Tuyến đường biển phương Bắc-Nga khó thay thế kênh đào Suez

Tắc nghẽn kênh đào Suez 1 ngày thiệt hại 10 tỷ USD, Nga đề xuất tuyến đường biển phương Bắc thay thế cho hành trình từ châu Á tới châu Âu.

Hôm 29/3, hãng Bloomberg đưa tin rằng, tàu container Ever Given làm tắc nghẽn giao thông ở kênh đào Suez đã được đưa khỏi vị trí mắc cạn, nhưng hiện vẫn chưa rõ khi nào kênh đào sẽ được thông tuyến trở lại cho hàng trăm tàu bè đang chờ đợi ở hai đầu con kênh.

Con tàu chở container Ever Given với chiều dài 400m, tải trọng khoảng 224 nghìn tấn trên đường từ Trung Quốc đến Hà Lan hôm 23/3 đã bị mắc cạn ở km thứ 151 của kênh đào, nằm chắn ngang luồng đường, gây tắc nghẽn và cản trở giao thông của 321 tàu thuyền khác.

Nhờ có kênh đào Suez của Ai Cập mà tàu bè có thể qua lại giữa châu Âu và châu Á mà không cần qua vòng qua lục địa châu Phi. Kênh dài 160 km, rộng 250 m và sâu 20 m.

Theo hãng tin Bloomberg, việc tắc nghẽn dòng kênh đang gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu gần 10 tỷ USD mỗi ngày.

Trong bối cảnh đó, giới truyền thông Nga đã nhận xét rằng, phương án thay thế Kênh đào Suez bằng Tuyến đường biển phía Bắc [qua Bắc Băng Dương], do Moscow đề xuất có tiềm năng rất lớn.

Đã có những kế hoạch tìm kiếm tuyến đường mới nhằm thay thế cho kênh đào Suez

Đã có những kế hoạch tìm kiếm tuyến đường mới nhằm thay thế cho kênh đào Suez

Hôm 29/3, Bộ Năng lượng Liên bang Nga nhận định trong bối cảnh tắc nghẽn di chuyển hàng hóa ở kênh đào Suez rằng, Tuyến đường Biển phía Bắc có tiềm năng cao trong việc mở rộng khối lượng vận chuyển hàng hóa, giảm đáng kể thời gian vận chuyển hàng hóa từ châu Á sang châu Âu.

Bộ này lưu ý rằng, trong bối cảnh khối lượng trao đổi thương mại năng lượng trên thế giới ngày càng tăng cao, việc xuất hiện thêm các tuyến đường ngắn hơn để vận chuyển hàng hóa chỉ còn là vấn đề thời gian.

Tuyến đường biển phía Bắc chạy dọc theo các vùng biển Bắc Băng Dương, chiều dài khoảng 5600 km. Khoảng cách từ St.Petersburg (tây bắc Nga, biển Baltic) đến Vladivostok (Viễn Đông Nga, Thái Bình Dương) qua tuyến này là 14 nghìn km, trong khi qua kênh đào Suez - 23 nghìn km.

Mùa hàng hải ở vùng biển này bắt đầu vào cuối mùa xuân đầu mùa hè, thường kết thúc vào tháng 11, nhưng vào năm 2021 kéo dài đến tận cuối tháng 01.

"Tuyến đường biển phía Bắc đang tiếp tục được mở rộng và đến năm 2020 thời gian hoạt động đã đạt đến 9 - 10 tháng, có nhiều tiềm năng khai thác lưu lượng vận chuyển hàng hóa, cho phép giảm đáng kể thời gian vận chuyển hàng hóa từ châu Á sang châu Âu. Theo tuyến đường này sẽ vận chuyển khí đốt tự nhiên hóa lỏng, dầu mỏ, cũng như nhiều loại hàng hóa khác" - thông tin nói thêm."Ngay cả khi tình hình không mấy thuận lợi, vào năm 2020, lưu lượng hàng hóa dọc theo Tuyến đường Biển phía Bắc đã vượt kế hoạch, lên tới gần 33 triệu tấn hàng hóa, bao gồm hơn 18 triệu tấn khí đốt tự nhiên hóa lỏng” - Bộ Năng lượng Nga kết luận.

Theo đó, giới chức lãnh đạo bộ này kỳ vọng sẽ tăng trưởng lưu lượng hàng hóa hơn nữa và hoàn thành nhiệm vụ do tổng thống Nga Putin đặt ra là tăng lưu lượng hàng hóa đến năm 2024 lên 80 triệu tấn mỗi năm.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, đối với châu Á, tuyến đường này chỉ phù hợp với các nước Đông Á [tây Thái Bình Dương] như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…, còn từ các nước Nam Á [Ấn Độ Dương] như Ấn Độ, Pakistan hay các nước vùng vịnh Ba Tư (Persian) thì di chuyển qua kênh đào Suez sẽ thuận tiện hơn nhiều.

Hơn nữa, di chuyển bằng Tuyến đường biển phương Bắc thường xuyên đi kèm với rủi ro về thời tiết, khí hậu và luôn cần có sự hỗ trợ của các tàu kéo, tàu phá băng của Nga trên tuyến đường này.

Được biết trước Nga cũng đã có những kế hoạch đề xuất những tuyến đường thay thế, thậm chí người ta đã từng nghĩ đến kế hoạch đào kênh nhân tạo từ Địa Trung Hải xuyên qua sa mạc Negev của Israel tới Vịnh Aqaba ở cực bắc của Biển Đỏ để ra Ấn Độ Dương.

Huy Bình

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/tuyen-duong-bien-phuong-bac-nga-kho-thay-the-kenh-dao-suez-3429808/