Tướng Ukraine: Cầu Crimea dễ đánh sập, ai dám đánh?

Tướng Ukraine vừa tuyên bố là cầu Crimea mà Nga đang xây dựng để nối lục địa với bán đảo là chỗ rất yếu trước đòn tấn công tên lửa.

Ai có gan tấn công phá hủy cầu Crimea?

Một cựu Phó Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Ukraine mới đây đã nhận định rằng, nhìn từ góc độ quan điểm quân sự, cầu Kerch (còn được gọi là cầu Crimea) do Nga xây dựng để nối bán đảo Crimea với phần lãnh thổ lục địa của nước mình, tỏ ra khá sơ hở trước những đòn tấn công của đối thủ.

Đó là bình luận về cầu Crimea dưới góc độ quân sự của Tiến sĩ khoa học quân sự, trung tướng dự bị Igor Romanenko, cựu Phó Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine trong cuộc trò chuyện mà tờ "Glavred" đăng tải.

Tướng Romanenko nhấn mạnh rằng, từ góc độ nhãn quan quân sự, cầu Criema với độ dài quá khổ của nó là chủ thể khá sơ hở, khó phòng ngự và dễ bị tấn công từ các phương tiện chiến đấu của đối phương như máy bay, tên lửa phóng từ đất liền và tên lửa từ các chiến hạm trên biển.

Tuy nhiên, chắc hẳn là Nga cũng đã nghĩ về điều này và sẽ có những phương án điều động các lực lượng hải quân, phòng không-không quân đến khu vực xung quanh cây cầu, cả ở bán đảo Crimea và vùng Krasnodar để bảo vệ cây cầu huyết mạch này trước bất cứ đòn tấn công nào.

Mà điểm quan trọng nhất là kể cả việc bảo vệ cây cầu có sơ hở thì vấn đề là ai là người dám sử dụng các biện pháp tấn công quân sự như kể trên để phá hủy nó? Bởi hành động như vậy đương nhiên sẽ là sự tuyên bố chiến tranh với Nga và sẽ bị đáp trả xứng đáng.

Ngoài ra, các hệ thống thiết bị sonar đặc biệt do Viện nghiên cứu khoa học Atoll - một công ty con của Tập đoàn "Morinformsystem-Agat" của Nga nghiên cứu thiết kế và sản xuất, cũng được cài đặt để bảo vệ cây cầu này trước các hành động phá hoại bằng phương án phá hoại trực tiếp trên cầu và dưới nước.

Tập đoàn "Morinformsystem-Agat" chuyên phát triển các Hệ thống sử dụng phương pháp hydroacoustic, các hệ thống radar và quang-nhiệt để phát hiện các hành động bất hợp pháp, nhằm bảo vệ các cơ sở ngầm dưới nước và giáp bờ biển.

Hiện nay, hệ thống này đã được sử dụng thành công tại các cơ sở hải quân cũng như tại các mục tiêu dân sự quan trọng, như các đập thủy điện lớn của Nga.

Cầu Crimea được coi là một công trình trọng điểm quốc gia của Nga nên sẽ được bảo vệ rất chặt chẽ

Đường tiếp vận nhanh nhất cho quân Nga

Được biết, sau khi sáp nhập bán đảo Crimea (tuyên bố độc lập, tách ra khỏi Ukraine tháng 3/2014 Ukraine, sau cuộc đảo chính ở Kiev, lật đổ chính quyền Yanukovych) vào lãnh thổ của mình, Nga đã triển khai dự án xây dựng cầu nối bán đảo này với lãnh thổ của Nga.

Dự án xây cầu Crimea có tổng chi phí là 227 tỷ 920 triệu rúp, tương đương với hơn 4 tỷ USD. Cây cầu sẽ được xây dựng ở bắc qua eo biển Kerch, nối bán đảo Kerch với vùng Krasnodarm địa điểm được coi là thuận lợi nhất để xây dựng cầu hoặc đường ngầm sang bán đảo

Tuy nhiên, đoạn hép nhất này cũng đã đủ biến cầu Crimea trở thành cây cầu dài nhất nước Nga với chiều dài lên tới 19 km, gồm 595 trụ cầu. Mốc bắt đầu thông cầu Crimea cho làn đường xe ô tô chạy được dự kiến vào tháng 12 năm 2018, còn xe lửa vào tháng 12 năm 2019.

Hiện nay, tên gọi chính thức của cây cầu vẫn chưa được xác định nhưng nó chắc chắn sẽ là 1 trong 3 cái tên đã lọt đến vòng lựa chọn cuối cùng là "Cầu Crimea" "Cầu Kerch" và "Cầu Thống nhất".

Theo các chuyên gia, cây cầu này là huyết mạch chiến lược góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Crimea và là con đường tiếp vận nhanh nhất cho lực lượng vũ trang Nga ở bán đảo. Việc cây cầu này được xây dựng có thể giảm rất nhiều thời gian cung cấp cho bán đáo, vốn trước đây chỉ có thể được thực hiện bằng đường không và đường biển.

Hiện nay, Hội đồng Doanh nghiệp Á-Âu đề xuất với chính quyền Crimea cùng một lúc với cây cầu bắc qua eo biển Kerch sẽ xây dựng một đường hầm xuyên qua eo biển này. Công việc xây dựng sẽ sử dụng vốn đầu tư tư nhân, các phương tiện vận chuyển qua đó phải trả phí

Mặc dù giới chuyên gia đánh giá dự án này là khó khả thi bởi quá tốn kém nhưng các nhà đầu tư đến từ Bắc Kinh đã ngỏ ý muốn góp vốn vào dự án này. Trước đó, các công ty Trung Quốc đã tham gia vào việc xây dựng một sân bay mới tại thành phố Simferopol, thủ phủ của Crimea.

Nhật Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/tuong-ukraine-cau-crimea-de-danh-sap-ai-dam-danh-3349997/