Tuyên dương 161 học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số tiêu biểu

Sáng 4/11, Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số xuất sắc tiêu biểu năm 2017 đã diễn ra tại Hà Nội.

Đây là sự kiện thường niên do Ủy ban Dân tộc chủ trì, tôn vinh truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam, biểu dương học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số, là những tấm gương xuất sắc, tiêu biểu trong học tập, rèn luyện, đã đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, đạt điểm cao trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 và đạt giải trong các cuộc thi đấu thể thao quốc tế.

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch Quốc Hội Phùng Quốc Hiển đã tới dự buổi lễ.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại Lễ Tuyên dương HS,SV tiêu biểu (ảnh Minh Khánh)

Năm nay, 161 học sinh, sinh viên được tuyên dương, đại diện 50/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, thuộc thành phần 26 dân tộc thiểu số, trong đó có 13 dân tộc thiểu số ít người. Trong đó, có 95 học sinh dân tộc thiểu số đạt giải quốc gia các môn văn hóa, 62 học sinh dân tộc thiểu số đạt điểm cao được xét tuyển đại học năm học 2016 – 2017. Điển hình là em Lưu Thị Minh Ngọc (dân tộc Nùng, tỉnh Hà Giang), trúng tuyển Đại học Y Hà Nội với số điểm 29,35 điểm - không tính điểm nhân hệ số và 4 sinh viên đạt huy chương trong các cuộc thi đấu thể thao quốc tế.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn xác định giáo dục - đào tạo cùng khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu và có chủ trương, chính sách ưu tiên phát triển giáo dục - đào tạo nói chung, giáo dục - đào tạo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng.

Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn các học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số được tuyên dương tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng không ngừng để trở thành những công dân có ích, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển đất nước, khẳng định vị thế của Việt Nam với bạn bè quốc tế.

161 HS,SV tiêu biểu các dân tộc thiểu số được tuyên dương

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị Ủy ban Dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục rà soát, nghiên cứu, tham mưu với Chính phủ các chính sách đổi mới nội dung, phương thức đào tạo để phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất cùa học sinh; thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tạo dựng môi trường giáo dục lành mạnh, toàn diện cả về đạo đức, trí tuệ, văn hóa ứng xử trong cuộc sống, xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ngày càng vững mạnh.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến khẳng định, là cơ quan tham mưu, quản lý Nhà nước trong việc thực hiện, xây dựng, hoạch định chính sách dân tộc, công tác dân tộc, trong những năm qua, UBDT đã nghiên cứu tham mưu, đề xuất nhiều chính sách, giải pháp phù hợp để vùng miền núi, dân tộc phát triển bền vững, trong đó có chính sách về đào tạo nguồn nhân lực. UBDT đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương lồng ghép các chính sách hiện hành nhằm tập trung nguồnực vùng đồng bào DTTS, trong đó có học sinh, sinh viên. UBDT cũng đã phối hợp với ngành giáo dục thực hiện tốt các chính sách phát triển giáo dục, đào tạo chuyên biệt cho học sinh DTTS. Phát triển hệ thống trường trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề gắn với quy hoạch phát triển nhân lực và nhu cầu sử dụng lao động của các địa phương. Rà soát, kiến nghị sửa đổi những bất cập trong chính sách cử tuyển, dự bị đại học nhằm đáp ứng được số lượng và chất lượng đào tạo đa ngành nghề cho nhu cầu của các địa phương vùng DTTS.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trao Giấy khen cho các học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số tiêu biểu (ảnh Minh Khánh)

Theo Ủy ban Dân tộc (UBDT), trong thời gian vừa qua, công tác giáo dục, đào tạo ở vùng DTTS và miền núi đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, trong thời gian qua, công tác giáo dục vùng dân tộc đã có bước phát triển vững chắc về mọi mặt. Đặc biệt là mạng lưới trường lớp, cơ sở giáo dục vùng DTTS đã được củng cố và phát triển.

Năm học 2016 - 2017, hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú tiếp tục đáp ứng tốt hơn nhu cầu tạo nguồn đào tạo cán bộ và nguồn nhân lực có chất lượng cho vùng dân tộc thiểu số. Hiện nay, có 314 trường PTDTNT được thành lập ở 50 tỉnh/thành phố, với gần 93.000 học sinh. Kết quả thi THPT năm 2017 của các trường PTDTNT trên toàn quốc đạt tỷ lệ tốt nghiệp là 98,4%, trong đó có 56/98 trường PTDTNT có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 100%. Nhiều trường PTDTNT có tỷ lệ học sinh đỗ đại học và cao đẳng 70-80%.

Em Lồ Mai Duyên một học sinh xuất sắc trưởng thành từ mái trường PTDTNT (ảnh Hồng Hà)

Em Lồ Mai Duyên, dân tộc Bố Y (Thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai)- một trong hàng ngàn học sinh đã được học tập, rèn luyện từ mái trường PTDTNT được tuyên dương tại buổi lễ năm nay chia sẻ: “Em rất vui, vinh dự và tự hào khi được đại diện cho hàng nghìn học sinh dân tộc thiểu số, hoàn cảnh khó khăn có thành thích cao trong học tập tham dự buổi lễ”.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ đều làm nghề nông, lại nuôi một người bác bị tâm thần, 1 người dì bị khuyết tật nên gia đình đặc biệt khó khăn. Nhờ chính sách của Đảng, Nhà nước mà Duyên được đi học tại trường PTDTNT của tỉnh. 12 năm Duyên đều đạt học sinh giỏi, năm lớp 12 Duyên đoạt giải khuyến khích trong cuộc thi học sinh giỏi tiếng Anh của tỉnh Lào Cai.

Lý Bích Khánh Duy mong sớm trở thành người thầy thuốc chăm sóc sức khỏe cho bà con các dân tộc ở Bình Thuận (ảnh Minh Khánh)

Mai Duyên chia sẻ, để học tốt tiếng Anh đối với một học sinh dân tộc thiểu số ở miền núi, ít có điều kiện tiếp xúc với thầy cô, người nước ngoài như Duyên là rất khó khăn. Duyên bảo, muốn đạt được thành tích tốt trong học tập, ngoài việc chú ý nghe giảng trên lớp, ghi chép lại, Duyên luôn làm hết các bài tập thầy cô giao, ngoài ra, Duyên thường tự tìm tài liệu qua sách vở của Thư viện Trường, qua mạng Internet... để học thêm.

Rời mái trường DTNT về Hà Nội học tại Học viện tài chính, cô gái dân tộc Bố Y mong muốn sẽ tiếp tục học tốt, giành được học bổng, và đi làm thêm để tự trang trải cuộc sống ở Thủ đô. Trong tương lai xa hơn, Duyên mong muốn sau khi ra trường sẽ tìm được việc làm, có thu nhập để giúp đỡ cuộc sống gia đình bớt khó khăn.

Lưu Thị Minh Ngọc đạt 29.35 điểm/3 môn khối D (ảnh Hồng Hà)

Lần đầu tiên đến Thủ đô, tham dự Lễ Tuyên dương, Lý Bích Khánh Duy- dân tộc Chăm (Phú Lạc, Tuy Phong, Bình Thuận) thấy bất ngờ và tự hào. 12 năm học sinh giỏi, điểm 3 môn khối D của Duy đạt 27.5, Duy chọn con đường trở thành sinh viên Đại học Y Dược TP HCM. Ước mơ của chàng sinh viên trẻ là sớm học xong Đại học để trở về chăm sóc sức khỏe cho bà con dân tộc ở quê mình.

Lưu Thị Minh Ngọc, cô gái dân tộc Nùng- một trong số những học sinh, sinh viên tiêu biểu được nhắc đến trong bài phát biểu của Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến tại Lễ Tuyên dương nhưng lại rất rụt rè, khiêm tốn. Thành tích 12 năm học sinh giỏi, theo Minh Ngọc đó là “bình thường thôi mà, rất nhiều người được như thế”. Tuy nhiên, thành tích 3 môn khối D đạt 29.35 điểm (chưa tính điểm cộng) của Minh Ngọc thuộc diện cao nhất cả nước. Minh Ngọc cho biết, em không có bí quyết gì trong học tập. Vì ở vùng miền núi (Cốc Bài, Xín Mần, Hà Giang), em không có điều kiện đi học thêm nên ngoài việc chăm đọc sách tại thư viện trường thì em chỉ tự học thêm qua việc khai thác bài tập trên mạng internet. Minh Ngọc học Đại học Y Hà Nội cũng với mong muốn được trở thành người chăm sóc sức khỏe cho bà con dân tộc vùng cao quê hương.../.

Hồng Hà

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/tuyen-duong-161-hoc-sinh-sinh-vien-dan-toc-thieu-so-tieu-bieu-261751.html