúng tôi đã trao đổi với các đơn vị có liên quan và thấy rằng lực lượng lái tàu cho các tuyến dự án mới ở Việt Nam, ví dụ như đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ được thực hiện theo Khoản 2, Điều 79, cụ thể là theo Tiêu chuẩn đào tạo của dự án, do nhà đầu tư cung cấp. Từ giai đoạn sau đó mới áp dụng theo Thông tư 21. Các quy định về giải quyết sự cố TNGT đường sắt, đặc biệt là về kiểm tra chứng nhận an toàn của hệ thống đường sắt đô thị được thực hiện theo Thông tư 31", Phó Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam nói.

Cũng theo ông Khương Thế Duy, quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của nhân viên đường sắt thực hiện theo Thông tư 16 do Bộ Y tế ban hành. Ngoài ra, các cơ sở tiêu chuẩn của đường sắt quy định trong Thông tư 32, 3 quy chuẩn về đường sắt đô thị. Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đường sắt đô thị do Bộ GTVT phụ trách đã có hiệu lực từ 1/7.

“Tuy nhiên, quy định về vận tải hành khách đường sắt đô thị lại do UBND tỉnh nơi có đường sắt đô thị ban hành. Cụ thể ở đây là Hà Nội. Vì vậy, hiện chúng tôi đang phối hợp với UBND TP. Hà Nội để sớm có thể ban hành quy định”, ông Duy cho hay.

Bảo Lâm

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/tuyen-duong-sat-tren-cao-cat-linh--ha-dong-se-van-hanh-theo-chuan-nao-d147816.html