Tuyên dương 48 thầy cô giáo hết lòng vì học sinh khuyết tật

Chương trình 'Chia sẻ cùng thầy cô' 2018 vừa diễn ra tại Hà Nội đã tuyên dương 48 thầy cô giáo hết lòng vì học sinh khuyết tật.

Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" 2018 được phối hợp tổ chức bởi Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Tập đoàn Thiên Long nhằm tuyên dương các giáo viên đang dạy học sinh khuyết tật.

Đây là sự tri ân sâu sắc các thầy giáo, cô giáo đã vượt mọi khó khăn để truyền tải kiến thức cho các em học sinh đặc biệt. 48 thầy giáo, cô giáo được tuyên dương là các giáo viên tiêu biểu đang công tác tại các trường vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Lê Quốc Phong trao tặng bằng khen và kỷ niệm chương cho các thầy cô - Ảnh: Petrotimes

Năm nay, Ban tổ chức tuyên dương 48 gương thầy, cô giáo đến từ các tỉnh, thành phố. Trong đó, người nhiều tuổi nhất là thầy giáo Vy Văn Vọng, sinh năm 1961, giáo viên Cơ sở bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Lạng Sơn. Người trẻ tuổi nhất là cô giáo Đoàn Thị Nhật Phương, sinh năm 1990, giáo viên Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn, tỉnh Quảng Ngãi và cô giáo Nguyễn Thị Dang, sinh năm 1990, giáo viên Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Người có thời gian tham gia dạy học lâu năm nhất là cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiếu, giáo viên Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, tỉnh Thái Bình dạy học từ năm 1985 đến nay.

Tại chương trình, Ban tổ chức đã trao tặng các thầy giáo, cô giáo được tuyên dương mỗi người một cuốn sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng; trao Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo và nhiều phần thưởng có ý nghĩa khác tặng các thầy giáo, cô giáo.

Phát biểu tại chương trình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam xúc động cho biết, các thầy cô giáo không chỉ là những người nghị lực kiên trì mà còn là những tấm lòng hết sức bao la, là những tấm gương vượt qua khó khăn để dạy dỗ học sinh và đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Hiện nay, cứ 100 trẻ khuyết tật, dù đang tuổi đi học nhưng mới có hơn 6 trẻ được đến trường. Vì vậy, trong đổi mới giáo dục thời gian tới cần quan tâm hơn tới vấn đề này. Trường phổ thông phải có cơ sở vật chất, trang bị kinh nghiệm và kiến thức cho các thầy cô để dạy trẻ khuyết tật hòa nhập.

Thủy Bích (t/h)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/tuyen-duong-48-thay-co-giao-het-long-vi-hoc-sinh-khuyet-tat-20181117083351421.htm