Tuyên bố độc lập 'vô giá trị', Catalonia chưa trở thành quốc gia

Bất chấp tuyên bố độc lập đơn phương, về luật pháp quốc tế, Catalonia vẫn là một phần của Tây Ban Nha do xứ tự trị này chưa được cộng đồng thế giới công nhận địa vị quốc gia.

Thời khắc lịch sử Catalonia tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha Nghị viện Catalonia tối 27/10 có bước đi lịch sử khi quyết định đơn phương tuyên bố độc lập và khởi động "quy trình lập hiến" về việc tách khỏi Tây Ban Nha.

Thượng viện Tây Ban Nha ngày 27/10 bỏ phiếu cho phép chính quyền Madrid trực tiếp tiếp quản điều hành Catalonia, tức tước quyền tự trị của xứ này. Động thái diễn ra ngay sau khi nghị viện Catalonia thông qua nghị quyết tuyên bố độc lập.

Quyết định đơn phương tuyên bố độc lập của Catalonia ngay lập tức dấy lên nhiều câu hỏi về tính pháp lý của động thái này, liệu xứ tự trị giàu nhất Tây Ban Nha đã trở thành một quốc gia hay chưa, khi nào thì địa vị quốc gia của Catalonia được công nhận?

Sự đơn phương tuyên bố độc lập là gì?

"Sự đơn phương tuyên bố độc lập" (UDI) là khái niệm được đặt ra lần đầu vào năm 1965 khi chính quyền thiểu số bảo thủ da trắng của Rhodesia đơn phương tuyên bố độc lập khỏi Đế quốc Anh.

Quá trình này bao gồm việc một quốc gia mới được thành lập từ quốc gia mẹ hiện tại, tự tuyên bố chủ quyền và độc lập mà không có sự thông qua của quốc gia hay nhà nước mà nó tách ra.

Nghị viện Catalonia ngày 27/10 bỏ phiếu tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha và trở thành một nước cộng hòa. Ảnh: Getty.

Nghị viện Catalonia ngày 27/10 bỏ phiếu tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha và trở thành một nước cộng hòa. Ảnh: Getty.

Catalonia có quyền tuyên bố độc lập không?

Jean-Claude Piris, cựu Cố vấn pháp lý cấp cao cho EU, cho hay bất kỳ thực thể nào cũng có quyền tuyên bố độc lập. "Nhưng để trở thành một nhà nước thì tất nhiên phải có một lãnh thổ, dân số nhất định và chính quyền".

"Ngoài ra yếu tố quan trọng nhất là sự công nhận của cộng đồng quốc tế", AFP dẫn nhận định của ông Piris. "Tất cả đều có quyền đưa ra tuyên bố độc lập, nhưng hành động này không có ý nghĩa quốc tế".

Catalonia (vùng màu đỏ) là cộng đồng tự trị giàu có ở phía đông bắc của Tây Ban Nha. Đồ họa: BBC.

Piris nói chỉ một số rất ít quốc gia sẽ công nhận Catalonia là một quốc gia và "đảm bảo rằng trong EU sẽ không có thành viên nào công nhận họ".

Theo Independent, Vương quốc Anh đã tuyên bố sẽ không công nhận nhà nước Catalonia mới và các quốc gia khác đang phải đối mặt với phong trào ly khai cũng có quan điểm tương tự. Họ không muốn Catalonia độc lập trở thành một tiền lệ kéo theo sự bùng nổ của làn sóng ly khai tại khu vực. Đức, Pháp và Cyprus nằm trong số các nước châu Âu khác nêu rõ sẽ ủng hộ sự thống nhất của Tây Ban Nha. Mỹ cũng ra tuyên bố tương tự.

"Bởi vậy đó sẽ chỉ là một tuyên bố vô giá trị: Catalonia sẽ không thể có đại diện trong các tổ chức quốc tế, họ sẽ không có địa vị gì ở EU, họ sẽ không thể làm bất cứ điều gì và về mặt pháp lý họ vẫn là một phần của Tây Ban Nha", chuyên gia Piris cho biết.

Tuyên bố độc lập của Catalonia có hợp pháp?

Các chuyên gia cho rằng đây là vấn đề phức tạp, và có hai căn cứ pháp lý quan trọng có thể giúp trả lời câu hỏi này. Đầu tiên là ý kiến tư vấn năm 2010 của Tòa án Công lý Quốc tế, tòa án cấp cao nhất của Liên Hợp Quốc, về tuyên bố độc lập của Kosovo đối với Serbia. Thứ hai là ý kiến năm 1998 của Tòa án Tối cao Canada.

Khi được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hỏi ý kiến tư vấn, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đã kết luận rằng tuyên bố độc lập của Kosovo "không vi phạm luật quốc tế" hay các nghị quyết của Hội đồng Bảo an.

Tuy nhiên, trong một bản ý kiến gửi lên ICJ, Tây Ban Nha đã phản đối và cho rằng tuyên bố độc lập của Kosovo "không phù hợp với luật pháp quốc tế" và đã vi phạm "quyền của Serbia đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ".

Hàng chục nghìn người Catalonia ăn mừng khi nghị viện khu vực thông qua nghị quyết tuyên bố Catalonia độc lập, trở thành một nước cộng hòa. Ảnh: AFP.

Còn với trường hợp Quebec, Tòa án Tối cao Canada năm 1998 đã đưa ra ý kiến tư vấn rằng một dân tộc chỉ có quyền ly khai khi họ là nạn nhân của ách thuộc địa, bị áp bức, bóc lột hoặc bị ngăn cản tiếp cận với chính phủ liên bang.

"Ý kiến tư vấn đó thực sự dành cho những dân tộc bị áp bức, những người không có quyền được dân chủ, bị đối xử tàn nhẫn", Piris nói. "Nhưng đây hoàn toàn không phải là trường hợp của Catalonia, nơi được hưởng các quyền dân chủ".

Ông Piris lưu ý rằng người Catalonia đang có các hành động vượt ra ngoài khuôn khổ hiến pháp của Tây Ban Nha.

Nguy cơ nổ ra bạo lực

"Bây giờ quan trọng là điều gì sẽ diễn ra trên toàn đất nước (Tây Ban Nha) và ở Catalonia. Liệu biểu tình có diễn ra? Người dân sẽ chấp nhận để Tây Ban Nha tước quyền tự trị của Catalonia hay bạo lực sẽ xảy ra?", ông Piris đặt câu hỏi.

Tây Ban Nha "đã từng trải qua một cuộc nội chiến cách đây không quá lâu, ngay trước Chiến tranh Thế giới thứ hai".

Ngày trưng cầu dân ý về độc lập của xứ Catalonia hôm 1/10 đã biến thành những cuộc xô xát giữa cảnh sát . Ảnh: AP

Nếu Catalonia trở thành một quốc gia độc lập thì những hệ quả và tác động của nó là "không thể xem thường", Narin Idriz, chuyên gia tại Viện Asser có trụ sở ở Hague nói.

"Tất cả các thành viên EU đều coi trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của họ. Họ không muốn điều tương tự xảy ra với mình. Bởi lẽ đó, sẽ rất khó để tìm kiếm bất cứ sự ủng hộ nào (từ các nước này)", bà Idriz nói.

Người Catalonia ăn mừng sau tuyên bố độc lập Hàng chục nghìn người tụ tập ngoài nghị viện Catalonia nhảy múa và hò reo sung sướng, sau khi tuyên bố độc lập của khu vực được thông qua.

Ngụy An

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tuyen-bo-doc-lap-vo-gia-tri-catalonia-chua-tro-thanh-quoc-gia-post781804.html