Tửu nhục thăng thiên

Năm ấy cũng là năm Tuất, 1982, tôi được hầu rượu nhà thơ ở lớp tuổi thầy tôi, ông Hoàng Trung Thông. Những chức vụ văn nghệ mà Hoàng Trung Thông ngồi thì đạo mạo lắm. Ông còn là một nhà Trung Quốc học, dịch giả uyên thâm. Ấy vậy nhưng cả đời ông sống nghèo.

Tượng nhà thơ Phạm Tiến Duật. (Ảnh: thaibinhduong.vn).

Tượng nhà thơ Phạm Tiến Duật. (Ảnh: thaibinhduong.vn).

Một lần, sáng sớm tôi gặp Hoàng Trung Thông đi bộ trên phố Bà Triệu, tôi hỏi ông đi đâu thì ông bảo, đi uống. Mới bảnh mắt mà đã đi uống rượu là sự lạ. Ông nói: “Lâu rồi mình không được say. Uống rượu lúc ăn rồi thì mất nhiều tiền lắm mới say được. Hôm nay đi uống khi trong bụng không có gì”. Tôi nghe mà thấy xót. Rượu mà Hoàng Trung Thông nói là rượu quán, do một bà già khoảng tuổi 60 ở phố Bà Triệu tự nấu. Rượu gạo tẻ, nhưng không bị pha phách gì, lành. Đấy là một bà già từng trải, đã từng sống ở Thượng Hải. Thức nhắm chỉ có mấy thứ chả bì và lạc rang. Rồi đến một bữa, Hoàng Trung Thông đi với mấy cây bút trẻ, gương mặt thầy trò rất tưng bừng, Hoàng Trung Thông mới đi thăm Trung Quốc về. Gặp tôi, ông nói ngay về bài báo in trên Văn nghệ là nơi tôi làm biên tập: “Các cậu xỏ mình. Mình viết: Họ mang cúc đỏ cúc trắng đến tặng, thì các cậu in, họ mang khúc đỏ khúc trắng đến tặng. Khúc đỏ, khúc trắng tức là dồi và lòng lợn chứ gì. Khích thằng uống rượu thế là giỏi”. Tôi chỉ biết cười. Một nhà thơ vườn mở túi thịt cầy nướng, gói giấy báo, đặt lên bàn. Tiệc rượu bắt đầu. Tôi hỏi Hoàng Trung Thông một câu xã giao, thậm chí nhạt nhẽo, rằng ở Trung Quốc có gì lạ. Hoàng Trung Thông cười bảo tôi uống đi. Rồi ông kể, câu chuyện làm tôi giật mình.

- Buổi tối, tớ đi uống ở một ngõ nhỏ, ám khói của Thượng Hải. Cái quán cũ kỹ và cũng ám khói. Ông chủ quán râu tóc đều bạc cả. Góc nhà là một cái bếp lò. Trên bếp là một cái chảo gang to bằng cái bàn, đang ninh một thứ gì đó, hơi nước bốc lên nghi ngút. Tớ ngẫu hứng làm mấy câu thơ về cái bếp tặng ông chủ (Hoàng Trung Thông đọc lại bài thơ bằng chữ Hán rồi dịch nghĩa cho chúng tôi nghe, bây giờ tôi chỉ nhớ ý hai câu cuối: Khách đến lúc thưa, lúc đông, nhưng hầu hết là người quen. Tóc ông chủ lúc đen, lúc trắng, nhưng bếp lúc nào cũng đỏ). Ông chủ khoái mình quá, bảo đợi, ông sẽ cho xem báu vật của dòng họ. Ông ta trèo lên cái góc nhỏ, lần tìm rất lâu rồi mang ra một tờ giấy đã ố vàng. Đấy là bản di chúc của ông nội ông ta. Bản di chúc viết: “Họ hàng nhà ta có một cái bếp quý do các cụ tổ để lại. Đời ta đã không bao giờ để bếp tắt. Sau này, họ hàng ta có thể có người chết đi, có thể có người sinh thêm. Vạn vật có thể thay đổi, nhưng cái bếp ta giao lại không bao giờ được tắt lửa”.

Hoàng Trung Thông kể đến đó thì dừng. Tôi và bạn bè trố mắt nhìn ông vì quá ngạc nhiên về cái bản di chúc kỳ lạ mà có lẽ chỉ người Trung Hoa mới có. Hoàng Trung Thông nói tiếp, rằng ông chủ quán nói, qua bao loạn lạc, có lúc ngôi nhà đã tốc mái, nhưng cái bếp không tắt. Hoàng Trung Thông bảo, văn hóa Trung Hoa chính là cái bếp ấy. Nó có sự bảo thủ, nhưng cái khăng khăng nhất mực giữ gìn thì ta phải học. Ông nói rồi nhìn tôi và tủm tỉm cười. Ông cười nhưng lòng tôi se lại. Tôi hiểu những cô đơn, những trăn trở trong ông. Hoàng Trung Thông có hai người bạn tâm giao là Xuân Diệu và Hoàng Trung Nho. Ngày giỗ trọng của gia đình ông, tôi chỉ thấy hai người khách ấy. Xuân Diệu từng bảo tôi: Anh Thông rất trăn trở về cái nếp truyền thống bị phá vỡ. Câu chuyện về cái bếp Trung Hoa mà ông kể, ông bàn, chắc cũng để nhắc nhở chúng tôi. Tôi biết, trong lồng ngực Hoàng Trung Thông cũng có một cái bếp bền bỉ như vậy.

Có một dạo, tôi cư trú ở một ngôi nhà cũ đầu phố Nguyễn Thái Học về phía Cửa Nam, kề gần ngôi nhà tập thể của các nhà văn nghệ tiền bối: Nguyễn Phan Chánh, Đỗ Nhuận, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Mai Văn Hiến... Trong số các bậc thầy là hàng xóm của tôi, tôi được vinh dự ngồi với Nguyễn Sáng nhiều lần. Cái quán mà chúng tôi uống ở ngay gần ga Hàng Cỏ mới bây giờ. Đó là cái quán nghèo ở ngõ Ngô Sĩ Liên. Nếu lấy rượu ra để xét thì dân viết là hạng hai, dân vẽ là hạng nhất. Họa sĩ tài năng với hai màu vàng trắng đầy vua chúa là họa sĩ Dương Bích Liên đã ra đi bên cút rượu. Các cụ ngày trước, cụ nào cũng uống, mà xem ra các cụ họa sĩ trẻ bây giờ cũng thế. Có “cụ” mới tuổi 30 mà thấy đã lè nhè lắm rồi. Bao nghệ sĩ uống rượu, nhưng chỉ có họa sĩ Nguyễn Sáng là khác người. Ông thuộc lớp họa sĩ trưởng thành trong kháng chiến, kế tiếp thế hệ Tô Ngọc Vân. Bức tranh Kết nạp Đảng trên chiến hào vẽ người chiến sĩ Điện Biên Phủ, đầu bị thương buộc băng trắng, gương mặt cương quyết, ánh mắt chói ngời, thân hình bóp lùn khỏe mạnh và bao bức tranh khác của ông là các họa phẩm để đời. Lấy cái thô để tả cái tinh là một trong những thủ pháp nghệ thuật của ông. So với các họa sĩ cùng thế hệ, Nguyễn Sáng sớm hiện đại với các tìm tòi trên mảng màu và đặc biệt trên hình. Người ta bảo, rượu vào thì lời ra, với Nguyễn Sáng thì ngược lại. Tiêu chuẩn đầu tiên để được ngồi uống rượu với ông là phải biết câm. Anh nào bép xép về nghệ thuật, kể cả anh nhà giàu bỏ tiền bao, Nguyễn Sáng đuổi liền. Lẽ ra Nguyễn Sáng giàu có, nhưng ông sống nghèo là tại rượu. Ai tặng ông thứ gì, kể cả bạn bè hải ngoại gửi xe đạp, xe máy cho ông thì ông đều đổi thành rượu. Chỉ riêng cái tủ lạnh mà Hội Mỹ thuật Việt Nam tặng ông là ông dùng, để giữ đồ nhắm. Một học trò muốn được truyền nghề thì phải có một thời gian ban đầu là đi mua rượu hầu cho ông. Tiên học lễ, hậu học vẽ mà. Nguyễn Sáng uống rượu với gì? Với chính cái bóng của mình soi trên chén rượu phải không? Tôi nghĩ thế, hóa ra không phải. Một hôm không uống, trong căn phòng nhỏ của Nguyễn Sáng, ông không bàn về hội họa mà bàn về thơ. Ông mở một quyển sách tiếng Pháp ra và nói rằng, người Pháp cố lý giải về sự thiếu vắng tác phẩm lớn trong suốt một thế kỷ là thế kỷ XVIII. Ông nói với tôi rằng, ông uống rượu với các ý nghĩ rất là lung tung được xới lên từ các cuốn sách, mà lúc vẽ, ông phải quên đi. Thế thì gọi ông là tiên tửu là đúng rồi. Ông uống, ông nhắm, ông nhấm với cái bên trong mà chúng tôi chỉ biết uống với cái bên ngoài.

Trong số các nhà văn quý trọng sự uống rượu có cụ Nguyễn Tuân. Cụ chơi với rượu như chơi với phở. Nhấm rượu như nhấm đời vậy thôi. Chúng tôi là đám cây bút ranh con làm sao dám đánh đu với Nguyễn Tuân. May mà không bị cụ đuổi khéo lần nào. Về mặt phẩm chất, Nguyễn Tuân là một nhà thơ nhiều hơn là một nhà văn. Cụ là một nhà thơ và nhà báo, có nghề nghiệp của nhà điều tra viên cao cấp. Người đời cứ nghĩ cụ kiêu, nhưng không phải. Chẳng hạn như trường hợp Đỗ Chu khi ấy mới cho ra được dăm cái truyện ngắn nổi tiếng mà Nguyễn Tuân đã bỏ thì giờ thẩm từng câu văn của cậu lính trẻ pháo binh. Ngồi với cụ rất thú, học hỏi được nhiều, nhưng phải chịu lời mắng mỏ của cụ. Nguyễn Tuân mắng: “Thằng này không biết ăn phở. Người ta bỏ ra 10 đồng mua bát phở là bỏ ra 7 đồng để mua nóng, 3 đồng để mua phở. Ăn phở mà ăn chậm là không biết ăn”. Nguyễn Tuân mắng: “Cậu không biết nói chuyện. Nghe người ta kể, chuyện biết rồi cũng phải tỏ ra như người chưa biết mới là người biết nói chuyện”. Nguyễn Tuân mắng: “Chê ai thì chê, đừng chê thẳng thừng thằng có quyền. Phải chê cái thằng na ná như thằng có quyền nó mới tiếp thu được”... Lần ấy, tôi và nhà văn Đỗ Chu, ngẫu nhiên, ngồi với Nguyễn Tuân. Đỗ Chu hấp háy mắt, giơ cái cốc lên, tôi biết là thằng trạng ranh này sắp bịa chuyện. Đỗ Chu không chỉ “xiếc” bạn bè mà dám “xiếc” với cả các ông lớn. Đỗ Chu nói: “Bác nhìn, đáy cốc đỏ như có máu? Nhận xét ấy là đúng kênh của Nguyễn Tuân, nhưng cụ già không bị lừa. Nguyễn Tuân nói ngay sang việc khác. Cụ bảo:

- Nhìn và nói phải đúng cái của mình. Bọn phê bình đã bắt bẻ tớ về cách dùng từ “rúm rượu”. Ơ hay, khi ấy tớ ở Sibêri, nước đông thì rượu cũng đông. Rượu đã đông thì không thể ngụm một ngụm, tợp một tợp, mà chỉ có thể bốc một rúm. - Cụ cười khoái trá rồi nói tiếp: - Tớ mới ở Hoàng Liên Sơn về. Tớ có mang về một tảng rêu, cho vào hộp để tặng một nhà lý luận văn nghệ. Đó là một tảng rêu đỏ như máu chứ không phải rêu xanh. Để nếu tớ viết thì không bị mắng.

Cụ nói như vui chuyện mà nói, nhưng tôi và Đỗ Chu đều hiểu đấy là thông điệp chúng tôi nghe lúc đầu năm cho chúng tôi và cho xã hội. Phải cầu thị trước đời sống. Sự cầu thị cần cho đời và cần cho văn chương.

Cho đến tận bây giờ, khi các bậc thầy ấy đã không còn nữa, tôi vẫn trăn trở mãi, rằng hình như tâm hồn và suy nghĩ của các vị ấy lớn hơn nhiều so với những gì họ đã viết ra, vẽ ra...

Trường hợp nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thơ Văn Cao cũng vậy. Văn Cao có nhiều bạn rượu, nhưng những năm bảy mươi, tám mươi vừa qua, Văn Cao thường uống với họa sĩ Bùi Xuân Phái và họa sĩ đồ họa Lê Chính (từ hồi ở Việt Bắc đến chặng đường mấy chục năm sau, họa sĩ Lê Chính là họa sĩ chính của Tạp chí Văn nghệ và Báo Văn nghệ cho đến lúc nghỉ hưu. Nay cụ Lê Chính hơn 80 tuổi, nhưng cũng tạm gọi là khỏe mạnh). Phu nhân của nhạc sĩ Văn Cao là cụ Băng, hồi trẻ là một người đẹp lộng lẫy đầy quý phái, đến nay vẫn đẹp. Cụ Băng còn là người chăm sóc từng ly từng tí cho tài năng của Văn Cao. Bởi vậy, nói thật cụ rất dị ứng mỗi khi thấy họa sĩ Lê Chính xuất hiện. Lê Chính báo hiệu một cuộc rượu và nhiều khi báo hiệu một cuộc say. Thời ấy, ba người ấy có thể có tiền mua rượu, nhưng không phải lúc nào cũng đủ tiền mua đồ nhắm. Lương của cụ Lê Chính ba cọc ba đồng, còn Bùi Xuân Phái sống dựa vào cụ bà. Cụ bà Bùi Xuân Phái chạy chợ. Thằng lính ở trong rừng ra là tôi, còn trẻ và khỏe, chở Văn Cao đi chơi thì được cụ Băng tin cậy hơn chăng. Chỉ là xe đạp thôi, hồi bao cấp ấy, chúng tôi làm gì có xe máy. Đêm khuya về, nhạc sĩ Văn Cao ngồi sau chiếc xe Vĩnh cửu của tôi. Tôi đèo Văn Cao dọc phố Lý Thường Kiệt, nhằm hướng nhà cụ ở phố Yết Kiêu. Đến ngã tư Lý Thường Kiệt – Quang Trung thì Văn Cao tự ngã vì say như thể bao bì hàng tuột dây. Tôi quẳng xe đạp xuống đất, hốt hoảng đỡ cụ. Mấy anh Công an từ bên kia đường, chắc là ngỡ tôi hành hung hoặc cướp giật của cụ già, chạy sang, súng ống sẵn sàng. Chạy đến và họ hiểu ra. Chúng tôi toàn mùi rượu. Tác giả của Tiến quân ca đứng không vững. Không để tôi cảm ơn, mấy anh Công an bảo tôi chờ, họ chạy về đơn vị đóng gần đâu đó. Một lát sau, một chiếc môtô thùng chạy tới. Tôi nhớ anh Thượng úy Công an tên Hoàng, dáng cao đẹp. Anh nói: “Đây là tài sản quốc gia, tại sao các anh lại để đi đứng thế này? Để bọn tôi chở cụ về”. Lúc tôi đạp xe đến nhà cụ thì chiếc xe Công an đã đi rồi...

Có lần, tôi nói chuyện về sự rượu chè của văn nghệ sĩ với nhà văn Nguyễn Đình Thi. Tôi nói, có lẽ chả nên trách ai trong chuyện này vì rượu là văn hóa, rượu có thể giúp cho sự thăng hoa cho sự sáng tạo. Nguyễn Đình Thi cười, lắc đầu. Ông hỏi tôi: “Thăng hoa hay là thăng thiên?”. Đấy là ông khuyên can học trò. Vâng, tửu nhục thăng hoa và thăng thiên, nhưng các tài năng lớn thì mãi còn ở lại, ở lại lâu bền với nước, với dân.

Di cảo của nhà thơ Phạm Tiến Duật

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/tuu-nhuc-thang-thien-tintuc441520