Tùy tiện 'xài chùa'

Sự việc ca khúc Nhật ký của mẹ (nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung) được ê kíp bộ phim Quỳnh búp bê 'lấy xài bình thường', không một lời xin phép tiếp tục cho thấy thực trạng dễ dãi về câu chuyện bản quyền. Vụ việc này dù khép lại trong êm đẹp, nhưng tình trạng 'xài chùa' vẫn cứ là điệp khúc chưa hồi kết.

Trên trang cá nhân, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã viết những dòng bức xúc: “Mình rất vui khi bài hát của mình được nhớ tới và được sử dụng trong một bộ phim truyền hình đang được khán giả yêu mến ở một phân đoạn rất cảm xúc! Mình xin cảm ơn ê kíp làm phim. Nhưng chuyện nào ra chuyện đó. Vui là về cảm xúc, còn chuyện luật là phải rõ ràng. Giá như trước khi dùng, có ai đó đại diện gọi cho mình một tiếng để thông báo thì mình sẽ vui vẻ đồng ý và sẽ lấy tác quyền tượng trưng...”. Khi phát hiện ra sự việc, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng rất thẳng thắn rằng anh không kiện và nhờ Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả đề nghị nhà sản xuất phim Quỳnh búp bê thực thi quyền tác giả.

Sự việc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung vốn là câu chuyện không hề mới. Với Quỳnh búp bê, bộ phim đang lên sóng trên giờ vàng VTV, đang nhận được rất nhiều quan tâm của khán giả nên việc bị phát hiện “xài chùa” dường như dễ dàng và nhanh hơn. Nhưng thử hỏi, với nhiều bộ phim truyền hình đã và đang lên sóng, liệu việc sử dụng ca khúc của các nhạc sĩ có được xin phép thực chất hay không? Trong trường hợp này, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã có ứng xử văn minh khi anh để đơn vị mình ủy thác là Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả giải quyết mà không lên tiếng kiện tụng. Sự việc cũng nhanh chóng có được sự đồng thuận khi đôi bên lắng nghe, biết nhận sai và sửa sai.

Nhìn rộng ra, tình trạng vi phạm bản quyền đang là vấn đề nhức nhối trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật tại Việt Nam. Nếu trong điện ảnh, những sự việc phim bị quay lậu, phát tán, livestream trên facebook diễn ra tràn lan, khó kiểm soát thì trong âm nhạc, thời gian qua, câu chuyện vi phạm bản quyền của ca sĩ và giới làm nhạc đã không còn nằm trong biên giới lãnh thổ Việt Nam.

Mới đây nhất, ca sĩ Noo Phước Thịnh bị nhạc sĩ Zack Hemsey kiện vi phạm bản quyền bởi MV ca khúc Chạm khẽ tim anh đã cắt xén, sử dụng tác phẩm The Way và hoàn toàn không có sự cho phép của nhạc sĩ. Zack Hemsey đã đệ đơn kiện đến Tòa án nhân dân TPHCM, yêu cầu bồi thường số tiền 850 triệu đồng cùng việc ca sĩ Noo Phước Thịnh phải xin lỗi trên các phương tiện truyền thông đại chúng ở Việt Nam với những điều khoản rõ ràng. Hiện vụ việc vẫn đang trong quá trình giải quyết. Về phần mình, Noo Phước Thịnh cho biết anh không trốn tránh và luôn chịu trách nhiệm với những gì mình đã làm.

Trên thực tế, trong những vụ kiện về bản quyền, nhất là với các đơn vị nước ngoài, không có chỗ cho từ “trốn tránh”. Trong MV Sống xa anh chẳng dễ dàng, vì dùng 2 bản hòa âm của nhà soạn nhạc trẻ Ivan Torrent không xin phép, ca sĩ Bảo Anh đã phải công khai xin lỗi và chịu nộp phạt 100 triệu đồng. Ngoài ra, ê kíp ca sĩ Bảo Anh phải dẫn nguồn tên nhà soạn nhạc ở phần chú thích bên dưới để có thể giữ lại MV này trên YouTube. Đối với nhiều sản phẩm âm nhạc của ca sĩ trong nước, sau khi vi phạm bản quyền, tác quyền, một hậu quả dễ thấy nhất là các ca sĩ phải gỡ MV của mình khỏi YouTube. Mỹ Tâm với Anh thì không, Min với Có em chờ, Erik với Ghen... từng rơi vào tình trạng này. Noo Phước Thịnh cũng đã phải xóa MV Chạm khẽ tim anh - đã đạt 30 triệu lượt xem sau khi bị phát hiện vi phạm.

Một câu hỏi đặt ra, dù đã có hàng loạt vụ vi phạm liên quan đến bản quyền nhưng không hiểu một bộ phận nghệ sĩ Việt do không biết hoặc cố tình không hiểu nên tình trạng này vẫn cứ tiếp diễn, thậm chí vi phạm không chỉ một lần. Khi bị phát giác, không phải vụ việc nào cũng có thể giải quyết theo kiểu “hòa cả làng”. Ngoài những thiệt hại: MV bị xóa, phải bồi thường về thiệt hại về kinh tế, công khai xin lỗi..., danh tiếng của bản thân người nghệ sĩ cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Và điều này, không thể đong đếm bằng tiền.

Cần chấm dứt sự tùy tiện, nghiệp dư trong việc sử dụng các tác phẩm âm nhạc trên phim, trong các MV... Nghệ sĩ Việt Nam khi đã chấp nhận tham gia thị trường mở toàn cầu cũng cần trang bị cho mình đầy đủ những kiến thức cơ bản về bản quyền. Đó là công cụ trước hết để bảo vệ mình cũng như các sản phẩm âm nhạc và điều quan trọng không kém là để không đi vào vết xe đổ của những vụ việc tương tự. Không thể cứ “vô tư” vi phạm, khi bị phát giác, bị kiện mới khắc phục hậu quả; còn khi không ai phát hiện ra thì tỉnh queo “cầm nhầm”. Đừng để hình ảnh của cả một thế hệ nghệ sĩ mới - trẻ, bị méo mó trong mắt đồng nghiệp, khán giả trong nước và quốc tế, chỉ vì sự tùy tiện.

HẢI DUY

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tuy-tien-xai-chua-555349.html