Tưởng yên ổn hóa hỗn loạn

VH- Định hướng mới về việc nước Anh ra khỏi EU (Brexit) vừa được cả Chính phủ Anh nhất trí thông qua, thì hai thành viên nội các quan trọng nhất đối với việc thực hiện Brexit đã từ chức.

Đầu tiên là Bộ trưởng chuyên trách về Brexit David Davis và tiếp theo đó là Bộ trưởng Ngoại giao Boris Johnson. Cả hai người này đại diện cho định hướng “Brexit cứng rắn”, tức là nước Anh sau Brexit không còn ràng buộc và lệ thuộc gì nữa vào EU. Những gì vừa mới được Chính phủ Anh nhất trí thông qua lại là một dạng “Brexit mềm”, tức là cho dù không còn là thành viên của EU nữa, nước Anh vẫn tham gia một số thành quả liên kết của EU như liên minh thuế quan hay khu vực mậu dịch tự do. Sự đối nghịch của hai định hướng rất rõ rệt và cơ bản. Đằng sau đó còn là sự bất đồng quan điểm của hai người này với Thủ tướng Anh Theresa May, đồng thời cũng còn biểu hiện cuộc đấu tranh quyền lực quyết liệt giữa hai người này và bà May, giữa các phe cánh trong Chính phủ và trong Đảng Bảo thủ Anh đang cầm quyền.

Sau sự yên ổn ngắn ngủi trong Chính phủ Anh về vận hành tiến trình Brexit, là sự hỗn loạn chưa từng thấy trong Chính phủ của bà May. Dân Anh và EU tưởng đã có được định hướng rõ ràng của Chính phủ của bà May về Brexit - nó rồi đây có được EU chấp nhận hay không lại là chuyện khác - nhưng rồi gần như ngay sau đó lại buộc phải thấy định hướng ấy có thể bị đổ vỡ vào bất cứ lúc nào. Chính phủ Anh và EU không còn nhiều thời gian để hoàn tất quá trình đàm phán về Brexit như quy định trong luật lệ của EU. Chừng nào ở Anh vẫn còn hỗn loạn như hiện tại, thì chừng đó EU không thể xúc tiến đàm phán với phía Anh về Brexit. Không thể đàm phán khi không biết đàm phán với ai ở Anh và khi không biết phía Anh thực sự mong muốn gì. Vị thế quyền lực của bà May thêm suy yếu. Khủng hoảng Chính phủ ở Anh không thể loại trừ. Nhưng cả EU cũng rất khó khăn và khó xử.

LƯƠNG SAN

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/v%E1%BA%ADn-h224nh-th%E1%BB%AD-t224u-%C4%91i%E1%BB%87n-tuy%E1%BA%BFn-c225t-linh-h224-%C4%91244ng