'Tuyên chiến' với tiền ảo, Trung Quốc tham vọng giữ quyền lực kinh tế bằng Nhân dân tệ điện tử

Mục tiêu đầu tiên và trước nhất của việc phát triển đồng Nhân dân tệ (NDT) điện tử độc lập là để bảo vệ sự độc quyền của nhà nước trong việc tạo ra đồng tiền.

'Tuyên chiến' với tiền ảo, Trung Quốc tham vọng giữ quyền lực kinh tế bằng Nhân dân tệ điện tử. (Nguồn: WSJ)

'Tuyên chiến' với tiền ảo, Trung Quốc tham vọng giữ quyền lực kinh tế bằng Nhân dân tệ điện tử. (Nguồn: WSJ)

Trong bài viết trên tờ Financial News, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) Fan Yifei đã lập luận mục tiêu đầu tiên và trước nhất của việc phát triển đồng Nhân dân tệ (NDT) điện tử độc lập là để bảo vệ sự độc quyền của nhà nước trong việc tạo ra đồng tiền.

Ông Fan Yifei nhấn mạnh việc tạo ra đồng tiền là trách nhiệm chỉ của riêng Ngân hàng Trung ương, đồng tiền điện tử của Trung Quốc phải được nằm dưới sự quản lý tập trung của PBOC. Điều này đồng nghĩa việc chính quyền Trung ương, cụ thể là PBOC, đóng vai trò trung tâm và kiểm soát tuyệt đối trong việc phát hành, đưa tiền vào lưu thông, cũng như đảm bảo các hoạt động thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ điện tử.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã chính thức phát hành tiền nhân dân tệ điện tử vào đầu tháng 5/2020. Như vậy, Trung Quốc là nền kinh tế đầu tiên trên thế giới vận hành đồng tiền kỹ thuật số có chủ quyền, hoàn toàn khác với đồng Bitcoin không biên giới.

Việc cho phép một cơ quan của Chính phủ giám sát đồng tiền điện tử là để phản bác lại nguyên lý phi tập trung hóa vẫn đang được áp dụng với các đồng tiền mã hóa (Cryptocurrency hay còn gọi là tiền ảo, tiền điện tử) hiện nay, bao gồm cả Bitcoin - đồng tiền điện tử phổ biến, vốn cho phép các giao dịch được thực hiện giấu tên. Động thái rất mới này của Bắc Kinh còn nhằm mục đích bảo vệ người dùng không bị ảnh hưởng bởi những thay đổi trong chính sách của Ngân hàng trung ương.

Phó Thống đốc Fan Yifei cảnh báo, các đồng tiền mã hóa như Libra đang thách thức quyền lực của ngân hàng trung ương trong việc phát hành tiền tệ. Bởi vậy, NDT điện tử mà PBOC đang phát triển là nhằm ngăn cản việc bị đánh mất quyền lực phát hành tiền trong kỷ nguyên số và để bảo đảm việc phát hành tiền tệ luôn luôn phục vụ công cuộc cải cách và phát triển đất nước. PBOC thời gian qua trấn áp việc giao dịch các đồng tiền mã hóa, tiền ảo vì coi đây là nguồn gốc của sự bất ổn định tài chính.

Đồng thời, PBOC trong nhiều năm qua đã phối hợp với các ngân hàng lớn thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc phát triển một đồng tiền điện tử độc lập. Việc thử nghiệm đang được tiến hành ở Thành Đô, Tân khu Hùng An, Thâm Quyến và ở các địa điểm dự kiến diễn ra Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022.

Ngoài các giao dịch nhỏ trong các nhà hàng và đối với các dịch vụ đặt thuê xe, Trung Quốc cũng đang tiến hành các chương trình thí điểm cho phép các nhân viên chính phủ sử dụng đồng NDT điện tử đối với khoản tiền chi trả cho các bữa ăn. Đồng NDT điện tử độc lập của Trung Quốc cũng sẽ được sử dụng trong các dịch vụ thanh toán điện tử, một lĩnh vực đang sử dụng phổ biến các ứng dụng Alipay (thuộc Ant Financial, công ty con của tập đoàn Alibaba) và WeChat Pay (của Tập đoàn Tencent).

Theo Fan Yifei, việc chấp nhận đồng tiền NDT điện tử là điều bắt buộc mặc dù chưa rõ người tiêu dùng và giới kinh doanh sẽ chào đón đồng tiền này như thế nào. Ông cho biết, NDT điện tử không ngay lập tức thay thế các loại tiền giấy vì sẽ tạo ra lãng phí lớn mà không nâng cao hiệu quả thanh toán. PBOC sẽ xem đồng NDT điện tử là dạng thức có tính thanh khoản cao nhất của đồng NDT, trong đó bao gồm cả tiền giấy và tiền xu, phản ánh xu thế sử dụng rộng rãi các ứng dụng thanh toán di động ở Trung Quốc.

Khi được phát hành, NDT điện tử sẽ cho phép PBOC quan sát cách đồng tiền được sử dụng trong thời gian thực, với tốc độ nhanh hơn nhiều so với năng lực hiện nay trong việc giám sát các dòng tiền thông qua các giao dịch bằng tiền giấy, tiền xu và thanh toán điện tử.

Tuy nhiên, vẫn còn những câu hỏi để ngỏ đối với đồng NDT điện tử, nhất là việc quản lý dữ liệu giao dịch. Tạp chí Caixin có uy tín ở Trung Quốc cho rằng, không nên vội vàng trong việc triển khai đồng NDT điện tử và ngoài ra, Luật Ngân hàng Trung ương của Trung Quốc cũng cần phải có những sửa đổi cho phù hợp tình hình.

(Theo South China Morning Post)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tuyen-chien-voi-tien-ao-trung-quoc-tham-vong-giu-quyen-luc-kinh-te-bang-nhan-dan-te-dien-tu-124601.html