Tuyến đường sắt đô thị số 2 Hà Nội: Trưng bày, lấy ý kiến nhân dân cho ga ngầm C9

Từ 09 - 31/3, tại Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm, số 2 Lê Thái Tổ, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội, BQL Đường sắt đô thị (ĐSĐT) Hà Nội trưng bày công khai mô hình Tổng mặt bằng ga ngầm C9, tuyến ĐSĐT số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, nhằm lấy ý kiến nhân dân.

Ga ngầm C9, tuyến ĐSĐT số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, được đề xuất đặt tại vị trí km9 + 864.645, trong khu vực khuôn viên công viên bờ hồ Hoàn Kiếm. Thân ga chính được bố trí ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng, phần dưới vườn hoa bờ hồ Hoàn Kiếm có kích thước dài 150m, rộng 21,4m, sâu 17,45m và có 3 tầng (tầng trung chuyển, tầng thiết bị và tầng ke ga). Khoảng cách ngắn nhất từ thân ga C9 tới Hồ Gươm khoảng 10m; tới đền Bà Kiệu khoảng 83m; tới Tháp Bút khoảng 36m; tới vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ khoảng 120m.

Theo thiết kế ban đầu, ga ngầm C9 sẽ có 4 cửa lên xuống. Cửa số 1 và cụm công trình phụ trợ (tháp thông gió, làm mát, thang máy cho người khuyết tật…) được bố trí trong khuôn viên TCty Điện lực TP Hà Nội hiện nay. Cửa số 2 bố trí phía trước TCty Điện lực Miền Bắc. Cửa số 3 đặt bên cạnh thân ga trên vườn hoa bờ hồ Hoàn Kiếm. Cửa số 4 bố trí phía sau tượng đài Cảm tử quân, phố Hàng Dầu. 2 cổng lên xuống số 3, 4 sẽ được bố trí thang máy để phục vụ người dân, còn các cổng số 1 và 2 sẽ sử dụng thang bộ.

Dù mới chỉ là quy hoạch tổng mặt bằng và sơ bộ thiết kế nhưng do vị trí ga C9 nằm giữa khu vực có nhiều công trình kiến trúc, văn hóa, lịch sử quan trọng bậc nhất của Thủ đô nên đã có tới 10 phương án được đưa ra so sánh.

“Nếu được thông qua vị trí và quy hoạch, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức thi tuyển để tìm kiếm phương án thiết kế chi tiết cuối cùng cho ga C9” - Phó giám đốc Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu cho biết.

Trong thời gian trưng bày, Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội có bàn ghi nhận ý kiến tại chỗ, đồng thời tiếp thu các đóng góp của cán bộ, nhân dân Thủ đô cũng như các chuyên gia, nhà khoa học thông qua nhiều hình thức khác nhau như email, khảo sát trực tuyến…

Một số chuyên gia, nhà sử học cũng cho rằng, phương án xây dựng ga ngầm C9 hiện đã có thể nói là tối ưu nhất. Tuy nhiên, vẫn cần phải có tham vấn cộng đồng để tiếp tục hoàn thiện và quan trọng nhất là sớm chốt phương án quy hoạch tổng mặt bằng để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trước đó, khi đề cập đến vị trí và quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 - ga Hồ Hoàn Kiếm, ông Noboru Nagakawa - Giám đốc Dự án, Văn phòng tư vấn chung, tuyến ĐSĐT số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo nhận định: Quá trình nghiên cứu, lựa chọn vị trí ga ngầm C9 đã được thực hiện rất thận trọng và kỹ lưỡng, rất nhiều phương án được đưa ra xem xét. Có phương án đề xuất đặt ga phía trước vườn hoa Lý Thái Tổ hoặc gần Nhà hát múa rối nước Thăng Long… Tuy nhiên, các phương án đó đều có những hạn chế rất lớn như phải giải phóng mặt bằng (GPMB) khu phố cổ thuộc diện bảo tồn; hay khoảng cách giữa ga C9 với 2 ga C8, C10 không đảm bảo… Do đó, phương án đặt ga C9 tại vị trí phía trước TCty Điện lực Hà Nội là phù hợp nhất. Vừa đảm bảo tốt khoảng cách, vừa giảm thiểu chi phí GPMB, vừa bảo tồn được khu vực phố cổ (Đinh Tiên Hoàng, Cầu Gỗ). Do đó, vị trí được lựa chọn để đề xuất UBND TP Hà Nội phê duyệt hiện nay là tốt nhất.

Trước các nghi ngại về việc thi công ga C9 có đảm bảo an toàn cho các di tích lịch sử văn hóa trong khu vực? Ông Noboru Nagakawa cho biết: Quá trình thi công ga ngầm C9 và hệ thống hầm đường ray tuyến ĐSĐT số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo sẽ được áp dụng những công nghệ hiện đại nhất mà thế giới đang có. Thân ga được thi công theo phương thức “đào hở”. Chúng tôi sẽ dựng 2 bức tường vây bê tông cốt thép (tường kín nước), dày 1,2m; bơm bê tông xuống xử lý bề mặt đáy. Sau đó dựng hệ thống giằng cọc chống đỡ kiên cố, đồng thời đặt một lớp trần bê tông khác để quây kín khu vực thân ga rồi mới mở lối cho công nhân xuống thi công.

Từ đỉnh ga đến mặt đất còn một khoảng cách 12m nên đảm bảo không làm ảnh hưởng đến các công trình phụ cận. Độ lún ảnh hưởng đến Tháp Bút nếu có cũng chỉ từ 0,1 - 0,4cm. Ngoài ra, trong quá trình thi công nhà thầu cũng sẽ tiến hành quan trắc liên tục, sẵn sàng các biện pháp ứng phó. Phần hầm đường ray sẽ được áp dụng công nghệ đào TBM tiên tiến với robot hiện đại.

Tuyến ĐSĐT số 2 là một trong 8 tuyến ĐSĐT chính của Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự án được chia làm 3 đoạn, trong đó, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được đánh giá là cần nhiều nỗ lực thực hiện nhất do có tới 7 ga ngầm được đặt tại khu vực trung tâm TP. Đề xuất quy hoạch toàn tuyến ĐSĐT số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, trong đó có ga ngầm C9 từ tháng 3/2011 đến nay cũng gần 6 năm. Hiện chỉ còn ga C9 chưa được phê duyệt, do đó ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ chung của toàn bộ Dự án.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến ĐSĐT số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo là dự án trọng điểm quốc gia của TP Hà Nội, sử dụng vốn ODA của Nhật Bản. Chiều dài toàn tuyến khoảng 11,5km, đoạn trên cao dài khoảng 2,6km, đoạn ngầm dài khoảng 8,9km, khu Depot rộng 17,5ha tại P.Xuân Đỉnh, Q.Bắc Từ Liêm. Toàn tuyến có 10 nhà ga gồm 3 ga, 7 ga ngầm. 3 ga trên cao là C1 - Nam Thăng Long; C2 - khu Ngoại giao đoàn; C3 Tây Hồ Tây. 7 ga ngầm là C4 - Bưởi; C5 - Quần Ngựa; C6 - Bách Thảo; C7 - Hồ Tây; C8 - Hàng Đậu; C9 - Hồ Hoàn Kiếm; C10 - Trần Hưng Đạo.

Viễn Phong

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/quy-hoach-kien-truc/tuyen-duong-sat-do-thi-so-2-ha-noi-trung-bay-lay-y-kien-nhan-dan-cho-ga-ngam-c9.html