Tướng trận Võ Sở nói về đường Trường Sơn huyền thoại

Năm nay 91 tuổi, Thiếu tướng Võ Sở, nguyên Chính ủy Binh đoàn 12, hiện là Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Việt Nam xúc động kể lại những tháng năm chiến đấu của ông và đồng đội…

Thiếu tướng Võ Sở. Ảnh: Nguyễn Minh

Thiếu tướng Võ Sở. Ảnh: Nguyễn Minh

Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến

Chiều 18/5, phát biểu tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959-19/5/2019) diễn ra tại hội trường Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Võ Sở chia sẻ: “Năm nay tôi đã 91 tuổi. Tôi vào Trường Sơn năm 1964, lúc Đoàn 559 bắt đầu chuyển từ phương thức gùi thồ sang vận chuyển bằng cơ giới và cũng là lúc cuộc chiến đấu trên dãy Trường Sơn hùng vĩ bước vào giai đoạn quyết liệt nhất”.

Những tháng năm chiến tranh khốc liệt ấy, ông cùng ăn, cùng ở, cùng chiến đấu với những người lính công binh, lái xe, cao xạ ở “Binh trạm lửa” 31 và 42 trong giai đoạn 1968-1969; lần lượt đảm đương cương vị Chính ủy Sư đoàn Vận tải 471 và Sư đoàn Công binh 472 trong những năm 1970-1975. Trong đó, Sư đoàn Vận tải 471 là đơn vị bảo đảm cơ động lực lượng cho Quân đoàn 1 và Quân đoàn 3 tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Trải qua những năm tháng chiến đấu gian khổ, hi sinh cho từng xe hàng, từng đoàn quân, từng chuyến đi vào Nam, ra Bắc, đến các chiến trường, những người lính Trường Sơn càng thấu hiểu hơn tình cảm thiêng liêng của hậu phương miền Bắc dành cho cách mạng miền Nam. Miền Bắc không chỉ là hậu phương lớn chi viện sức người, sức của, mà còn là lực lượng trực tiếp chiến đấu cùng quân và dân miền Nam.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Hội truyền thống Trường sơn - đường Hồ Chí Minh Việt Nam tại lễ kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, chiều 18/5. (Trong ảnh, Thiếu tướng Võ Sở đứng ngoài cùng bên trái)

Ngày ấy, Bộ đội Trường Sơn mang trên vai trách nhiệm mà Đảng, Nhân dân và Quân đội giao cho, với tâm nguyện tất cả vì miền Nam ruột thịt, quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh để làm tròn nhiệm vụ. Bộ đội Trường Sơn chiến đấu với “Binh chủng hợp thành” gồm đủ các lực lượng: Vận tải, Công binh, Cao xạ, Bộ binh, Xăng dầu, Thông tin, Giao liên..., tất cả đều hừng hực chung một ý chí quyết tâm “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”. Để cho tuyến chi viện chiến lược không một ngày ngừng nghỉ, tất cả đã cùng nhau bám trụ, chiến đấu kiên cường, chống lại sự đánh phá, ngăn chặn khốc liệt của Mỹ - ngụy với đủ loại vũ khí, trang thiết bị quân sự hiện đại nhất thế giới lúc bấy giờ.

“Ở Trường Sơn, không một ngày nào là không có tiếng bom đạn; từng cung đường, trọng điểm, từng vạt rừng, bờ suối bị cày xới bởi hàng triệu tấn bom đạn, hàng chục triệu lít chất độc hóa học. Ở đó, đất đá trộn lẫn gang thép, thấm đẫm mồ hôi và máu của những người lính Trường Sơn quả cảm. Mỹ - ngụy đã lấy sức mạnh quân sự khủng khiếp hòng hủy diệt sức sống Trường Sơn, bóp nghẹt tuyến chi viện của ta, nhưng chúng đâu ngờ rằng, bom đạn, chết chóc chỉ làm cho những chiến sĩ Trường Sơn ý chí thêm vững vàng, tinh thần thêm sắt đá, quyết giữ vững tuyến vận tải chiến lược, cùng đồng bào và chiến sĩ miền Nam “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, thỏa lòng mong đợi của Bác Hồ kính yêu và nhân dân cả nước”, Tướng Võ Sở nói.

16 năm “xoi đường, lập trạm”

Thiếu tướng Võ Sở nhớ lại: Trên dải Trường Sơn đã có hàng chục, hàng trăm câu chuyện vô cùng cảm động về sự hy sinh dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Cuối năm 1968, ở Binh trạm 32, địch ném bom trúng trận địa phòng không, gần 50 chiến sĩ cao xạ hi sinh. Ở Binh trạm 31, một loạt bom đã chôn vùi 12 chiến sĩ công binh trong hang núi Seng Phan. Để kéo được 30 phi xăng ngược suối Trạ Ang, 29 chiến sĩ Binh trạm 14 đã hi sinh anh dũng.

Năm 1972, Tiểu đoàn Ca nô 166 tham gia Chiến dịch giải phóng Quảng Trị, có 50 chiến sĩ hy sinh; trong đó có ca nô hy sinh cả 5 người; nhiều đồng chí đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Đầu tháng 3/1973, chỉ một ngày sau Hiệp định Paris được ký, bom B52 của địch đã đánh vào sở chỉ huy Trung đoàn 592 trên đất Lào, 20 chàng trai, cô gái đã hy sinh, mãi mãi gửi lại tuổi thanh xuân trên dải Trường Sơn.

Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam trao thưởng cho 5 tập thể xuất sắc trong cuộc thi viết “Hào khí Trường Sơn”, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, ngày 4/5, tại Hà Nội

“Chúng tôi đã phải chiến đấu trong điều kiện thiếu thốn trăm bề và khí hậu khắc nghiệt của núi rừng Trường Sơn. Với lính Trường Sơn, phải mặc quần áo ướt hàng tuần, phải ăn măng le, củ chuối thay cơm là chuyện thường, nhưng hàng đảm bảo cho chiến trường thì không tơ hào một cân, một lạng. Cuối năm 1964, do tuyến vận tải gặp khó khăn, mấy nghìn cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 70 bị thiếu đói, nhưng được nhân dân ở các huyện Cà Lươn, Sê Ca Mán, tỉnh Tà Ven Oọc, thuộc nước bạn Lào thu gom thóc gạo cứu đói, ơn nghĩa ấy chúng tôi không bao giờ quên. Còn nhớ mùa mưa năm 1966 ở Binh trạm 6, vì thiếu thuốc, thiếu lương thực, sốt rét đã cướp đi gần 50 cán bộ, chiến sĩ”.

16 năm kể từ khi “xoi đường, lập trạm” đến ngày giải phóng, có trên 2 vạn cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn đã hy sinh, nhiều đồng đội của chúng tôi vẫn nằm lại đâu đó trên đại ngàn Trường Sơn; trên 3 vạn người bị thương, hàng vạn người khác nhiễm chất độc da cam để lại nỗi đau giày vò đến tận hôm nay cho nhiều thế hệ.

Mãi mãi là Bộ đội Cụ Hồ

Thiếu tướng Võ Sở khẳng định: Trong gian khổ, ác liệt, hy sinh, những người lính Trường Sơn vẫn chiến đấu quả cảm, kiên cường, dẻo dai, sẵn sàng hy sinh vì đồng đội, vì nhiệm vụ. Chính họ là những người làm nên lịch sử, làm nên kỳ tích Trường Sơn, kỳ tích của những người lính Cụ Hồ.

Sau ngày đất nước thống nhất, theo yêu cầu nhiệm vụ mới, những cựu chiến sĩ Trường Sơn tiếp tục có những đóng góp quan trọng trên nhiều lĩnh vực công tác. Ghi nhận sự cống hiến, hi sinh to lớn của Bộ đội Trường Sơn, Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã trao tặng nhiều phần thưởng cao quý; đồng thời có nhiều chủ trương, chính sách đãi ngộ với người có công. Đó là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với người lính Trường Sơn, thể hiện sâu sắc đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc ta.

Thiếu tướng Võ Sỡ phát biểu tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, chiều 18/5

Binh đoàn 12 - đơn vị kế tục truyền thống Bộ đội Trường Sơn, đã tham gia phát triển kinh tế, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nhiều công trình quan trọng của đất nước, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Năm 2011, Chính phủ đã có Quyết định cho phép thành lập Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam. Đến nay, Hội đã trở thành mái nhà chung của các cựu cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến Trường Sơn. Hội đã tổ chức hoạt động hiệu quả, tri ân đồng đội; tham gia các chương trình của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị, xóa đói giảm nghèo, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; tham gia giữ gìn an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội tại các địa phương. Hội cũng là nơi gửi gắm nghĩa tình đồng đội và niềm tin vững chắc với Đảng, Nhà nước và Quân đội ta.

“Với tình cảm trân trọng ấy, chúng tôi nguyện tiếp tục phát huy truyền thống của Bộ đội Trường Sơn anh hùng, sống mẫu mực, đoàn kết, nghĩa tình, trung với Đảng, với Tổ quốc, hiếu với Nhân dân; tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, mãi mãi là Bộ đội Cụ Hồ”, Thiếu tướng Võ Sở nói.

Nguyễn Minh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/hanh-trang-nguoi-linh/tuong-tran-vo-so-noi-ve-duong-truong-son-huyen-thoai-1417333.tpo