Tựu trường mùa chiến tranh

Năm học mới đã đến, trẻ em trên toàn thế giới đều háo hức trở lại trường học. Thế nhưng với hàng triệu học sinh ở những nơi đang có chiến tranh, xung đột hay sống tị nạn, năm học mới không có nghĩa là quần áo xúng xính, sách vở và những môn học mới.

Chiến tranh, bạo lực đem lại biết bao đau khổ. Nó không chỉ cướp đi cuộc sống yên bình của người dân mà còn cả một tương lai sáng lạn của trẻ em. Sống trong vùng chiến, trẻ em luôn là những người chịu thiệt thòi nhất. Từ việc mất đi nhà cửa, người thân, mất đi tuổi thơ, những chỗ để chơi đùa, trẻ em vùng chiến còn bị tước đi một trong những quyền cơ bản nhất của con người: quyền được đi học.

Theo một báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), hiện trên thế giới có khoảng 17 triệu trẻ em trong độ tuổi đi học tại các quốc gia chịu ảnh hưởng bởi chiến tranh, xung đột đang phải sống với hoàn cảnh khó khăn và phải đi tị nạn. Hầu hết những đứa trẻ đó không có cơ hội được đến trường. Đối với số ít còn lại, được đi học nhưng bị nhồi trong một lớp học thiếu thốn cơ sở vật chất, sĩ số lên tới 70 em và được dạy bởi các giáo viên tuy giàu tình thương nhưng lại thiếu kỹ năng sư phạm. Cũng theo báo cáo này, trẻ em gái có nguy cơ không được đi học cao gấp đôi so với các bạn trai.

Cuối tháng 8/2018, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi cảnh báo việc trẻ em tị nạn không được đến trường đang ngày càng theo chiều hướng xấu. Theo UNHCR, 61% trẻ em tại các vùng bị ảnh hưởng bởi chiến tranh được đi học cấp một, quá thấp so với tỉ lệ 92% trên toàn thế giới. Con số này giảm mạnh ở độ tuổi lớn hơn, chỉ 23% trẻ tị nạn được tiếp cận giáo dục trung học cơ sở. “Trường học là nơi đầu tiên trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm mà trẻ tị nạn tìm thấy sự bình thường trong cuộc sống”, ông Grandi cho biết thêm.

Trẻ em tị nạn người Burundi đi học trong một lớp học dưới bóng cây, tại Trại Tị nạn Nduta, phía tây Tanzania. (Nguồn: UNHCR)

Yemen

Theo UNICEF, hệ thống giáo dục của Yemen đang trên bờ vực sụp đổ. Cuộc nội chiến khiến gần 2 triệu trẻ em không thể đến trường và rất nhiều giáo viên không được trả lương trong hơn một năm. Ngoài ra, hơn 1.200 trường học đã bị hư hại hoặc phá hủy trong cuộc xung đột và nhiều ngôi trường khác được sử dụng làm nơi trú ẩn hoặc bị chiếm làm căn cứ của các nhóm vũ trang.

Meritxell Relanõ, Đại diện UNICEF ở Yemen cho biết: “Toàn bộ thế hệ trẻ em ở Yemen phải đối mặt với một tương lai ảm đạm vì bị giới hạn hoặc không tiếp cận được với giáo dục. Ngay cả những học sinh được đi học cũng không nhận được nền giáo dục chất lượng mà các em cần.”

Jordan

Cuộc nội chiến tại Syria đã làm dấy lên những lo ngại về một “thế hệ đã mất” - một thuật ngữ dùng để chỉ thế hệ những người sinh ra và lớn lên trong chiến tranh và bị bỏ lỡ nhiều năm học hành và cơ hội để phát triển bản thân, chuẩn bị cho sự nghiệp.

Jordan hiện nay là nơi tị nạn dành cho hơn 650.000 người Syria, trong đó có khoảng 335.000 trẻ em, đang sống trong tình trạng cực kỳ khó khăn, thiếu thốn đủ thứ. Theo Liên hợp quốc, trẻ em bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc xung đột ở Syria và tiếp tục phải trả một mức giá cực kỳ cao", với tình trạng nhiều người tị nạn không thể tiếp tục được đi học. Ngoài ra, Liên hợp quốc cũng cho biết quỹ hỗ trợ cho người tị nạn ở đây luôn trong tình trạng thiếu trầm trọng.

Nigeria

Bạo lực tại Nigeria gây ra bởi nhóm vũ trang Boko Haram trong suốt thời gian qua đã gây sự sợ hãi cho nhiều người dân. Có khoảng hơn 1,8 triệu người Nigeria đã phải đi tị nạn, trong đó có hơn 1 triệu trẻ em. Trẻ em luôn nằm trong tầm ngắm và bị lợi dụng bởi nhóm vũ trang này.

Fatima Ali, một bé gái 15 tuổi hiện đang sống tại một trại tị nạn tại Nigeria, đã may mắn thoát được sự truy bắt của Boko Haram khi chúng tới ngôi làng của em. Fatima đã sống ở trại tị nạn này được hai năm, và cô bé được đi học đầy đủ tại đây. Fatima chia sẻ: “Trường học giúp chúng em điềm tĩnh và có cơ hội suy nghĩ về tương lai.”

Cộng hòa Dân chủ Congo

“Tình hình nhân đạo tại Cộng hòa Dân chủ Congo đã xấu đi đáng kể trong năm qua”, UNICEF cho biết. Với sự gia tăng xung đột bạo lực đã khiến nhiều gia đình phải rời bỏ quê hương và khiến họ không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế, trường học hoặc nước sạch.

Hàng trăm trường học đã bị tấn công, phá hủy hoặc chiếm đóng. Không những vậy, thay vì đi học, nhiều trẻ em bị bắt buộc gia nhập các nhóm vũ trang.

Không chỉ có thế, mới đây, dịch Ebola đã tái bùng phát tại đất nước châu Phi này và cướp đi sinh mạng của 90 người, có cả các học sinh. Đây cũng là một yếu tố nữa làm cho con đường đến trường của các em ở vùng chiến sự càng thêm lận đận.

Quang Đào

(theo BBC)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/tuu-truong-mua-chien-tranh-77885.html