Tướng Võ Sở và ký ức đón Tết bằng đại pháo 'chọc thủng' Trường Sơn

'Ở dốc Ba Thang của đại ngàn Trường Sơn, tôi được chứng kiến cảnh những người lính ngất nghểu trên những chiếc thang cao lênh khênh bằng 3 chiếc thang tre bình thường nối lại. Họ cột mình hàng giờ vào sườn núi đục đá tra bộc phá. Cứ liên tục tốp này đến tốp khác…', Thiếu tướng Võ Sở kể về ký ức mở đường Trường Sơn huyền thoại.

Thiếu tướng Võ Sở.

Thiếu tướng Võ Sở.

Năm nay đã bước sang tuổi 91 nhưng Thiếu tướng Võ Sở, nguyên Phó Tư lệnh – Chính ủy Binh đoàn Trường Sơn vẫn khỏe mạnh. Là Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, những ngày này ông đi lại như thoi để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 60 ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn.

Là người gắn với Trường Sơn nhiều năm, ông có nhiều câu chuyện kỷ niệm sâu sắc trên con đường huyền thoại này. Tướng Võ Sở quê Quảng Ngãi, ông là bộ đội tập kết ra Bắc. Năm 1964, ông bày tỏ nguyện vọng với cấp trên muốn vào Nam chiến đấu. Ngay sau đó, ông nhận quyết định vào làm Trưởng phòng tổ chức Đoàn 559 – Bộ đội Trường Sơn.

Bộ đội Trường Sơn làm đường (ảnh tư liệu của TTXVN).

Tướng Võ Sở kể, đến mùa hè năm 1965, ông thực sự là người lính Trường Sơn. Còn trước đó, trong vòng 6 năm, những người lính Trường Sơn đầu tiên do ông Võ Bẩm chỉ huy đã vượt qua muôn vàn khó khăn để “khai sơn, phá thạch” chọc thủng đại ngàn Trường Sơn.

Những người lính đi trước đã từng bước nghiên cứu, nắm bắt quy luật hoạt động, phá hoại của địch, nghiên cứu điều kiện tự nhiên, quy luật thời tiết cực kỳ khắc nghiệt ở Trường Sơn, mở một hệ thống giao liên gùi, thồ, kết hợp với đường ô tô dã chiến, đường sông, tính cả tây và đông Trường Sơn tổng chiều dài gần 2.000km, với hơn 750 km đường ô tô, 600 km đường gùi, thồ và 300 km đường sông…Tính đến cuối năm 1964, Đoàn 559 để chuyển giao cho chiến trường miền Nam gần 3.000 tấn vật chất, tổ chức đưa đón cho hơn 12.000 cán bộ, chiến sĩ vào tăng cường cho các chiến trường.

Đội Thanh niên xung phong tham gia làm đường 20 - Quyết Thắng (ảnh tư liệu).

Theo tướng Võ Sở, một trong những sự kiện mà ông ấn tượng sâu sắc nhất là việc mở đường 20, còn gọi là đường Quyết Thắng. Tuyến đường này được mở nhằm khắc phục độc đạo ở khu vực cửa khẩu, tránh những “túi nước” trên đường vận chuyển, làm phân tán, hạn chế sự đánh phá ác liệt của địch. Đây là trục vượt khẩu chủ yếu cho những năm sau.

Tuyến đường này có chiều dài 125 km, từ vĩ tuyến 17,6 độ bắc (khu vực Phong Nha - Quảng Bình) đến vĩ tuyến 17,2 độ bắc. Để có được dự án tổng thể này, Tướng Phan Trọng Tuệ, Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn đã chủ trì những cuộc họp quan trọng ngay từ đầu hè năm 1965 với đại diện Bộ GTVT, Bộ Tư lệnh 559, Ty Giao thông vận tải Quảng Bình (Ty nay gọi là Sở). Đơn vị thi công đường 20 – Quyết Thắng là Công trường 20, gồm Trung đoàn 10 công binh, 4 đội thanh niên xung phong của các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Nam Hà và hàng trăm cán bộ kỹ thuật của Bộ GTVT.

Xe vận tải vượt Trường Sơn (ảnh tư liệu).

Điểm từ Phong Nha đến Tà Dê dài 65 km là đoạn khó khăn nhất, bởi 2/3 quãng đường phải xuyên núi đá, nhiều dốc đèo rợn người như Cù Mẹ, Cù Con, U Bò, Ba Thang.

“Sáng mùng một Tết Bính Ngọ (1966) lễ khởi công đường 20 được tiến hành tại công trường 20. Ông Nguyễn Tường Lân, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh 559 phát lệnh nổ bộc phá đầu tiên mở đầu chiến dịch “chọc thủng” Trường Sơn. Bộ đội Trường Sơn cùng lực lượng thi công đón Tết Nguyên đán năm đó không bằng pháo đốt mà bằng những phát đại pháo, với lượng nổ hàng trăm kg TNT”, Thiếu tướng Võ Sở kể.

Có mặt trên công trường 20, tướng Võ Sở được chứng kiến không khí lao động quên mình, quên ngày tháng của những người lính, thanh niên xung phong, cán bộ kỹ thuật. Dường như có cuộc thi đua ngấm ngấm nhưng quyết liệt giữa công trường 20 và công trường phía tây (gọi 128).

“Ở dốc Ba Thang, tôi được chứng kiến cảnh những người lính ngất nghểu trên những chiếc thang cao lênh khênh bằng 3 chiếc thang tre bình thường nối lại. Họ cột mình hàng giờ vào sườn núi đục đá tra bộc phá. Cứ liên tục tốp này đến tốp khác. Loạt này phát hỏa xong lại tiếp loạt khác. Chỉ trong vòng nửa tháng, đơn vị đã dùng hết gần một nghìn lượng bộc phá với hơn 9 tấn thuốc nổ để hạ dốc Ba Thang. Hạ được “chốt” Ba Thang coi như thông đường 20”, Thiếu tướng Võ Sở kể.

Sau gần 2 tháng tập trung thi công cao độ, con đường 20 – Quyết Thắng, con đường của ý chí, quyết tâm, của bao máu, xương, mồ hôi, nước mắt những người lính Trường Sơn, thanh niên xung phong, công nhân giao thông đã cơ bản hoàn thành.

Bộ đội Trường Sơn đánh trả máy bay địch (ảnh tư liệu).

“Ngày Bộ Tư lệnh tổ chức nghiệm thu, chúng tôi đi dọc hơn 100 km đường rừng khá kín đáo. Đường chạy dưới 3 tán rừng già gần như nguyên sinh, khung cảnh thật kỳ vĩ. Nhưng cũng thật đau lòng, chỉ qua một mùa vận chuyển, địch phát hiện và đánh phá ác liệt. Tất cả lại hoàn nguyên đất đá. Con đường kín đáo đó lại nằm trơ trụi vì hàng vạn tấn bom đạn, chất khai quang…”, tướng Võ Sở xúc động nhớ lại.

Vị tướng già nói thêm, dù đường 20- Quyết Thắng bị đánh phá ác liệt nhưng chúng ta vẫn phải vận tải qua đó, tại các trọng điểm lực lượng ở Trường Sơn cho mở đường vòng, đường tránh nhằm tránh sự đánh phá của địch.

Đường Trường Sơn xuyên qua 21 tỉnh trên lãnh thổ 3 nước (Việt Nam –Lào và Campuchia), với tổng chiều dài 20.000 km đường ôtô, 600 km đường sông, 1.400 km đường ống dẫn xăng dầu, 1.500 km đường dây thông tin, 3.140 km “đường kín” cho xe chạy ban ngày và hàng ngàn cầu, cống, ngầm.
Trong 16 năm, chúng ta đã tổ chức vận chuyển qua đường Trường Sơn hơn 2 triệu quân vào, ra chiến trường, hàng triệu tấn vũ khí, lương thực, thực phẩm, đạn dược, xăng dầu chi viện cho miền Nam.

Các lực lượng công binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến Trường Sơn gồm khoảng 120.000 người.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, đường Trường Sơn đã hứng 4 triệu tấn bom đạn, với hơn trăm ngàn trận không kích, kể cả pháo đài bay B 52, máy bay AC -130; 1.263 cuộc hành quân bằng các loại chiến tranh công nghệ cao như điện tử, tự động hóa, hóa học, vi trùng với các loại vũ khí như bom lade, cây nhiệt đới, bom từ trường, máy phát hiện mục tiêu khuếch đại ánh sáng mờ, tia hồng ngoại.

Trong 16 năm, các lực lượng trên đường Trường Sơn đã chiến đấu trên 2.500 trận, diệt gần 17.000 tên địch, bắt 1.200 tên, gọi hàng trên 10.000 tên, bắn rơi 2.455 máy bay địch, phá hủy hàng vạn tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh khác của địch.

Có trên 20 ngàn bộ đội, cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong của ta đã anh dũng hy sinh, hơn 30 ngàn người bị thương.

Lương Kết

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/tuong-vo-so-va-ky-uc-don-tet-bang-dai-phao-choc-thung-truong-son-979823.html