Tuy Hòa ơi, đừng vội!

Tôi thiếu điều nhoài người ra cửa sổ xe để nhìn rõ dòng chữ sơn trên chiếc xe chở khách du lịch ở Tuy Hòa. Dòng chữ 'Xứ sở hoa vàng trên cỏ xanh'.

Một góc Tuy Hòa - 'xứ sở hoa vàng trên cỏ xanh' - Ảnh: TUY AN

Về đến phòng ở một khách sạn lớn tại trung tâm thành phố, tôi nhìn thấy trên kệ tủ trong phòng dựng sẵn cuốn truyện Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh như một niềm tự hào nho nhỏ mà người Tuy Hòa muốn đem khoe với khách. Tuy Hòa còn cả quán cà phê mang tên “Hoa vàng cỏ xanh”.

Cái khung cảnh hoa vàng cỏ xanh mát dịu vốn chỉ là một cảnh quê quen thuộc được nhắc đến trong truyện của Nguyễn Nhật Ánh, được tái hiện trên thước phim tài ba của Victor Vũ, bỗng dưng trở nên gợi cảm trong tâm trí đã quá mệt mỏi với những khối bê tông dày đặc của những người đô thị. Vậy nên mấy ngày sau đó tôi cũng loay hoay với chút cảm xúc về khung cảnh nền nã chân quê xứ Nam Trung bộ này.

Tuy Hòa vẫn đang còn giữ được cái khung cảnh của một tỉnh lỵ nhỏ êm đềm ven biển miền Trung, với đời sống đô thị hóa chưa quá đỗi ồn ào, với quán xá mới bắt đầu chớm lên náo nhiệt nhưng chưa đủ để xô bồ lộn xộn. Một buổi sáng ngồi ở quán cà phê bên biển Tuy Hòa, đường cong bờ biển quyến rũ, bãi cát vàng còn óng ánh trinh nguyên vì chưa phải chịu cảnh lấm lem rác rưởi bởi tác động của quá tải du lịch, và chút vắng lặng bình yên. Tôi biết là sẽ rất khó để tìm kiếm lại những thứ giản dị tuyệt vời này nếu Tuy Hòa trở thành địa chỉ hấp dẫn của giới chuyên thổi phồng bong bóng đầu tư để sinh lợi.

Nhiều khu đất đã được chia lô. Những con đường nhựa bê tông được phóng sẵn như những nhát cắt bén ngọt vào quỹ đất ven biển, dự báo một kịch bản khai thác ven biển cho đô thị hóa và cho du lịch. Chắc chẳng còn bao lâu nữa, một “nàng công chúa ngủ trong rừng” nữa sẽ được đánh thức.

Chẳng có lý do gì mà một vùng đất nhiều tiềm năng như thế lại không được phép trở mình thức dậy để tham gia đường đua phát triển. Nhưng cũng chẳng thiếu lý do để mà âu lo, rằng xứ sở hoa vàng trên cỏ xanh có vì chạy theo những mục tiêu phát triển nhất thời mà bỏ quên việc giữ gìn những gì nền nã chân quê để phát triển bền vững.

Buổi sớm cà phê bên biển, tôi được nghe một lãnh đạo của tỉnh chia sẻ những bận tâm của ông ấy về việc làm sao để giữ gìn môi trường sạch đẹp cho bãi biển Tuy Hòa. Mà còn phải nghĩ thêm ra nữa, là giữ gìn cho Tuy Hòa một môi trường nhân văn chầm chậm sống để nhịp nhàng với cái khung cảnh nền nã chân quê hoa vàng cỏ xanh nữa.

Một Tuy Hòa biết chầm chậm sống, bình tĩnh phát triển để giữ cho người dân, cho du khách một nơi nhẹ nhõm không gì có thể thay thế ở ven biển Nam Trung bộ.

Sao cứ phải là ồn ào náo nhiệt, với đô thị hóa rầm rộ, với du khách xô bồ chen chúc? Chúng ta có nguy cơ rõ ràng ra đó rồi, một Đà Lạt lãng mạn sương mù và thông reo sẽ biến mất vĩnh viễn giữa mớ bê tông hỗn độn của tham vọng tầm thường trong quy hoạch đô thị.

Sao cứ phải là một đô thị nén cả đống nhà cao tầng bên bờ biển để chuốc về mớ bùi nhùi khói bụi và kẹt xe khiến phố biển Nha Trang trở nên vô hồn vô phách, chẳng còn gợi chút gì cảm xúc như trong câu hát ngày nào “Nha Trang ngày về, mình tôi trên bãi khuya, tôi đi tìm thương nhớ, tôi đi tìm cơn gió”.

Sao không phải là một Tuy Hòa phát triển với lựa chọn trở thành một điểm đến không gì thay thế được của yên bình, của hạnh phúc giản dị, và nhờ đó mà mãi quyến rũ lòng người như khung cảnh chân quê hoa vàng trên cỏ xanh trong phim trong truyện.

Huỳnh Văn Thông

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/tuy-hoa-oi-dung-voi-1073560.html