Tùy tiện áp đặt giá đền bù thiếu minh bạch, dân phản ứng

Chưa công bố phương án tái định cư nhưng chính quyền TP Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên) lại thúc ép người dân nhận tiền đền bù với mức giá bị cho là quá thấp tại dự án cầu Hưng Hà. Họ cũng bức xúc vì đất được giao cho dân với thời hạn 50 năm, nay lại quy là đất công ích...

Thiếu minh bạch

Năm 2015, dự án cầu Hưng Hà kết nối hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình được khởi công. Quá trình giải phóng mặt bằng, hàng trăm hộ dân tại 3 xã Tân Hưng, Phương Chiểu và Hồng Nam thuộc TP Hưng Yên rất bức xúc vì thông tin đền bù nhà cửa, vườn nhãn đặc sản của người dân thiếu minh bạch.

Chính quyền đổ lỗi cho dân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất

Ông Nguyễn Thành Đồng, trú tại xã Tân Hưng cho biết, năm 1995, gia đình ông cùng nhiều hộ dân khác đã trúng thầu khu đầm lầy hoang hóa thời hạn 50 năm. Sau đó, các hộ đã đầu tư nhiều tiền của, công sức để vượt lập đất phát triển kinh tế, trồng nhãn đặc sản, mỗi năm cho thu nhập 400 triệu đồng.

Tuy nhiên, Ban GPMB TP Hưng Yên lại ghi là đất công ích và chỉ hỗ trợ 52.000 đồng/m2, cây cối trên đất chỉ được hỗ trợ 50%, nhiều cây đang cho thu hoạch như cau, nhãn, ổi… được cho vào diện trồng vượt mật độ không được bồi thường. Đối với nhà ở chỉ được bồi thường 30% giá trị.

Trước đó, tại biên bản giao thầu của UBND xã Tân Hưng ngày 3/6/1995 đã ghi rõ: Các hộ dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được nhà nước bảo vệ khi quyền lợi chính đáng bị người khác xâm hại. Được quyền thừa kế, thế chấp theo chính sách của nhà nước và phải nộp thuế theo quy định.

Khi người dân cung cấp các tài liệu có cơ sở pháp lý, UBND TP Hưng Yên lại "quy kết" cho các hộ dân là tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Từ nhận định chủ quan đó, dẫn đến việc áp giá đền bù bị sai lệch, không phản ánh đúng công sức, tài sản mà họ đã cất công tạo dựng từ năm 1995 đến nay.

Các hộ dân bức xúc

Cũng theo ông Đồng, ngoài chuyện “hô biến” công sức tạo dựng của dân thành đất “công ích” của xã, khi giải phóng mặt bằng dự án cầu Hưng Hà, chính quyền TP Hưng Yên không có phương án tái định cư, ổn định cuộc sống khi thu hồi đất và không có kinh phí hỗ trợ việc làm.

Tùy tiện áp đặt giá đền bù

Theo ông Nguyễn Ngọc Thuyên, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên, tại cuộc họp giao ban ngày 22/8/2016 giữa UBND tỉnh Hưng Yên với các sở, ban, ngành liên quan và UBND TP Hưng Yên, ông Nguyễn Văn Phóng, Chủ tịch UBND tỉnh đã có kết luận.

Theo đó, đất của hộ gia đình, cá nhân thầu công ích (đầm) do UBND xã Tân Hưng quản lý, chỉ hỗ trợ bằng mức bồi thường đối với công trình, vật kiến trúc, nhà tạm không phải để ở với diện tích sàn thấp hơn hoặc bằng 25m2; phần diện tích lớn hơn 25m2 hỗ trợ 30% theo đơn giá.

Về chi phí đầu tư vào đất, hỗ trợ theo công thức (chi phí vượt lập và các chi phí khác với thời gian 30 năm còn lại): 200.000đ x 30 (năm)/50 (năm) = 120.000 đồng/m2.

Ông Phóng cũng cho phép UBND xã Tân Hưng được sử dụng phần kinh phí hỗ trợ khi thu hồi đất công ích (66.000 đ/m2) để hỗ trợ các hộ gia đình đã ký hợp đồng thầu đầm với UBND xã, nay phải thanh lý hợp đồng, biên bản thầu (phương án tính: sử dụng phương pháp quy đổi ra thóc làm cơ sở tính toán).

Trao đổi với PV, luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng luật sư Trương Anh Tú (Hà Nội) cho rằng, đất công ích của UBND xã Tân Hưng giao khoán cho các hộ dân qua đấu thầu công khai tại UBND xã ngày 3/6/1995 sẽ áp dụng theo quy định của Luật Đất đai 1993. Việc ký hợp đồng thuê đất thời hạn là 50 năm đã được xác lập, cần phải được tôn trọng.

Luật sư Trương Anh Tú

Do vậy, việc các hộ dân đầu tư nhiều công sức, tiền bạc suốt hơn 20 năm qua để tạo lập đất, phát triển vườn nhãn đặc sản... là việc làm chính đáng, được pháp luật bảo hộ, rất đáng được tuyên dương.

Dự án cầu Hưng Hà được xây dựng là nằm ngoài tính toán của chính quyền và các hộ dân khi thuê thầu đất. Vì thế, khi nhà nước tiến hành thu hồi thì phải đền bù thỏa đáng cho nhân dân, mức bồi thường 100% giá trị.

Việc UBND TP Hưng Yên "quy kết" cho các hộ gia đình tự ý chuyển mục đích sử dụng đất từ đất đầm sang đất ở, xây dựng công trình trên đất và sử dụng 20 năm từ thời điểm được giao thầu vi phạm Luật Đất đai là không thỏa đáng, áp đặt. Thực tế, đất đã được giao cho dân để họ vượt lập, đầu tư sản xuất với thời hạn 50 năm là rất rõ ràng, nay chính quyền TP Hưng Yên lại quy là đất công ích để "nhập nhèm" đền bù là việc làm thiếu minh bạch, tùy tiện - luật sư Tú nhấn mạnh.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/tuy-tien-ap-dat-gia-den-bu-thieu-minh-bach-dan-phan-ung-post176511.html