Tuyên bố đáng sợ từ một diễn đàn: Lưu vực Mekong lâm cảnh khốn cùng

Ông Somkiat Khuan Chaingsa, sinh sống ở Chiang Rai, vùng đông bắc Thái Lan, cho biết, hai năm qua, các đập thủy điện từ Trung Quốc đã làm lượng nước giảm rõ rệt, nhiều chủng loại thực vật tại đây – nguồn thực phẩm cho người dân địa phương, cho cá – đang suy kiệt.

Nhiều loài chim biến mất do không còn nguồn thức ăn. Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam đều gánh chung hậu quả: tổn thất!

Theo TS Dương Văn Ni, khoa Quản lý môi trường và tài nguyên thiên nhiên (Đại học Cần Thơ): Tổn thất không chỉ bao gồm nhiều mặt cuộc sống người dân, tiền của xã hội; mà còn là tổn thất về mặt đa dạng sinh học, môi trường. Không chỉ thế hệ này mà nhiều thế hệ sau phải gánh chịu.

Xu hướng di cư

“Biển Hồ là trái tim và các dòng sông là mạch máu. Biển Hồ không cần nhiều mạch máu hơn, nó cần lượng máu vốn có lưu thông”, TS Ni nói.

“Tác động của đập thủy điện, lâu nay chỉ được tính toán lượng nước, nhưng do nước mang phù sa nên cần quan tâm tới sự thay đổi lưu lượng, dòng chảy, chất lượng nước, chu kỳ… và quan trọng hơn là phải nhìn lưu vực sông Mekong như một cơ thể sống, nước và không gian sống, con người và mối liên hệ với thiên nhiên…”.

Biển Hồ là trái tim và các dòng sông là mạch máu. Giờ đây trái tim đang cạn kiệt máu. Ảnh: TL

Ông Long Sochet, sống ở Biển Hồ, Campuchia, báo động: Mực nước ở Biển Hồ giảm, nước khó dẫn vào đồng để tưới tiêu. Lượng phù sa giảm nên nông dân phải sử dụng phân bón hóa học, để bổ sung chất dinh dưỡng cho đất và cây trồng. Điều này làm cho chi phí tăng lên, sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng. Nhiều người muốn bỏ trồng trọt chuyển sang đánh bắt cá, nhưng không có cá mà bắt.

Khoảng 2 triệu người sống quanh Biển Hồ đang lo lắng, làng chài nơi ông Long Sochet sống có 40 hộ, không ai biết phải đi đâu!

Tại Lào, một ngư dân nói: “Năm ngoái, tôi chỉ cần chờ mười phút là có được chừng ấy cá! Năm nay phải đợi hơn 20 phút. Tại Campuchia, một nhóm người đang bắt cá trong ao cho biết, năm ngoái họ bắt được 10kg cá trong ao này, nhưng năm nay chưa được 2kg”.

Ở đồng bằng sông Cửu Long, một lão nông nói: “Tôi đã sống ở đây 80 năm, nhưng chưa bao giờ xảy ra tình trạng tổn thất như năm 2015 – 2016. Con số thống kê chỉ nói mất 700.000 tấn gạo vì xâm ngập mặn và hạn hán, đâu có ai thấy hết những tổn thất mà người dân phải chịu”.

TS Ni nói: Các tính toán thiệt hại về kinh tế, số loài, sản lượng,… của người dân cũng chỉ mới ước lượng, chứ chưa tính tác hại tới hệ sinh thái và đặc biệt là sức ép của những tác hại khiến cộng đồng khó sống hơn, từ đó xuất hiện xu hướng di cư.

Tuyên bố từ một diễn đàn

Bức xúc trước thực trạng này, Tổ chức Sông ngòi quốc tế (IR), Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), liên minh Cứu sông Mekong (Save the Mekong Coalition), diễn đàn Môi trường Mekong (MEF), phối hợp với các tổ chức cộng đồng các nước trong lưu vực đã lên tiếng tại diễn đàn “Lưu vực Mekong trước thách thức bảo vệ người dân và hệ sinh thái trong bối cảnh nhiều biến động” tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 20.3.2018.

Diễn đàn đưa ra Tuyên bố nêu lên mối lo lắng khi các nhà đầu tư phớt lờ ý kiến của các chuyên gia, coi nhẹ giá trị an sinh, sinh hoạt văn hóa và nguyện vọng của các dân tộc ở lưu vực sông Mekong, nơi mà cuộc sống, tín ngưỡng, tâm linh gắn bó mật thiết với dòng sông này.

Tuyên bố nhấn mạnh: “Chúng tôi đề nghị chính phủ các nước trong khu vực ưu tiên áp dụng các công nghệ tái tạo và năng lượng phi tập trung đang ngày càng khả thi và có giá cả cạnh tranh, mà không gây ra các tác động xã hội và môi trường như các đập thủy điện quy mô lớn”.

Bà Maureen Harris, tổ chức IR, nêu ba điểm lưu ý về vấn đề sông Mekong: 1/ Nghiên cứu nhiều hơn tới cuộc sống người dân và hệ sinh thái nơi đây; 2/ Rà soát lại kế hoạch phát triển ở hạ lưu sông Mekong; 3/ Chính phủ cần nỗ lực hơn nữa để bảo vệ sinh kế người dân.

Theo bà, người dân Mekong phải được tham gia một cách thực chất trong việc quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia và các đề xuất thương mại năng lượng.

Sâu xa hơn, cơ chế hợp tác Lancang – Mekong (Lancang – Mekong Cooperation Mechanism) do Trung Quốc xây dựng, phải đặt mục tiêu phối hợp việc quản lý dòng sông và giải quyết các vấn đề chính trị và an ninh trong khu vực. Và khi Trung Quốc đưa ra nguồn tài chính hứa hẹn, cùng nhiều chương trình hỗ trợ các quốc gia thượng nguồn, như là chuyện nội bộ của họ, nhiều chuyên gia tài chính băn khoăn: liệu việc tiếp cận sự trợ giúp từ cộng đồng quốc tế sẽ khó khăn hơn?

Vân Anh – Ngọc Bích (Thế Giới Tiếp Thị)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-nong-nghiep/tuyen-bo-dang-so-tu-mot-dien-dan-luu-vuc-mekong-lam-canh-khon-cung-861982.html