TÜV Rheinland cụ thể hóa cam kết mở rộng đầu tư tại Việt Nam

Sau khi phòng thử nghiệm dệt may được mở đúng 1 năm trước tại Công viên Phần mềm Quang Trung (TP.HCM), tuần qua, TÜV Rheinland Việt Nam, doanh nghiệp 100% vốn của Đức đã khai trương Phòng thử nghiệm tương thích điện tử (EMC) tại Khu công nghiệp Thăng Long II (Hưng Yên). Ông Frank Michael Juettner, Tổng giám đốc TÜV Rheinland Việt Nam cho biết, việc liên tiếp mở phòng thử nghiệm là minh chứng cho cam kết gia tăng đầu tư tại Việt Nam của TÜV Rheinland.

TÜV Rheinland hiện diện tại Việt Nam đã 15 năm, nhưng hơn 1 năm trở lại đây mới chứng kiến các động thái mở rộng đầu tư. Ông nói gì về điều này?

TÜV Rheinland Việt Nam được thành lập năm 2001, là nhà cung cấp các dịch vụ kiểm định độc lập, thuộc Tập đoàn TÜV Rheinland (Đức). Sở dĩ hoạt động mở rộng đầu tư được tiến hành dồn dập tại Việt Nam là do nhu cầu sử dụng dịch vụ thử nghiệm hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước lẫn khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam tăng mạnh trong trong mấy năm gần đây. Đó là lý do để các phòng cung cấp dịch vụ kiểm định chất lượng hàng hóa, các EMC ra đời.

Ông Frank Michael Juettner, Tổng giám đốc TÜV Rheinland Việt Nam

Ông Frank Michael Juettner, Tổng giám đốc TÜV Rheinland Việt Nam

Ông có thể cho biết tổng vốn đầu tư mà TÜV Rheinland đã đổ vào Việt Nam tính tới thời điểm này?

Tôi không tiết lộ con số cụ thể, nhưng nhìn vào sự phát triển của các phòng thí nghiệm, có thể khẳng định, vốn mà chúng tôi mang đến Việt Nam đang gia tăng, bởi chi phí đầu tư một phòng thử nghiệm cung cấp các dịch vụ là rất lớn.

Năm 2001, chúng tôi vào Việt Nam và mở Phòng thử nghiệm hóa, cơ lý và vi sinh cho sản phẩm tiêu dùng và thực phẩm tại Công viên Phần mềm Quang Trung. Tiếp đến là phòng thử nghiệm dệt may tại đây, cung cấp cho các nhà sản xuất Việt Nam dịch vụ trọn gói về thử nghiệm, nhằm đảm bảo an toàn và chất lượng cho sản phẩm. Và bây giờ là Phòng thử nghiệm EMC, chuyên cung cấp các dịch vụ thử nghiệm và chứng nhận theo những tiêu chuẩn quốc tế cập nhật nhất.

Tại sao TÜV Rheinland chọn KCN Thăng Long 2 (Hưng Yên) là địa điểm mở phòng thử nghiệm EMC, thưa ông?

Phòng thử nghiệm EMC được khai trương tại phía Bắc bởi khu vực này đang hiện diện nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện, điện tử… vốn có nhu cầu sử dụng dịch vụ của TÜV Rheinland rất lớn. Phòng thử nghiệm tương tích điện tử của TÜV Rheinland có tổng diện tích hơn 1.000 m2, chuyên cung cấp dịch vụ thử nghiệm phát nhiễu bức xạ, miễn nhiễm nhiễu và sóng vô tuyến cũng như giúp đánh giá sự phù hợp, tương thích điện tử cho nhiều thiết bị điện, điện tử khác nhau.

Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, khả năng tài chính có hạn. Thực tế này có khiến TÜV Rheinland e ngại?

Bạn sẽ nghĩ khác đi khi nhìn vào thực tế cơ cấu khách hàng của TÜV Rheinland, với gần 80% là doanh nghiệp Việt Nam, chỉ hơn 20% là doanh nghiệp FDI. Thực tế này cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam đang có sự thay đổi rất lớn về nhận thức và hoạt động ngày càng chuyên nghiệp hơn trong môi trường cạnh tranh ở phạm vi quốc tế. Khách hàng của chúng tôi có phản hồi tích cực với việc thành lập phòng thử nghiệm mới và chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng phòng thử nghiệm này thông qua việc tăng cường khả năng cung cấp dịch vụ, triển khai dịch vụ toàn diện để đến gần với khách hàng hơn nữa.

Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA)… Ông nhìn nhận thế nào về cơ hội tại thị trường tại Việt Nam và kế hoạch phát triển của TÜV Rheinland tại Việt Nam trong thời gian tới là gì?

Việt Nam đang là thị trường được chúng tôi ưu tiên mở rộng đầu tư, bởi Việt Nam đang hội nhập rộng hơn với thế giới thông qua sự góp mặt tại các FTA, điển hình là TPP, EVFTA. Môi trường kinh doanh cũng ngày càng cải thiện, giúp thu hút một lượng lớn vốn FDI của những công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc… Tất cả những điều này khiến TÜV Rheinland có nhiều triển vọng phát triển hơn, không chỉ thu hút khách hàng doanh nghiệp Việt Nam, mà còn có cả khách hàng đến từ các quốc gia lân cận.

Trong chiến lược toàn cầu của TÜV Rheinland giai đoạn 2016 - 2020, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng phòng thử nghiệm EMC và hướng tới đạt chứng nhận ISO 17025, phiên bản mới nhất về hệ thống quản lý chất lượng áp dụng chuyên biệt cho phòng thử nghiệm và hiệu chuẩn, do Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) ban hành.

Hải Yến

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tv-rheinland-cu-the-hoa-cam-ket-mo-rong-dau-tu-tai-viet-nam-d40332.html