'Tuyên chiến' việc làm với AI: Chuyển đổi để thích nghi

AI và công nghệ đang gây ra một làn sóng sa thải nhân lực, đặc biệt rõ nét trong khối ngân hàng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc nhân lực thừa là có thật, song khủng hoảng thiếu nhân sự chất lượng cao cũng là vấn đề hiện hữu. Trong 'cuộc chiến' này, con người buộc phải chuyển đổi để thích nghi.

Áp lực nhân sự ngân hàng thời công nghệ

Từ nửa cuối năm 2024, đầu năm 2025 trở lại đây, khối ngân hàng nói riêng và các lĩnh vực kinh tế nói chung đối mặt với làn sóng sa thải nhân viên khá nhiều, khi công nghệ AI hiện có thể tự động hóa các thao tác lặp đi lặp lại như nhập liệu, phân tích dữ liệu, gánh bớt khối lượng công việc cho bộ phận văn phòng. Thậm chí vào tháng 1/2025, Bloomberg Intelligence dự báo các ngân hàng toàn cầu sẽ cắt tới 200.000 vị trí trong 3–5 năm tới nhờ AI và tự động hóa. “Công nghệ AI sẽ cho phép chúng tôi thực hiện các nhiệm vụ vốn mất 10 tiếng thì nay chỉ trong 10 giây", Giám đốc Jay Horine tại JPMorgan nói về mảng phân tích tài chính.

Con người phải thay đổi để thích nghi với thời đại công nghệ.

Con người phải thay đổi để thích nghi với thời đại công nghệ.

Thực tế tại các ngân hàng Việt Nam, quý đầu năm, nhiều ngân hàng như LPBank, Sacombank, VIB… mạnh tay cắt giảm 5-15% nhân sự, trong khi những nơi khác tuyển thì nhỏ giọt. Cụ thể, Ngân hàng Lộc Phát (LPBank) là nơi biến động nhân sự mạnh nhất khi giảm hơn 1.600 người trong quý đầu năm, thu hẹp quy mô còn 9.570 nhân sự. Trong 3 tháng cuối năm ngoái, ngân hàng này cũng giảm hơn 600 người.

Tuy nhiên, sau khi cắt giảm, thu nhập bình quân của nhân viên tăng mạnh từ 22,8 triệu đồng lên 24,6 triệu đồng một tháng. Sacombank đứng thứ hai về quy mô tinh gọn nhân sự khi giảm 930 người, xuống khoảng 16.100 người. Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho hay, xu hướng tinh gọn nhân sự đã có từ năm ngoái và dự kiến tiếp tục trong năm nay và năm sau. Theo đó, ngân hàng sẽ cắt giảm nhân sự tại các phòng giao dịch truyền thống và tăng giao dịch trên không gian số. VIB và TPBank cũng thu gọn bộ máy trong 3 tháng đầu năm. Cụ thể, VIB giảm 4% nhân sự, tương đương khoảng 500 người. TPBank giảm gần 130 nhân sự, xuống khoảng 7.750 người.

Câu chuyện ngân hàng cắt giảm hàng loạt nhân sự khiến nhiều người băn khoăn lo lắng vì sợ bị AI đào thải. Bà Ngô Lan, Giám đốc Navigos Search phía Bắc đặt vấn đề: “Bình thường đầu năm các ngân hàng tuyển dụng rất nhiều, nhưng năm nay lại sa thải nhiều mặc dù ngân hàng làm ăn có lãi. Vậy tại sao lại sa thải? Đó là câu chuyện hiệu suất nội bộ, nếu ai mà không làm việc hiệu quả thì sẽ bị sa thải”, bà Lan thông tin.

Theo vị này, nguyên nhân tác động đến làn sóng sa thải nhân viên ngân hàng chính là công nghệ. Tất nhiên giờ AI chưa thể thay thế được con người hoàn toàn nhưng có thể đảm nhận rất nhiều tác vụ của nhân viên ngân hàng. Vì thế, mặc dù các ngân hàng có sa thải nhưng họ vẫn tuyển dụng các nhóm kinh doanh bán hàng, tiếp thị, và công nghệ như AI, data… “Khi chúng ta nói về data, AI... thì tôi thấy rằng nguồn cung mảng này về nhân sự rất khan hiếm. Chúng ta chỉ đề cập đến vấn đề này từ 2-3 năm nay, bản thân hệ thống ngân hàng chưa thể kịp đào tạo ra hệ thống nhân sự mảng này, hầu hết các ngân hàng sẽ phải chuyển đổi nhân sự từ những công việc có tính chất tương tự sang lĩnh vực công nghệ như AI, data...”, bà Lan nhận định.

Không đứng ngoài cuộc chơi

Đưa ra con số khá giật mình, ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết AI sẽ đóng góp 13.000 tỷ USD vào kinh tế toàn cầu và Blockchain sẽ cắt giảm 70% chi phí giao dịch tài chính. Ông Trung đánh giá: "Chúng ta sẽ nhìn thấy có 85 triệu việc làm trong ngành ngân hàng sẽ biến mất. Tuy nhiên sẽ sinh ra 97 triệu việc làm ngành ngân hàng trong thời gian tới. Tôi cho rằng đây là số liệu rất thú vị. Tuy nhiên, nhân lực chúng ta quyết định nó sẽ nằm ở đâu? Nằm ở trong 85 triệu hay 97 triệu? Và có một con số nữa là 60% nhân lực sẽ phải đào tạo lại trong 5 năm tới. Đây là những số liệu tôi trích dẫn từ các diễn đàn kinh tế thế giới và những hoạt động nghiên cứu”.

Thực tế hiện nay, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, ngành ngân hàng Việt Nam không đứng ngoài cuộc chơi mà đang trở thành lực lượng tiên phong trong công cuộc chuyển mình.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã khẳng định nhiệm vụ xây dựng và dùng chung các nền tảng số quốc gia, vùng, bảo đảm hoạt động thống nhất, liên thông của các ngành, lĩnh vực trên môi trường số, thúc đẩy hệ sinh thái kinh tế số trên các lĩnh vực. Với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, ngành ngân hàng đang đặt ra những bước tiến chiến lược trong việc xây dựng hệ sinh thái số thông minh, đồng thời tái cấu trúc toàn diện mô hình hoạt động và nhân lực để thích nghi với thời đại công nghệ cũng như hướng đến hệ sinh thái số thông minh – Tầm nhìn chiến lược trong kỷ nguyên mới. Mục tiêu cuối cùng là đặt người dân và doanh nghiệp vào trung tâm của hệ thống tài chính số hiện đại, cá nhân hóa trải nghiệm, tối ưu hiệu quả và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia.

Chưa có một thống kê đầy đủ, nhưng thực tế cho thấy ở Việt Nam, nguồn nhân lực sẵn sàng cho công nghệ số còn hạn chế và các chương trình đào tạo đại học chưa thay đổi kịp tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ. Sự khan hiếm nhân lực ngân hàng có trình độ công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ và chuyên gia tài chính có trình độ quốc tế khiến cho tiến trình ứng dụng và giải pháp ở trình độ cao tại các ngân hàng bị chậm lại. TS. Trần Văn Tùng, Chủ tịch Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, không chỉ Việt Nam mà ngành ngân hàng trên toàn thế giới đang trải qua sự thay đổi lớn cả về tổ chức lẫn nhân sự. Đây là một thực tế mà chúng ta buộc phải đối mặt và thích nghi.

“Vậy giải pháp là gì? Theo tôi, có nhiều hướng đi, nhưng một trong những giải pháp quan trọng và cần tập trung ngay từ bây giờ là đào tạo và đào tạo lại đội ngũ nhân sự. Chúng ta cần trang bị cho họ những kiến thức mới, kỹ năng số, hiểu biết về công nghệ như AI, để họ có thể làm chủ, sử dụng hiệu quả các công cụ số – ví dụ như chatbot, hệ thống phân tích dữ liệu – nhằm phục vụ tốt hơn cho nghiệp vụ của mình. Việc đào tạo này cần được đưa vào chương trình của các cơ sở đào tạo, các trường đại học. Đồng thời, các ngân hàng, doanh nghiệp, công ty cũng cần chủ động cử cán bộ đi học, đi bồi dưỡng để cập nhật kiến thức mới”, ông Tùng cho hay.

Hà An

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/khoa-hoc-quan-su/tuyen-chien-viec-lam-voi-ai-chuyen-doi-de-thich-nghi-i775327/