Tuyên án sai thẩm quyền, TAND huyện Bình Chánh bị kháng nghị hủy án

Nội dung kháng nghị nêu rõ TAND huyện Bình Chánh đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng khi tổng hợp các mức án để tuyên một bị cáo án tử hình.

Tòa huyện vượt quyền tuyên án tử hình

VKSND TP.HCM vừa kháng nghị hủy bản án hình sự sơ thẩm mà TAND huyện Bình Chánh đã tuyên trước đó đối với bị cáo Phạm Tuất Linh (SN 1991, quê tỉnh Vĩnh Long). Ngoài nội dung trên, quyết định kháng nghị của VKSND TP.HCM cũng yêu cầu sau khi hủy án, phải chuyển toàn bộ hồ sơ cũng như những vấn đề khác liên quan đến vụ án lên các cơ quan tố tụng TP.HCM để giải quyết theo đúng thẩm quyền.

Bản kháng nghị nêu, việc TAND huyện Bình Chánh xét xử đối với Phạm Tuất Linh là không đúng thẩm quyền, vi phạm tố tụng nghiêm trọng nên TAND TP.HCM đã phân công thẩm phán nghiên cứu hồ sơ.

Cụ thể, bị án Phạm Tuất Linh cùng 2 đồng phạm đã có hành vi giết chủ tàu kiêm tài công và một thuyền viên nấu bếp trên một tàu hàng ở tỉnh Kiên Giang, sau đó cướp tàu để bán dầu, rồi phá tàu cho chìm xuống biển để phi tang chứng cứ...

Bị cáo Phạm Tuất Linh (phải).

Với hành vi phạm tội này, Linh đã bị TAND tỉnh Kiên Giang tuyên xử tổng mức hình phạt tử hình về các tội Giết người, Cướp tài sản và Hủy hoại tài sản. Sau đó, Phạm Tuất Linh kháng cáo xin giảm án nhưng trong phiên xử hồi tháng 1/2018 TAND Cấp cao tại TP.HCM đã bác kháng cáo, tuyên y án tử hình.

Trước đó, trong quá trình điều tra vụ án trên, Phạm Tuất Linh còn khai nhận vào tháng 7/2013, hắn đã thực hiện hành vi trộm chiếc máy tính bảng trị giá 3,15 triệu đồng trong khu phòng trọ ở ấp 3, xã Phạm Văn Hai nên Linh bị VKSND huyện Bình Chánh truy tố tội Trộm cắp tài sản.

Ngày 23/4/2018, TAND huyện Bình Chánh (TP.HCM) đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Do Phạm Tuất Linh đang bị tạm giam tại trại tạm giam Công an tỉnh Kiên Giang không thể di lý đến TAND huyện Bình Chánh nên các cơ quan tố tụng xử vắng mặt đối với Linh.

HĐXX do thẩm phán Nguyễn Văn Quý - Phó Chánh án TAND huyện Bình Chánh làm chủ tọa. Đại diện VKSND thực hành quyền công tố tại tòa là ông Võ Gia Bình - Viện trưởng VKSND huyện Bình Chánh.

HĐXX tuyên phạt Phạm Tuất Linh 1 năm tù về tội Trộm cắp tài sản. Đồng thời, HĐXX sơ thẩm TAND huyện Bình Chánh còn “mạnh dạn” tổng hợp hình phạt tử hình mà TAND Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên trước đó, buộc Linh chấp hành hình phạt chung của 2 bản án là tử hình.

Bản án này của TAND huyện Bình Chánh được xác định là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng bởi đáng lẽ trong trường hợp này TAND huyện Bình Chánh phải báo cáo với TAND TP.HCM để TAND TP.HCM thống nhất với VKSND TP.HCM rút hồ sơ lên để truy tố, xét xử.

Hiểu đơn giản phạm sai lầm nghiêm trọng

Phân tích rõ hơn việc vi phạm tố tụng của TAND huyện Bình Chánh, luật sư Nguyễn Thị Tuyến – Giám đốc công ty Luật TNHH Khải Hưng, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho hay: Việc xét xử, tuyên án và tổng hợp các mức án để tuyên bị cáo Linh phải chịu chung hình phạt tử hình là vi phạm nghiêm trọng, được quy định tại khoản 2, Điều 1, Nghị quyết số 02/2010/NQ-HĐTP về việc bổ sung một số hướng dẫn Nghị quyết 02/2007 của hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.

Cụ thể, Nghị quyết trên quy định: “Trường hợp bị cáo bị truy tố về một hoặc một số tội thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện mà khi thụ lý vụ án xét thấy bị cáo đã bị tuyên chung thân hoặc tử hình tại một bản án khác và bản án đó đã có hiệu lực pháp luật thì TAND cấp huyện phải báo lên TAND cấp tỉnh để thống nhất với VKSND cấp tỉnh, rút hồ sơ vụ án lên để truy tố, xét xử ở cấp tỉnh”.

“Như vậy, trong trường hợp bị cáo Phạm Tuất Linh đã bị tuyên tử hình, bản án đã có hiệu lực pháp luật và bị cáo phạm một tội danh khác thì thẩm quyền truy tố, xét xử thuộc cấp tỉnh chứ không phải cấp huyện”, luật sư Tuyến cho hay.

Cùng nêu quan điểm về vụ việc, luật sư Nghiêm Quang Vinh - Giám đốc công ty Luật TNHH Nghiêm Quang, đoàn Luật sư Hà Nội cho hay: “Khi có bản án đã được thụ lý, TAND huyện Bình Chánh tuyên tiếp bản án nữa, thấy vượt quá thẩm quyền của mình thì phải báo cáo và đưa lên tòa cấp trên xử lý. Cách tuyên án và tổng hợp các mức án để tuyên bị cáo Linh phải chịu chung hình phạt tử hình của TAND huyện Bình Chánh thể hiện sự non yếu trong điều hành của HĐXX vì tuyên không đúng thẩm quyền”.

Luật sư Nghiêm Quang Vinh.

Theo luật sư Vinh, bản án tổng hợp phải được tuyên bỏ, xử lại và chuyển lên tòa cấp trên. Vị luật sư nhận định nguyên nhân dẫn đến việc vi phạm tố tụng này do Chánh án TAND huyện Bình Chánh đã không nắm rõ quy định mà vẫn phân phối, phân công cho HĐXX. Vì Chánh án TAND huyện mới có quyền quyết định thành lập HĐXX và cử thẩm phán để xử lý, mà thẩm phán không nắm rõ vấn đề nữa mà vẫn thụ lý nên mới vi phạm tố tụng.

“Vi phạm tố tụng thì phải sửa sai. Lỗi ở đây là hiểu nhầm thẩm quyền, không phải thẩm quyền của mình nhưng cứ nhận thành ra sai”, Giám đốc công ty Luật TNHH Nghiêm Quang nhấn mạnh.

Luật sư Vinh cho hay, bản thân bị cáo Phạm Tuất Linh trước sau cũng bị tuyên án tử hình vì khi tổng hợp hình phạt thì đã bị tuyên tử hình thì dù có thêm bao nhiêu tội nữa cũng chỉ tử hình chứ không thể xuống mức tù có thời hạn hoặc tù chung thân được.

Bản án không vi phạm tố tụng, không sai về nội dung

Theo thông tin trên tạp chí Tòa án Nhân dân, việc TAND huyện Bình Chánh xét xử bị cáo Phạm Tuất Linh về tội Trộm cắp tài sản mà bị cáo đã phạm trước khi có bản án tử hình, quyết định hình phạt hoàn toàn đúng thẩm quyền quy định tại khoản 1, Điều 268, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 và tổng hợp hình phạt tử hình của bản án trước là đúng quy định tại khoản 1, Điều 56, Bộ luật Hình sự 2015.

Bên cạnh đó, hướng dẫn tại tiểu mục 4.4 mục 4 của Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP đã được luật hóa thành quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (điểm o, khoản 1, Điều 4). Trong khi đó, Nghị quyết số 02/2010/NQ-HĐTP hướng dẫn về vấn đề tổng hợp hình phạt trong trường hợp cụ thể này lại không được luật hóa. Phải chăng các nhà làm luật có hàm ý mở rộng thẩm quyền tổng hợp hình phạt cho TAND cấp huyện trong bối cảnh cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của bộ Chính trị khóa IX về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, theo đó tăng thẩm quyền xét xử cho TAND cấp huyện?

Điểm o, khoản 1, Điều 4, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định: “o) Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là việc cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng hoặc làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án”.

Với các quy định của Bộ luật Hình sự 2015 và Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 về thẩm quyền xét xử và về tổng hợp hình phạt của nhiều bản án, có thể khẳng định TAND huyện Bình Chánh xét xử và tổng hợp hình phạt tử hình: Về tố tụng không vi phạm quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự; về nội dung không vi phạm quy định của Bộ luật Hình sự 2015, không xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của bị cáo hoặc làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án.

Công Thư - Việt Hương

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/tuyen-sai-tham-quyen-tand-huyen-binh-chanh-bi-khang-nghi-huy-an-a374336.html