Tuyến buýt nhanh BRT01 Kim Mã - Yên Nghĩa: Đánh giá đúng để có giải pháp phù hợp

'Đừng mong đợi buýt nhanh BRT là 'chiếc đũa thần' giải quyết bài toán ùn tắc, trong khi BRT không được bảo đảm quyền lưu thông riêng biệt. Cần có những đánh giá toàn diện, công bằng về tuyến buýt nhanh này để có giải pháp phù hợp hơn' - đó là quan điểm của nhiều chuyên gia giao thông khi đề cập việc tuyến buýt nhanh BRT01 Kim Mã - Yên Nghĩa không đạt hiệu quả như mong đợi.

Hiệu quả chưa như mong đợi

Tuyến buýt nhanh BRT01 Kim Mã - Yên Nghĩa chính thức đi vào vận hành từ ngày 1-1-2017. Đây là loại hình buýt lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam.

Là một hành khách thường xuyên sử dụng dịch vụ buýt nhanh BRT, chị Phạm Phương Thùy (số 278 đường Thanh Bình, phường Mộ Lao, quận Hà Đông) cho biết, tuyến buýt BRT chất lượng hơn hẳn các tuyến buýt thông thường. Tuy nhiên, vào khung giờ cao điểm, BRT vẫn không thể chạy nhanh như mong đợi do bị các phương tiện khác lấn làn dành riêng.

Nhận định Hà Nội đã không thành công khi thí điểm tuyến buýt nhanh BRT, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, có nhiều lý do khiến tuyến buýt BRT đầu tiên của Hà Nội và cả nước kém hiệu quả. Thứ nhất, buýt nhanh BRT khi đầu tư phải rất đồng bộ, có sự kết nối chặt chẽ trong tổng thể các tuyến vận tải công cộng khác. Song, thực tế tuyến BRT01 Kim Mã - Yên Nghĩa hoạt động "đơn thương độc mã" suốt 4 năm, tính liên kết với buýt truyền thống kém. Thứ hai, việc chọn lộ trình Bến xe Yên Nghĩa - Kim Mã chưa thực sự phù hợp để thí điểm bởi hướng tuyến này tuy có mật độ dân cư lớn song quỹ đất dành cho giao thông rất eo hẹp, trên tuyến có quá nhiều giao cắt. Những đặc điểm này khiến hoạt động của BRT rất bất lợi, tốc độ không đạt như thiết kế, đẩy tình trạng ùn tắc thêm trầm trọng, từ đó nảy sinh bức xúc khi BRT đi vào vận hành.

Từ những lập luận trên, theo ông Nguyễn Văn Thanh, Hà Nội cần nhìn nhận kỹ lưỡng dự án này để đưa ra những quyết sách đúng đắn. Thậm chí có thể mạnh dạn bỏ tuyến BRT để không lâm vào tình trạng vừa lãng phí tiền của, không đem lại hiệu quả mà lại gây bức xúc cho dư luận.

Đánh giá toàn diện BRT

Đề cập tới kết quả hoạt động của BRT01 Kim Mã - Yên Nghĩa, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội thông tin, sau hơn 4 năm vận hành, sản lượng vận chuyển có xu hướng tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước. Tổng sản lượng hành khách vận chuyển năm 2018 đạt 5,3 triệu lượt, tăng 6,3% so với năm 2017; năm 2019, đạt 5,5 triệu lượt, tăng 3,7% so với năm 2018; năm 2020, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 song sản lượng tuyến BRT vẫn đạt 5,35 triệu lượt, chỉ giảm 2,6% so với năm 2019, trong khi toàn mạng vận tải công cộng giảm 25,7%.

Cũng theo thống kê, trong giờ cao điểm, lượng khách bình quân đạt 70 hành khách/lượt, nhiều xe vận chuyển 95-110 hành khách/lượt. Sản lượng hành khách sử dụng vé tháng của tuyến BRT đứng đầu so với các tuyến khác trong toàn mạng với bình quân giai đoạn 2017-2020 là 22.542 hành khách/năm (chiếm 7,4% vé tháng 1 tuyến trên toàn mạng); hành khách trên tuyến ổn định với bình quân 14.485 hành khách/ngày. So với các tuyến khác, BRT luôn thuộc nhóm các tuyến có sản lượng hành khách vận chuyển cao. Doanh thu bình quân đạt 27,5 tỷ đồng/năm (đứng thứ hai toàn mạng).

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Nguyễn Hoàng Hải thừa nhận, tình trạng phương tiện khác chạy vào làn đường riêng cho BRT vẫn diễn ra phổ biến. Tại đường Quang Trung (quận Hà Đông), bình quân mỗi giờ có 308 phương tiện chạy vào làn BRT; đường Tố Hữu (quận Nam Từ Liêm) mỗi giờ có 707 phương tiện…

Trong khi nhiều ý kiến quy kết buýt nhanh... không nhanh như mong đợi thì nhiều chuyên gia giao thông khẳng định, không nên trách "buýt nhanh không nhanh" khi kỷ luật lưu thông chỉ nửa vời và chưa kiên quyết dành làn riêng cho BRT. Chuyên gia giao thông Phan Lê Bình (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA) cho rằng, đừng mong đợi BRT là “chiếc đũa thần” trong khi BRT không được bảo đảm quyền lưu thông riêng biệt. BRT sẽ thu hút nhiều khách hơn nếu được bảo đảm tốt quyền lưu thông trên làn đường riêng.

Còn theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng, năng lực cung ứng dịch vụ của tuyến buýt BRT01 Kim Mã - Yên Nghĩa còn xa mới đạt các tiêu chí cơ bản của BRT. Làn đường riêng thường xuyên bị xe cá nhân chiếm dụng, trạm dừng khó tiếp cận... Thành phố Hà Nội cần phải thực hiện sơ kết 5 năm để có những đánh giá toàn diện, công bằng về BRT.

Cùng quan điểm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện nhận định, cần nghiên cứu, đánh giá một cách khoa học và thực tiễn về hiệu quả của tuyến buýt nhanh thí điểm BRT, làm rõ những mặt được, mặt tồn tại, hạn chế để cân nhắc xem có tiếp tục quy hoạch và đầu tư các tuyến BRT khác trong tương lai...

Tuấn Lương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-thong/998204/tuyen-buyt-nhanh-brt01-kim-ma---yen-nghia-danh-gia-dung-de-co-giai-phap-phu-hop