Tuy Phước (Bình Định): Những mỏ đá, trạm nhựa 'hành' dân

Đó là các mỏ đá, trạm trộn nhựa đường nằm dọc núi Sơn Triều (thôn Phú Mỹ 2, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) thuộc Công ty CP Vật liệu xây dựng Mỹ Quang, Công ty TNHH Xây dựng Thuận Đức, Công ty CP Ðầu tư và Kinh doanh vật liệu xây dựng Fico, Công ty TNHH Minh Đạt và Công ty TNHH Nhật Minh.

Điều đáng nói, hoạt động khai thác, chế biến đá xây dựng; trạm trộn nhựa đường thương phẩm của nhiều doanh nghiệp (DN) này đang phát sinh ô nhiễm, gây ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống dân sinh của người dân. Thế nhưng, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng có liên quan thiếu giám sát, “bỏ lơ” kiểm tra khiến người dân vô cùng bức xúc.

Mỏ đá “vua” xả khói bụi “hành” dân

Theo người dân, kể từ ngày các mỏ đá đi vào hoạt động họ phải gồng mình gánh chịu những “cơn mưa” bụi phát ra mù mịt trong quá trình khai thác, chế biến đá; đặc biệt là các khu sản xuất, chế biến đá của Công ty CP Ðầu tư và Kinh doanh vật liệu xây dựng Fico và Công ty CP Vật liệu xây dựng Mỹ Quang. Đáng lo, hoạt động khai thác mỏ ở đây đã và đang phá vỡ cảnh quan môi trường; cây cối, nhà cửa bị bụi bao phủ; cuộc sống người dân rơi vào cảnh “đi chẳng được, ở cũng chẳng xong”

Hoạt động khai thác, chế biến đá của Công ty CP Vật liệu xây dựng Mỹ Quang phát tán bụi bặm, tạo rung chấn trong quá trình nổ mìn phá đá

Hoạt động khai thác, chế biến đá của Công ty CP Vật liệu xây dựng Mỹ Quang phát tán bụi bặm, tạo rung chấn trong quá trình nổ mìn phá đá

Ông Trần Văn Tài, một hộ dân ở xóm miễu Tây, thôn Phú Mỹ 2, bức xúc nói: “Các DN khai thác, chế biến đá trên núi Sơn Triều thời gian qua hoạt động bất kể giờ giấc. Từ sáng sớm đến tối mịt lúc nào cũng nghe tiếng máy nghiền đá hoạt động. Bụi bặm, tiếng ồn bủa vây khiến người dân chịu không nổi. Nhà cửa, vật dụng trong nhà luôn bám dính bụi dù quét dọn, lau chùi thường xuyên. DN làm ăn như vậy dân nào chịu nổi”.

Người dân ở đây cho biết thêm, hoạt động khai thác, chế biến đá kể trên còn làm ảnh hưởng tới việc chăn nuôi, sản xuất. Cây cối dần chết khô bởi bụi đá đóng dày, nguồn thức ăn cho bò, dê bị thu hẹp dần. Nhiều người ngậm ngùi bán đổ, bán tháo đàn gia súc. “Quá trình xay nghiền đá, DN không phun nước để giảm bụi. Thậm chí, DN còn lén lút hoạt động về đêm, thả sức xả khói bụi ra môi trường. Bà con kiến nghị chính quyền nhiều lần rồi, nhưng chưa được quan tâm, giải quyết dứt điểm”, ông S. nói.

Ngoài nỗi khổ khói bụi, nhiều tháng nay, hàng trăm hộ dân ở thôn Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 2, xã Phước Lộc còn phải hứng chịu những đợt rung chấn, vang rền trời từ việc nổ mìn phá đá. Đáng lo là việc nổ mìn với công suất lớn của các DN, đặc biệt là Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Mỹ Quang, đã làm nhiều nhà dân trong khu vực bị nứt, đứng trước nguy cơ bị đổ sập. Chưa hết, hoạt động trộn nhựa đường của 2 trạm trộn đặt trong khuôn viên Công ty CP 504 là Công ty TNHH Minh Đạt và Công ty TNHH Nhật Minh hợp cũng khiến hơn 200 hộ dân sinh sống ở 2 thôn Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 2 rơi vào cảnh “no bụi, đói oxy”.

Ông Phan Văn Trọng, một hộ dân ở địa phương, bức xúc: “Mỗi khi trạm trộn này hoạt động, một lượng khói lớn có mùi khét lan ra môi trường. Có thời điểm, đang giờ ăn cơm, không chỉ gia đình tôi mà nhiều người dân quanh đây cũng hít phải mùi khét, muốn nôn. Mấy đứa nhỏ có khi không nuốt nổi cơm, la khóc vì mùi khét xộc vào mũi, vào miệng. Thậm chí, nhiều lúc khói, bụi quá, chúng tôi kéo lên tận trạm phản đối. Quản lý trạm có hứa khắc phục, nhưng chúng tôi vừa về tới nhà là đâu lại vào đấy”.

“Điệp khúc” tiếp nhận, hứa kiểm tra?

Người dân địa phương “kêu cứu” vì môi trường sống bị ô nhiễm; chính quyền địa phương, lẫn cơ quan chức năng lại chậm vào cuộc kiểm tra, xử lý. Thậm chí, trao đổi với cơ quan báo chí, bà Nguyễn Thị Bích Phượng, Trưởng Phòng TN&MT huyện Tuy Phước, cho biết chưa nghe ai phản ánh về tình trạng này. “Cách đây vài năm, tại các đợt tiếp xúc cử tri thì cũng có nghe dân phàn nàn; tuy nhiên, gần đây thì không nghe ai ý kiến gì. Song, với góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, tôi tiếp thu, ghi nhận ý kiến phản ánh của cơ quan báo chí và sẽ cử bộ phận chuyên môn kiểm tra thực tế. Cái khó lúc này, huyện Tuy Phước không có thiết bị quan trắc để đánh giá cụ thể các chỉ số môi trường, vấn đề này, Phòng sẽ có báo cáo cho huyện để kiến nghị Sở TN&MT phối hợp kiểm tra, xử lý”, bà Phượng nói.

Trạm trộn nhựa đường của Công ty TNHH Nhật Minh phát tán khói bụi, bao phủ khu dân cư xóm miễu Tây, thôn Phú Mỹ 2, xã Phước Lộc

Còn đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Bình Định, cho hay: Trước đây, Đoàn Kiểm tra công tác của tỉnh, trong đó có sự tham gia của đơn vị đã về kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác, chế biến đá của Công ty TNHH Xây dựng Thuận Đức, Công ty CP Ðầu tư và Kinh doanh vật liệu xây dựng Fico, Công ty CP Vật liệu xây dựng Mỹ Quang hay hoạt động từ trạm trộn nhựa đường của Công ty TNHH Minh Đạt và phát hiện nhiều tồn tại trong khâu xử lý môi trường; đồng thời có văn bản tham mưu Giám đốc Sở TN&MT đề nghị xử phạt hành chính và yêu cầu khắc phục.

Về vấn đề này, ông Huỳnh Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Định, hứa sẽ cử Tổ công tác về kiểm tra ý kiến phản ánh của nhân dân về tình trạng ô nhiễm môi trường trong quá trình khai thác, chế biến đá; trộn nhựa đường của các DN. “Qua kiểm tra, chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý, chấn chỉnh nếu phát hiện DN vi phạm”, ông Huỳnh Quang Vinh cam kết.

Như Quỳnh

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/ban-doc/tuy-phuoc-binh-dinh-nhung-mo-da-tram-nhua-hanh-dan-1256883.html