Tuyên bố Anh và EU hậu Brexit được thống nhất ở cấp chính trị

Ngày 22/11, EU và Anh đã đồng ý một bản dự thảo tuyên bố đưa ra kế hoạch cho các quan hệ 'tham vọng, sâu rộng và linh hoạt' giữa hai bên hậu Brexit. Theo đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết, tuyên bố dài 26 trang, nêu rõ cách thức Anh sẽ làm việc với khối về thương mại, an ninh, môi trường và các vấn đề khác, đã được đồng ý 'về nguyên tắc' và sẽ được gửi tới 27 nước thành viên còn lại để phê duyệt.

Đồng bảng Anh đã tăng khoảng 1% so với đồng đôla và cũng tăng giá so với đồng euro ngay sau tin tức về tuyên bố trên được đưa ra. Thủ tướng Anh Theresa May hy vọng tuyên bố này sẽ thuyết phục các nhà lập pháp phê chuẩn tầm nhìn cho sự ra đi của nước Anh khỏi khối liên minh. Hội nghị cấp cao đặc biệt của 28 nhà lãnh đạo EU nhằm ký kết thỏa thuận Brexit cuối cùng đang được lên kế hoạch vào ngày 25/11 tới và dự kiến Thủ tướng Anh sẽ tới Brussels vào tối ngày 24/11 để chuẩn bị cho giai đoạn hoàn tất này.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker chào mừng Thủ tướng Anh Theresa May tại Brussels để chuẩn bị cho phiên họp ngày 21/11/2018

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker chào mừng Thủ tướng Anh Theresa May tại Brussels để chuẩn bị cho phiên họp ngày 21/11/2018

Tuyên bố chính trị này cho biết mối quan hệ trong tương lai giữa Anh và EU sẽ có phạm vi rộng, bao gồm hợp tác kinh tế, thực thi pháp luật, chính sách đối ngoại, an ninh và quốc phòng. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker khẳng định, dự thảo thỏa thuận Brexit “đã được thống nhất ở cấp các nhà đàm phán” và giờ được thống nhất “về nguyên tắc ở cấp chính trị”. Các nhà lãnh đạo EU vẫn phải thông qua dự thảo tuyên bố này, đó là vì đi kèm dự thảo là các điều khoản đồng ý cho Anh rút khỏi khối liên minh vào ngày 29/3/2019.

Trong bản cập nhật của thỏa thuận Brexit, cả hai bên đã nhất trí rằng giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit có thể kéo dài từ ngày kết thúc hiện tại vào 31/12/2020 “lên tới một hoặc hai năm”. Giai đoạn chuyển tiếp được xây dựng để cho phép các chính phủ và doanh nghiệp điều chỉnh mối quan hệ mới sau hơn 4 thập kỷ quan hệ chặt chẽ giữa Anh và EU. Nhưng tuyên bố không giải quyết được các vấn đề đánh bắt cá và Gibraltar - một lãnh thổ của Anh nằm trên một nhánh của miền Nam Tây Ban Nha. Madrid muốn phủ quyết việc áp dụng bất kỳ thỏa thuận nào về mối quan hệ sau giai đoạn chuyển tiếp đối với Gibraltar, trong khi một số nước EU bao gồm cả Pháp đã lên tiếng lo ngại về việc tiếp cận với vùng biển đánh bắt cả của Anh sau Brexit.

Cụ thể, trong dự thảo tuyên bố 26 trang đã được EU và Anh thống nhất ngày 22/11 có một số yếu tố then chốt như sau:

Thứ nhất, EU và Anh hướng tới “quan hệ đối tác tham vọng, sâu rộng và linh hoạt trong hợp tác thương mại và kinh tế, thực thi pháp lý và công lý hình sự, chính sách đối ngoại, an ninh... dựa trên sự cân bằng quyền lợi và nghĩa vụ”.

Thứ hai, về nền kinh tế, EU và Anh “thống nhất xây dựng một quan hệ đối tác kinh tế tham vọng, đầy đủ và cân bằng... bao gồm một khu vực thương mại tự do cũng như hợp tác chuyên ngành mở rộng hơn... được củng bố bởi các điều khoản bảo đảm một sân chơi bình đẳng để cạnh tranh công bằng và cởi mở”. Tôn trọng “tính toàn vẹn của thị trường chung của Liên minh châu Âu và Liên minh hải quan cũng như thị trường nội địa của Anh và công nhận chính sách thương mại độc lập của Anh vượt ra ngoài mối quan hệ đối tác kinh tế này”. EU và Anh sẽ “giữ quyền tự chủ và khả năng điều chỉnh hoạt động kinh tế”.

Thứ ba, về thương mại hàng hóa, EU và Anh hướng tới “mối quan hệ thương mại về hàng hóa chặt chẽ nếu có thể” và “các thỏa thuận toàn diện sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do, kết hợp chặt chẽ các quy định và hợp tác hải quan, được củng cố bởi các điều khoản bảo đảm một sân chơi bình đẳng”.

Thứ tư, về thuế quan, EU và Anh kỳ vọng “không có thuế, phí hoặc các hạn chế định lượng giữa tất cả các ngành với các thỏa thuận hải quan tham vọng... xây dựng và cải thiện trên lãnh thổ hải quan duy nhất được quy định trong Hiệp định rút khỏi Liên minh nhằm giảm nhu cầu kiểm tra về quy tắc xuất xứ”.

Thứ năm, về hải quan, EU và Anh muốn có một “thỏa thuận hải quan tham vọng”, “tiến tới sử dụng tất cả các thỏa thuận và công nghệ thuận lợi có sẵn”, và sẵn sàng xem xét “công nhận lẫn nhau các chương trình thương nhân đáng tin cậy, hợp tác hành chính trong các vấn đề hải quan và hỗ trợ lẫn nhau, bao gồm cả việc thu hồi các khiếu nại liên quan đến thuế và thuế quan”.

Thứ sáu, về vấn đề Bắc Ailen, các bên nhắc lại quyết tâm để thay thế giải pháp “lưới an ninh” đối với Bắc Ailen bằng một thỏa thuận sau đó thiết lập các thỏa thuận thay thế để bảo đảm sự vắng mặt của một biên giới cứng trên đảo Ailen trên nền tảng lâu dài vĩnh viễn”. “Các thỏa thuận và công nghệ thuận lợi cũng sẽ được xem xét trong việc xây dựng bất kỳ thỏa thuận thay thế nào nhằm bảo đảm sự vắng mặt của một biên giới cứng trên đảo Ailen trên nền tảng lâu dài vĩnh viễn”.

Thứ bảy, về dịch vụ, EU và Anh cố gắng đạt được “các thỏa thuận tham vọng, toàn diện và cân bằng về thương mại dịch vụ và đầu tư vào dịch vụ và các ngành phi dịch vụ”. “Hướng tới mục tiêu thực hiện một mức độ tự do hóa trong thương mại dịch vụ vượt xa các cam kết WTO của các bên và dựa vào các hiệp định thương mại tự do gần đây của Liên minh”. Mối quan hệ mới của EU và Anh sẽ “bao gồm các lĩnh vực như dịch vụ chuyên nghiệp và kinh doanh, dịch vụ viễn thông, chuyển phát nhanh và bưu chính, dịch vụ phân phối, dịch vụ môi trường, dịch vụ tài chính, dịch vụ vận tải và các dịch vụ khác”.

Thứ tám, về dịch vụ tài chính, EU và Anh muốn bảo vệ sự ổn định tài chính và sẽ cố gắng kết thúc các đánh giá liên quan “trước khi kết thúc tháng 6/2020”.

Thứ chín, về thủy sản, hiệp định mới giữa Anh và EU về thủy sản sẽ tạo thành một phần của mối quan hệ tổng thể giữa hai bên. Các bên hướng tới “hoàn tất và phê chuẩn hiệp định thủy sản mới vào ngày 01/7/2020”.

Thứ mười, về sân chơi bình đẳng, các điều khoản để bảo đảm điều này phải bao gồm hỗ trợ của nhà nước, cạnh tranh, tiêu chuẩn xã hội và việc làm, tiêu chuẩn môi trường, biến đổi khí hậu và các vấn đề thuế liên quan”.

Thứ mười một, về giai đoạn chuyển tiếp, EU và Anh sẽ thống nhất rằng giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit có thể được gia hạn một lần “trong tối đa một hoặc hai năm” và Anh sẽ phải đóng góp tài chính vào ngân sách của khối cho phù hợp.

Thứ mười hai, về các vấn đề khác, các bên muốn bảo đảm “kết nối hành khách và vận tải hàng không” và các quy định để cùng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ lẫn nhau. Các bên muốn dành quyền du lịch miễn thị thực (visa) trên cơ sở chung cho các chuyến đi ngắn.

Việt Dũng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tuyen-bo-anh-va-eu-hau-brexit-duoc-thong-nhat-o-cap-chinh-tri-112224.html