Tuyên bố chủ quyền thổi bùng tranh chấp Trung – Ấn

Một chuyên gia nghiên cứu về biên giới tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc vừa tuyên bố nước này yêu sách với toàn bộ thung lũng Galwan – nơi hiện đang xảy ra tranh chấp với Ấn Độ. Đây là một bước ngoặt lớn trong tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với khu vực thuộc vùng lãnh thổ liên bang Ladakh của Ấn Độ. Nó cho thấy, cuộc đối đầu Trung - Ấn giờ không chỉ tồn tại trên thực địa mà đã bắt đầu lan sang lĩnh vực pháp lý.

Những yêu sách cường điệu và không có cơ sở

Trong cuộc phỏng vấn trên tờ Thời báo Hoàn cầu ngày 19-6, nghiên cứu sinh Trương Dũng Phan tại Viện Nghiên cứu Biên giới Trung Quốc, thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc tuyên bố: “Nhiều tài liệu từ triều đại nhà Thanh (từ năm 1644-1911) và các văn tự phương Tây đã ghi nhận thung lũng Galwan là lãnh thổ của Trung Quốc… Dựa trên các nguyên tắc về các quyền lịch sử, Trung Quốc có quyền tài phán với toàn bộ khu vực thung lũng”. Tuyên bố mới này đánh dấu sự thay đổi lớn về chiến lược của Trung Quốc. Theo đó, nước này giờ đây có tuyên bố chủ quyền với lãnh thổ phía Tây của đường Kiểm soát Thực tế (LAC) và tới cả điểm giao nhau giữa sông Galwan và sông Shyok.

Binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc ở biên giới tại đèo Nathu La.

Binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc ở biên giới tại đèo Nathu La.

Điều này cũng có nghĩa Trung Quốc có thể tuyên bố chủ quyền với toàn bộ thung lũng này. Trong khi đó, hầu hết các bản đồ của Trung Quốc cho thấy toàn bộ sông Galwan thuộc lãnh thổ Trung Quốc; nhưng bờ Tây của con sông này - nơi nó gặp sông Shyok lại chưa từng được thể hiện trong bất kỳ tấm bản đồ nào của Trung Quốc. Thời báo Hoàn cầu dẫn lời ông Trương Dũng Phan nói: “Trong khu vực gần sông Shyok ở phía Tây sông Galwan, Ấn Độ đã xây sân bay, các cây cầu vĩnh cửu, đường xá và làng mạc. Trong nhiều năm, nước này đã tìm cách để thâm nhập vào lãnh thổ Trung Quốc”.

Thông tin này xuất hiện sau tuyên bố hôm 16-6 của người phát ngôn Mặt trận phía Tây của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) Trương Thủy Lợi rằng: “Trung Quốc luôn luôn bảo vệ chủ quyền của mình tại khu vực thung lũng Galwan”. Quan chức này khẳng định như vậy vào thời điểm một ngày sau vụ đụng độ đẫm máu nhất giữa binh lính hai nước tại biên giới kể từ năm 1967.

Đáp trả tuyên bố của PLA, Bộ Ngoại giao Ấn Độ gọi các yêu sách này là một cách cường điệu và không có cơ sở để biện minh. Theo đó, đường LAC chạy về phía đông của ngã ba sông Galwan - Shyok và cuộc đụng độ hôm 15-6 được cho là đã xảy ra ở khu vực nằm giữa ngã ba sông và LAC, thuộc phía Ấn Độ. Mặc dù LAC chưa bao giờ được phân định ranh giới và có những nhận thức khác nhau ở ít nhất hơn một chục điểm dọc theo LAC, nhưng yêu sách chủ quyền này của Trung Quốc không nằm trong số đó. Và người ta cũng chưa ghi nhận sự cố tranh chấp nào trong quá khứ.

Trả lời tờ The Hindu của Ấn Độ trước đó, Taylor Fravel, một chuyên gia về Quân đội Trung Quốc tại Viện Công nghệ Massuchusetts (MIT) khẳng định: Các bản đồ Trung Quốc cho thấy gần như toàn bộ dòng sông Galwan nằm trong phần lãnh thổ mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trong khu vực. Sự khác biệt duy nhất sẽ là mũi phía tây của sông Galwan khi nó gặp Shyok. Ở đây, vài ki-lô-mét cuối cùng của sông Galwan thường được miêu tả là nằm bên ngoài biên giới Trung Quốc. Tuy nhiên, cách người ta xác định các tham số của thung lũng có thể khác với sông.

Và ý đồ của Bắc Kinh là gì?

Toàn bộ biên giới Ấn Độ - Trung Quốc đều nằm trong diện tranh chấp và LAC chính là biên giới “trên thực tế” giữa các vùng lãnh thổ được Trung Quốc và Ấn Độ kiểm soát trên thực tế. Phía Ấn Độ xem LAC dài 3.488km, còn Trung Quốc chỉ coi LAC dài có 2.000km. Ở khu vực phía Tây, Ấn Độ tuyên bố chủ quyền đối với 38.000km2 ở Aksai Chin, góc Đông Bắc của bang Jammu và Kashmir.

Khu vực lãnh thổ này Trung Quốc chiếm giữ trong cuộc chiến tranh Trung-Ấn năm 1962 và hiện nay vẫn nằm dưới quyền kiểm soát của Trung Quốc. Ở khu vực phía Đông, Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với khoảng 90.000km2 lãnh thổ, có diện tích xấp xỉ bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ hoặc vùng đất mà Bắc Kinh gọi là “Nam Tây Tạng”. Trong cuộc chiến tranh năm 1962, Trung Quốc tiến vào vùng lãnh thổ này nhưng sau đó đã rút đi.

Cuộc khủng hoảng hiện nay bùng phát lên mức độ dữ dội vào ngày 5-5, khi binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc đụng độ ở Pangong Tso – một cái hồ nằm vắt qua LAC ở Ladakh. Lính PLA (tức Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc) được cho là đã ngăn binh sĩ Ấn Độ tuần tra các khu vực nằm giữa “Ngón tay số 4” và “Ngón tay số 8”. Đây là vùng lãnh thổ cả hai bên tuần tra kể từ loạt đụng độ ngày 5-5 – một sĩ quan cấp cao của Bộ chỉ huy phía Bắc thuộc Lục quân Ấn Độ cho hay.

Trong các tuần tiếp theo, hai bên đụng độ tại đó và những điểm khác ở Ladakh cũng như tại Naku La ở Sikkim thuộc khu vực phía Đông. Sĩ quan quân đội nói trên của Ấn Độ cho biết tiếp: Các vụ xâm nhập của Trung Quốc đã gia tăng cả về chiều sâu và tần suất trong tháng qua. Không những vậy, PLA còn bám trụ bằng cách dựng lều và xây hầm ngầm, cũng như triển khai thêm quân và xe hạng nặng ở những vùng mà họ chiếm giữ.

Tại một cuộc họp ở khu vực Chushul-Moldo giữa chỉ huy quân sự Ấn Độ và Trung Quốc vào ngày 6-6, hai bên nhất trí “giải quyết hòa bình tình hình ở vùng biên giới theo các thỏa thuận song phương khác nhau”. Sau đó đã diễn ra việc rút quân một phần và việc đàm phán giữa quan chức quân sự ở các cấp. Tuy nhiên, vụ đụng độ đẫm máu vào đêm 15-6 chỉ rõ một thực tế nghiệt ngã: Tình hình dọc theo LAC là bất ổn và đáng lo ngại.

Căng thẳng dọc theo LAC bùng phát lúc này, lúc khác. Do hai bên có các cách nhìn nhận khác nhau về vị trí chính xác của LAC, nên các đội tuần tra của hai bên thi thoảng lại chạm trán nhau. Các vụ chạm trán này kéo theo thế đối đầu và việc tố cáo lẫn nhau là bên xâm lấn. Nhưng những gì vừa diễn ở Pangong Tso hay thung lũng Galwan không phải là các sự cố chạm trán mà là kết quả của việc một bên đang cố gắng vẽ lại LAC.

Sau vụ đụng độ chết người, đến hôm 16-6, Chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ thung lũng Galwan. Khác với trước đây, khi Trung Quốc chỉ huy động các nhóm nhỏ trong các vụ đụng độ với binh sĩ Ấn Độ, lần này PLA “tung hàng ngàn lính vào cuộc” trong khu vực LAC. Sĩ quan Ấn Độ Shukla nhận định, các binh sĩ Trung Quốc kiên quyết bám trụ nơi này.

Những diễn biến trên và cái chết của 20 quân nhân Ấn Độ đang gây sức ép lên đảng cầm quyền của Ấn Độ (đảng Bharatiya Janata) và chính quyền của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Chấm dứt sự yên lặng kéo dài của mình về vấn đề biên giới, Thủ tướng Narendra Modi vào hôm 17-6 đã cảnh báo Trung Quốc rằng Ấn Độ “có khả năng đáp trả phù hợp khi bị khiêu khích”.

Ông cũng kêu gọi toàn đảng cầm quyền họp vào ngày 19-6 này để thảo luận tình hình biên giới. Tướng Ấn Độ Panag cho biết, phía Trung Quốc đã chiếm một khu vực rộng 35-40km2 trong các tuần gần đây. Giới chức Ấn Độ cho hay, mục đích của họ trong các cuộc thương lượng hiện nay là thuyết phục Trung Quốc khôi phục lại thực trạng trước tháng 4. Nhưng ít khả năng Trung Quốc sẽ nghe lời Ấn Độ. Những gì Trung Quốc có được là lợi thế trên thực địa. Việc này có thể trở thành việc đã rồi.

Minh Hải (tổng hợp)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/quoc-te/tuyen-bo-chu-quyen-thoi-bung-tranh-chap-trung-an-599809/