Tuyên dương anh hùng, khắc ghi công trạng

Ngày 31-1, Bộ Công an tổ chức đón nhận danh hiệu 'Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân' (AHLLVTND) cho các tập thể, cá nhân trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Đây là sự ghi nhận, tôn vinh của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những công lao, đóng góp to lớn, chiến công, thành tích đặc biệt xuất sắc của lực lượng CAND trong hai cuộc kháng chiến kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Là lực lượng tiên phong mở đường xâm nhập nội thành Hà Nội khi bị địch chiếm đóng, tổ chức liên lạc giữa nội, ngoại thành, Công an TP Hà Nội đã mưu trí, sáng tạo, dũng cảm diệt trừ việt gian đầu sỏ Ngụy ngay tại sào huyệt của chúng. Ngày 20-10-1949, tiêu diệt Lý Thái, trưởng khu phố Cầu Gỗ; ngày 17-1-1950, trừng trị Đặng Trần Học, Phó Giám đốc Công an bù nhìn Bắc Việt; phái tổ điệp báo A13 với vai trò những người đại diện “Lực lượng Quốc gia” trong vùng kháng chiến, gây mâu thuẫn trong nội bộ; đánh đắm Thông báo hạm Amyot d’Inville có hơn 100 sĩ quan, binh lính Pháp vào sáng ngày 27-9-1950, bắt sống các đối tượng cốt cán của Đại Việt, Việt Quốc tay sai Phòng Nhì Pháp - đây là đòn đánh phối hợp với Chiến dịch Biên giới 1950.

Đội Công an Thiết Dũng, Ty Công an Hà Nam (nay là Công an tỉnh Hà Nam) với quân số ban đầu 75 đồng chí đã xây dựng 312 cơ sở ở các xã thuộc 5 huyện, tổ chức đánh gần 100 trận lớn nhỏ, triệt phá 50 ban, tề vũ trang, bắt hàng trăm tên do thám, chỉ điểm, tiêu diệt 150 tên ác ôn ngoan cố chống phá cách mạng.

Nổi bật là đã phá âm mưu của địch lập tề vũ trang nhằm kiểm soát vùng tạm chiếm; đập tan âm mưu lợi dụng đạo thiên chúa dùng nhà thờ để chống phá cách mạng; tham gia đánh đánh địch, thu giữ nhiều vũ khí, cung cấp vũ trang cho ta; giải cứu Hội đồng phúc thẩm Tòa án nhân dân Liên khu III tại Làng Sui, xã Đinh Xá, huyện Bình Lục với 8 gánh hồ sơ xét xử hàng trăm bị cáo. Tháng 7-1954, Đội Công an Thiết Dũng giải tán sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Thiếu tướng Lê Hữu Qua (Bí danh Lê Phú Cường), nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Trại giam (nay là Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp) là người đã chỉ đạo, ký Mệnh lệnh sự vụ của Sở Công an Bắc Bộ khám xét trụ sở Quốc dân đảng tại số 7 phố Ôn Như Hầu trong vụ án lịch sử ngày 12-7-1946; là Trưởng đoàn bảo vệ phái đoàn đại biểu của Chính phủ ta dự Hội nghị Genever và trực tiếp bảo vệ đồng chí Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Ông góp phần tuyên truyền về thắng lợi của Hội nghị Genever ở Rome (Italia), Ấn Độ, Ai Cập, Miến Điện, Hồng Kông và bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Phạm Văn Đồng trong cuộc gặp viên toàn quyền Xanh-tơ-ni tại Phủ Chủ tịch ngay sau ngày giải phóng Thủ đô; phối hợp với đồng chí Hoàng Hữu Kháng bảo vệ thành công cuộc hội đàm giữa Chính phủ ta với Thủ tướng Ấn Độ J. Nêru.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Công an tỉnh Ninh Bình đã làm thất bại âm mưu, hoạt động cưỡng ép di cư vào miền Nam và tổ chức “3 cùng” với giáo dân. Triệt phá 14 tổ chức phản động, 21 tổ chức nhen nhóm phản động, bắt, xử lý hàng trăm đối tượng; thu được nhiều thông tin, tài liệu phục vụ Bộ Công an chỉ đạo đánh địch; cung cấp tài liệu cho Ty Công an Thanh Hóa bắt gọn toán gián điệp Mỹ - Diệm nhảy dù ngày 7-6-1963.

Đảm bảo thông suốt về giao thông trong chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ; có 1 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng và nhiều cán bộ Cảnh sát giao thông khác được các cấp khen thưởng. Mưu trí, dũng cảm chiến đấu, tham gia chữa cháy cứu người, tài sản do máy bay Mỹ bắn phá, 1 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng và nhiều cá nhân được khen thưởng.

Trung tâm Tài liệu kỹ thuật nghiệp vụ, Viện Kỹ thuật hóa học - sinh học - tài liệu nghiệp vụ, Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật với quân số ban đầu 35 cán bộ, chiến sĩ nhưng đã chế tạo hàng chục nghìn thẻ căn cước của Ngụy quyền Sài Gòn và tài liệu thay thế khác phục vụ lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam, cán bộ An ninh miền Nam hoạt động trong lòng địch.

Nghiên cứu, cứu chế tạo "Thẻ căn cước rồng xanh" rất hiện đại, kỹ thuật tinh vi phức tạp của Ngụy Sài Gòn để cung cấp cho cán bộ An ninh miền Nam hoạt động trong lòng địch. Chế tạo nhiều loại tài liệu thay thế cho các chiến trường (B), (C), (K), Thái Lan…. cho công tác tình báo và an ninh miền Nam. Phối hợp thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để sao chụp tài liệu phục vụ công tác phản gián.

Chế tạo các cặp mực bí mật sử dụng trong thông tin liên lạc từ trong nước ra quốc tế. Chụp phim lại nguyên bản Di chúc của Bác Hồ để lưu trữ lâu dài. Sản xuất một khối lượng lớn các tài liệu bảo vệ cùng các loại con dấu của chính quyền của ta ở khu giải phóng miền Nam.

CBCS Cục Công nghệ thông tin, Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật đã tự học tập, đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên môn; triển khai ứng dụng các mặt công tác Công an; xây dựng hệ thống thông tin quản lý phạm nhân; hệ quản lý phương tiện giao thông đường bộ; thành lập hệ thống tổ chức các phòng, ban, tổ, đội xử lý tin phục vụ có hiệu quả công tác của Công an các địa phương. Tiếp nhận, quản lý, khai thác dàn máy tính điện tử M-6000 đầu tiên của Bộ do Ủy ban An ninh quốc gia Liên Bang Nga viện trợ ngày 22-9-1974, để xác định tọa độ, tần số đài địch, mã thám phục vụ hiệu quả công tác Công an.

Ngày 1-5-1975, ngay sau khi giải phóng miền Nam, phối hợp chiếm lĩnh “Trung tâm điện toán IBM 360/40 của Cảnh sát Quốc Gia Ngụy quyền Sài Gòn”, bảo toàn nguyên vẹn các số liệu được lưu trữ trong các dàn máy tính tại Tổng nha Cảnh sát Ngụy, khảo sát Dinh Độc Lập, Phủ Thủ tướng phục vụ quản lý, khai thác đến ngày nay; phát hiện hai mật báo viên, nội gián, nhân viên chỉ điểm, nhân viên tổ chức Phượng Hoàng của Mỹ cài cắm, nhân viên CIA, nhân viên đặc ủy Trung ương tình báo, 470 nhân viên An ninh Quân đội; giải mã điện đàm của các đối tượng gián điệp, biệt kích trong thực hiện kế hoạch CM12.

Trong điều kiện bị bom đạn mỹ đánh phá ác liệt, Trại giam số 6, Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp vẫn cải tạo hoàn lương 2.267 đối tượng Z6 (ngụy quân, ngụy quyền, phạm tội xâm phạm an ninh Quốc gia). Đơn vị đã thành lập Tổ chiến đấu C3 quan sát, báo động và cùng với quân, nhân dân chiến đấu, chống trả sự bắn phá của tàu bay Mỹ.

Điển hình là vào ngày 24-11-1965, đồng chí Nguyễn Thanh Thủy, cán bộ của Trại dùng súng trung liên bắn rơi 1 tàu bay F105D; tháng 4-1972, 35 cán bộ đã dẫn giải an toàn 275 phạm nhân băng rừng về Trại giam Thanh Cẩm, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa tránh bom tuyệt đối an toàn, không có phạm trốn, phạm chết.

Liệt sỹ Phương Văn Hãn (tức Dũng Bắc), nguyên cán bộ điệp báo Ban An ninh tỉnh Bình Thuận, Công an tỉnh Bình Thuận là tổ trưởng 1 trong 2 tổ công tác của Ban Điệp báo An ninh Bình Thuận thành lập tháng 2-1966, bám địa bàn xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận xây dựng cơ sở nội tuyến (A1) vào các mục tiêu quan trọng, thu được nhiều tin tức có giá trị, mọi kế hoạch bình định của địch ở tỉnh Bình Thuận, các chỉ thị của Tỉnh trưởng, các đoàn bình định, ta đều nắm được và có đối sách thích hợp; phát hiện Trưởng phòng Tình báo Quân đoàn 2 Vùng 2 chiến thuật về làm Tỉnh trưởng Bình Thuận, thành lập Ủy ban Phụng Hoàng (một tổ chức tình báo hỗn hợp từ Trung ương xuống tỉnh, quận, xã để tiêu diệt Việt Cộng) ở 30/50 xã, từ đó ta có đối sách bảo vệ cách mạng ở cơ sở.

Năm 1969, tài liệu, thông tin do đồng chí thu thập được, giúp trinh sát vũ trang dùng “pháo dù” đánh, tiêu diệt hơn một nửa đội bình định ở Hàm Thuận; phá tan kế hoạch bình định nông thôn của Mỹ ngụy ở khu VI. Ngày 3-4-1970, trong một chuyến công tác từ Hàm Liêm về căn cứ, đồng chí bị pháo địch bắn trúng, gây trọng thương, mất nhiều máu. Đồng chí đã từ chối việc truyền huyết thanh để nhường cho các đồng chí khác và bình thản ra đi trước sự xúc động, cảm phục của đồng đội.

Liệt sỹ Phan Trang (tức Thanh Hồng), nguyên Phó Trưởng ban An ninh huyện Vạn Ninh, Công an tỉnh Khánh Hòa tham gia Cách mạng từ tháng 4-1945, đồng chí tham gia rải truyền đơn, đấu tranh chống Pháp Nhật, cướp chính quyền ở Bồng Sơn, được kết nạp Đảng năm 1948. Đầu năm 1965, đồng chí chỉ đạo lực lượng vũ trang đánh trả bốn trung đội bảo an, nghĩa quân của Tu Bông, đập tan trung đội nghĩa quân ngụy ở Ninh Mã, giải phóng hoàn toàn các xã ngã tư Tu Bông đến Đại Lãnh.

Tuy nhiên, cơ sở của ta còn mỏng, lực lượng tại chỗ ít, địch đánh lấn chiếm trở lại. Ngày 4-9-1965, khi chỉ huy lực lượng rút về căn cứ, bất ngờ lọt vào ổ phục kích, đồng chí mưu trí, dũng cảm, triển khai lực lượng đánh trả địch quyết liệt. Địch tập trung hỏa lực, trong khi đồng chí bị thương, súng hết đạn và đã anh dũng hy sinh tại cổng thôn Ninh Mã.

Đồng chí Đinh Văn Cát, nguyên Trưởng phòng PK30, Công an tỉnh Ninh Bình . Cuộc đời hoạt động cách mạng gần 40 năm của đồng chí Đinh Văn Cát gắn liền với quá trình xây dựng, chiến đấu bà trưởng thành của Công an Ninh Bình và phong trào Cách mạng những năm kháng chiến chống Mỹ. Trải qua nhiều vị trí công tác, cương vị lãnh đạo, chỉ huy, trong hoàn cảnh nào đồng chí cũng luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên lợi ích của cá nhân.

Điển hình như đồng chí đã phát hiện âm mưu phá hoại xây dựng hợp tác xã nông nghiệp của đối tượng phản động đội lốt đạo Thiên chúa; Giám sát hoạt động của các Linh mục phản động cầm đầu Tòa giám mục Phát Diệm, thu giữ nhiều tài liệu quan trọng, đấu tranh gây chia rẽ, phân hóa nội bộ kiềm chế các hoạt động phá hoại của chúng; đã chỉ đạo tăng cường công tác đảm bảo giao thông, bảo vệ bí mật, đảm bảo an toàn các cuộc hành quân, trú quân, các đợt vận chuyển vũ khí dưới bom đạn của giặc Mỹ; rà soát, phân loại các đối tượng nghiệp vụ; phát động quần chúng bảo vệ trị an, chống chiến tranh tâm lý; gom, hủy 25 đài tâm lý chiến, 10 triệu tờ truyền đơn, bạc giả của địch…

Đồng chí Trần Phú Nhuận (Trần Văn Lương, tức Năm Lương), nguyên Trưởng ban An ninh tỉnh Bình Thuận, Công an tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo phối hợp ban điệp báo An ninh khu VI xây dựng đặc tình cơ sở A1, A2 và A3, phát triển nội tuyến vào các mục tiêu quan trọng; phát hiện tổ gián điệp “Biệt đội sưu tầm” có 6 lưới hoạt động trong các vùng giải phóng, phục vụ cho hoạt động đánh phá; chỉ đạo phối hợp bắt tề điệp; phát triển mạng lưới bí mật, phát hiện, bắt giữ nhiều đối tượng nội gián (Bí thư chi bộ, Xã Đội trưởng, Đại đội trưởng ..); xây dựng cơ sở nội tuyến phục vụ đánh địch; chỉ đạo các lực lượng tại chỗ tự giải phóng trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 và giải phóng đảo Cù Lao Thu cách bờ biển Phan Thiết 80 hải lý.

Thiếu tướng Nguyễn Đăng Ngọ (tức Cao Phòng), nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát đã trực tiếp thâm nhập vào tổ chức của bọn phản động; phát hiện, phá các âm mưu ám sát, bắt cóc, tống tiền, gây rối trật tự nhằm phá hoại chính quyền của Quốc dân Đảng trong vụ án Ôn Như Hầu; phụ trách bảo vệ an toàn khu Trung ương (A.T.K), bảo vệ Bác Hồ và tham gia điều tra khám phá một số vụ án lớn; hỏi cung, khai thác tù binh Pháp, tù binh thuộc binh đoàn Le Page và Charton (cả tướng Đờ Cát sau khi bị bắt giữ tại Điện Biên Phủ), đã khai thác được nhiều kế hoạch, âm mưu của Thực dân Pháp đối với cách mạng Việt Nam; là đặc phái viên của Cục Bảo vệ chính trị, đồng chí tham gia và chỉ đạo khám phá các vụ án lớn, bóc gỡ các tổ chức phản động, tổ chức bắt giữ gián điệp, biệt kích của địch.

Là Cục trưởng Cục Chấp pháp, đồng chí đã xây dựng lực lượng điều tra trưởng thành về mọi mặt và phá nhiều vụ án lớn, điển hình là vụ án “X92”, phát hiện, bắt giữ Võ Văn Ba, tình báo viên “số 1 ở miền Nam Việt Nam” của CIA và Cảnh sát đặc biệt tại Tây Ninh, góp phần quan trọng trong thắng lợi giải phóng miền Nam, thống nhất hoàn toàn đất nước vào ngày 30-4-1975.

Đồng chí Võ Văn Em (Võ Tấn Hùng), nguyên cán bộ Trinh sát vũ trang Ban An ninh khu Sài Gòn Gia Định, nguyên Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Việt Nam kỹ nghệ súc sản, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn. Đồng chí tham gia du kích khi 16 tuổi, tham gia đánh hơn 10 trận, tiêu diệt được nhiều địch, tiêu biểu là vào tháng 5-1962, đồng chí báo cáo Đội Trinh sát và Xã Đội trưởng chôn mìn diệt một Trung đội địch, thu được 17 súng các loại. Cuối năm 1964, đồng chí báo cáo chôn hai trái mìn tại vị trí địch tập kết để hành quân làm chết tại chỗ 6 tên, bị thương 5 tên.

Năm 1965, nhận nhiệm vụ của Ban ANT4 tiêu diệt Trần Văn Văn (ứng cử viên Tổng thống), đồng chí đề xuất phương án đi xe gắn máy chặn đầu xe chở Trần Văn Văn, để đồng chí Sáu Sinh ngồi sau bắn, tiêu diệt đối tượng. Ngày 7-12-1966, theo đúng kế hoạch, đồng chí Sáu Sinh bắn 3 phát súng làm Trần Văn Văn chết tại chỗ.

Địch đuổi theo, dùng xe môtô đâm làm 2 đồng chí ngã ra đường, đồng chí đã lấy súng của đồng chí Sáu Sinh làm rơi, chĩa về hướng quân cảnh để đồng chí Sáu Sinh chạy thoát.

Khi bị bắt giữ, dù bị tra tấn dã man, trong nhiều ngày liền, nhưng đồng chí vẫn kiên cường không khai báo và bị tuyên phạt án tử hình, giam giữ tại khu biệt giam Chí Hòa và đưa ra nhà tù Côn Đảo vào tháng 11-1967. Ngày 1-5-1975, đồng chí được cách mạng giải phóng ra khỏi nhà tù Côn Đảo.

Thiếu tướng Hồ Việt Lắm, nguyên Cục trưởng Cục An ninh Tây Nam Bộ với bản lĩnh cách mạng, nhân văn, không quản nguy hiểm 2 lần cứu mạng đối tượng, đồng chí đã cải tạo được tên ác ôn, chống cộng sản đến cùng (đã giết 23 người, cắt tai xâu thành chuỗi để mang theo) để đối tượng từ bỏ ý chí chống đối, ngăn chặn được cuộc tấn công giết hết 10 cán bộ coi trại, giải phóng 350 tù nhân.

Một mình với khẩu súng K44, đồng chí đã truy bắt được 10 đối tượng trốn trại giữa rừng sâu. Sau giải phóng, đồng chí đã chỉ huy, vây bắt gọn toán gián điệp biệt kích bằng đường biển đầu tiên để lực lượng Công an xác lập Kế hoạch phản gián mang bí số KH CM12 đấu tranh với tổ chức phản động mang tên “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu hoạt động dưới sự hà hơi, tiếp sức của các thế lực phản động quốc tế, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh cách mạng Việt Nam ở giai đoạn đương đầu với rất nhiều khó khăn, thử thách.

Đại tá Nguyễn Viết Sành, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Tổng cục An ninh; nguyên Đội trưởng Đội Trinh sát đặc nhiệm (A32), Tổng cục Phản gián, Bộ Nội vụ (nay là Tổng cục An ninh) đã mưu trí, sáng tạo, không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ ngoại ngữ phục vụ công tác trinh sát phản gián, phát hiện 98 đối tượng CIA, FBI… cài cắm trong các đoàn lâm thời; phối hợp đơn vị kỹ thuật, nghiệp vụ bí mật trinh sát, thu thập được nhiều tài liệu, chứng cứ quan trọng phục vụ lãnh đạo Bộ, Bộ Ngoại giao, Chính phủ có đối sách phù hợp.

Vượt qua nỗi đau cá nhân khi mẹ cùng 3 con bị chết do trúng bom B52 của Mỹ, vợ bị trọng thương, phải cấp cứu tại bệnh viện, đồng chí đã hoàn thành nhiện vụ xâm nhập vào Ban Liên hiệp quân sự bốn bên đóng tại trại David ở Sài Gòn, phát hiện được 5 tổ chức tình báo Mỹ ngụy cài vào hoạt động với Đoàn ta; phát hiện âm mưu bắt cóc cán bộ ta ở Trại David để làm “con tin” hoặc trong trường hợp cần thiết thì sẽ “xóa sổ” (A và B) Việt Nam Dân chủ cộng hòa và đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời của ta ở miền Nam.

Ngay trước thềm Đại hội VII của Đảng, đồng chí đã mưu trí, sáng tạo, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, phát hiện, báo cáo Bộ, Trung ương, Bộ Chính trị đập tan mọi âm mưu chống Đảng, đòi thành lập đa đảng đối lập, loại bỏ nhóm đối lập của Trần Xuân Bách; góp phần đưa Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII thành công tốt đẹp, đồng chí Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư, bảo vệ được chế độ trong thời điểm tình hình thế giới và trong nước diễn biễn hết sức phức tạp.

Ngày 31-1, Bộ Công an đã tổ chức đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ kháng chiến cho 6 tập thể, 9 cá nhân sau:

Công an TP Hà Nội
Công an tỉnh Ninh Bình
Cục Công nghệ thông tin, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật
Đội Công an Thiết Dũng, Ty Công an Hà Nam (nay là Công an tỉnh Hà Nam)
Trung tâm Kỹ thuật tài liệu nghiệp vụ, Viện Kỹ thuật hóa học, sinh học và tài liệu nghiệp vụ, Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật.
Trại giam số 6, Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp.
Đại tá Nguyễn Viết Sành, nguyên Phó Cục trưởng, Cục Quản lí Xuất nhập cảnh; nguyên Đội trưởng Đội Trinh sát đặc nhiệm (A32), Tổng cục phản gián (nay là Tổng cục An ninh).
Thiếu tướng Hồ Việt Lắm, nguyên Cục trưởng Cục An ninh Tây Nam Bộ.
Đồng chí Võ Văn Em (Võ Tấn Hùng), nguyên Giám đốc Công ty TNHH một thành viên kỹ nghệ súc sản (Vissan), Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn, TP Hồ Chí Minh; nguyên cán bộ trinh sát vũ trang Ban An ninh khu Sài Gòn Gia Định (ANT4), Công an TP Hồ Chí Minh.
Thiếu tướng Lê Hữu Qua (Bí danh Lê Phú Cường), nguyên Cục trưởng Cục Quản lí trại giam (nay là Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp).
Thiếu tướng Nguyễn Đăng Ngọ (tức Cao Phòng), nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát.
Đồng chí Đinh Văn Cát, nguyên Trưởng phòng PK30 Công an tỉnh Ninh Bình.
Liệt sỹ Phan Trang (tức Thanh Hồng), nguyên Phó trưởng Ban An ninh huyện Vạn Ninh, Công an tỉnh Khánh Hòa.
Đồng chí Phương Văn Hãn (tức Dũng Bắc), nguyên cán bộ điệp báo, Ban An ninh tỉnh Bình Thuận, Công an tỉnh Bình Thuận.
Đồng chí Trần Phú Nhuận (Trần Văn Lương, tức Năm Lương), nguyên Trưởng ban An ninh tỉnh Bình Thuận, Công an tỉnh Bình Thuận.

P.A

Phương Thủy

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/tuyen-duong-anh-hung-khac-ghi-cong-trang-476926/