Tướng Thước: Kê khai tài sản có quá nhiều kẽ hở

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: 'Kê khai tài sản xong rồi bỏ vào trong tủ kính để 'tự xem xét' với nhau thì hoàn toàn không có hiệu quả'.

Kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn nhằm phòng ngừa làm giàu bất chính và xung đột lợi ích trong thực thi công vụ là một biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả. Tuy nhiên, trả lời phóng viên VOV.VN, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, X cho rằng, việc triển khai trên thực tế hiện nay được cho là nặng tính hình thức, “kê khai tài sản xong rồi bỏ vào trong tủ kính để “tự xem xét” với nhau thì hoàn toàn không có hiệu quả”.

 Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.

PV: Báo cáo mới đây của Viện Khoa học thanh tra - Thanh tra Chính phủ, tính đến 31/5/2015 có gần 1 triệu người kê khai tài sản (đạt 99,6%), tuy nhiên, trong tổng số 1.225 người thuộc diện phải xác minh chỉ phát hiện, kết luận 4 người kê khai không trung thực. Ông có bình luận gì về con số này?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Nếu đúng như vậy, thì Việt Nam sẽ được đứng đầu sổ về vấn đề minh bạch tài sản?

Đọc con số này, tôi cảm thấy rất buồn! Trong gần 1 triệu người kê khai tài sản mà chỉ có 4 người không trung thực thì tôi cho rằng thanh tra này là thanh tra trên giấy, chỉ nhìn trên hình thức giấy tờ, còn bản chất sự việc chưa làm được đến tận cùng.

Trong khi đó, nói tham nhũng là phổ biến mà không phát hiện ra là vì sao? Vì việc kê khai tài sản không giám sát được. Nếu kê khai tài sản đúng rồi thì lần lượt năm nào cũng làm thì phát hiện được ngay.

4 người không trung thực trong số hơn 1.000 người thuộc diện phải xác minh là không đúng. Tôi tin rằng con số thực tế còn cao hơn rất nhiều.

PV: Kê khai tài sản là một biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả. Tuy nhiên, việc triển khai thực tế biện pháp này đang gặp nhiều bất cập. Vậy khâu nào được coi là yếu nhất trong kê khai tài sản hiện nay, thưa ông?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Mục đích của việc kê khai tài sản là hoàn toàn chính đáng. Song công tác kê khai tài sản hiện nay bị đánh giá là ít hiệu quả. Một trong những nguyên nhân là không công khai. Nếu kê khai tài sản xong, các bộ phận đó lại bỏ vào trong tủ kính để “tự xem xét” với nhau, để bảo vệ “uy tín” thì không bao giờ việc kê khai tài sản có giá trị.

Chưa có tổ chức nào mà qua kiểm tra kê khai tài sản phát hiện được nhân viên, cán bộ vi phạm rồi công khai ra bên ngoài biết. Cũng có chỗ phát hiện được nhưng lại đóng khung lại trong nội bộ, “đóng cửa dạy nhau”, không đưa ra bên ngoài vì sợ mất “uy tín”. Nhưng đã không trong sạch thì làm sao còn uy tín mà sợ mất. Chính “uy tín” đó mới cực kỳ nguy hiểm, nó phản bác lại việc chống tham nhũng.

Chủ quan tự giám sát với nhau thì hiệu quả chỉ đạt được một phần nhỏ. Vì đã kê khai tài sản thì phải công khai việc này.

Cán bộ phục vụ nhân dân, người đó phục vụ như thế nào thì nhân dân phải được giám sát. Nhân dân sẽ giám sát việc kiểm kê tài sản để sau đó giám sát, phát hiện tài sản phát sinh sau này của người cán bộ đó có hợp pháp hay không hợp pháp để biết rằng họ trong sạch hay không trong sạch.

Mục đích giám sát để người cán bộ đó phục vụ nhân dân tốt hơn, để không làm sai phạm bản chất của người công bộc, để ngăn chặn những tiêu cực do quyền lực của họ gây nên chứ không phải tìm cách để “trị” họ.

PV: Vừa qua, Bộ Công an đã bắt giữ Giang Kim Đạt-nguyên Trưởng phòng kinh doanh của Công ty TNHH MTV vận tải viễn dương Vinashin, thuộc tập đoàn Vinashin. Cơ quan điều tra phát hiện Giang Kim Đạt chiếm đoạt gần 19 triệu USD và chuyển rất nhiều tiền tham ô, tham nhũng ra nước ngoài. Dư luận đặt câu hỏi là tại sao một chức danh như Giang Kim Đạt mà lại chiếm đoạt được số tiền lớn như vậy?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Tôi không tin rằng, trong vụ này chỉ một mình Giang Kim Đạt chỉ với chức danh trưởng phòng trong bộ máy hệ thống mà làm được như vậy mà đằng sau phải có một nhóm nào đó. Mà nhóm đó, theo tôi không chỉ những người dưới anh Đạt mà cấp trên, có người, có bộ phận dính dáng đến vấn đề này.

Như tôi đã nói, nếu chủ quan tự giám sát để bảo vệ “uy tín”, “danh dự” của mình là nguyên nhân dẫn đến thì những vụ tham nhũng thì chắc chắn không chỉ một mình cá nhân đó gây nên.

Nếu muốn đi đến tận cùng vụ việc thì phải làm rõ phía sau Giang Kim Đạt là những ai thì mới có giải pháp triệt để. Vì vậy kiểm kê tài sản phải được công khai.

PV: Nhiều tài sản của Giang Kim Đạt có dấu hiệu chuyển hóa cho người thân đứng tên. Đây cũng là thực trạng khiến công tác thu hồi tài sản tham nhũng gặp khó khăn. Có biện pháp nào ngăn chặn được điều này không, thưa ông?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Tôi tin rằng, số tài sản tham nhũng của Đạt bị phát hiện cũng chỉ mới một phần thôi. Những thế lực, con người này họ mánh khóe lắm, họ tìm mọi cách phân tán tài sản chiếm đoạt được để xóa bớt hành vi phạm tội của mình.

Vì vậy, theo tôi, cần bổ sung quy định người thân, những người có liên quan đến vấn đề công tác của cán bộ đó khi cần phải được kê khai tài sản. Ví dụ như A là người có tội, B là người liên quan, nhưng nếu pháp luật chưa chứng minh được B là người liên quan đến A thì không xử trí được. Vì hiện nay, nhiều đối tượng đang lợi dụng kẽ hở này để phân tán tài sản tham nhũng. Họ không phân tán tài sản cho người thân ruột thịt vì sau này cũng bị truy ra mà họ tìm cách chuyển đổi bằng cách “lại quả” cho đối tác hay những người không thân thích.

Do đó, cần nghiên cứu những thủ đoạn tinh vi của các đối tượng để tìm biện pháp vừa đảm bảo đúng Hiến pháp, pháp luật vừa phanh phui được tham nhũng.

PV: Qua đây có thể thấy rằng cơ chế kiểm soát thu nhập, kiểm soát tài sản đang có nhiều kẽ hở?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Cái mà chúng ta đang làm là hình thức, quá nhiều kẽ hở.

Kiểm kê tài sản không có hiệu lực thì vấn đề chống tham nhũng cũng kém hiệu lực. Cho nên phải có cơ chế quản lý rất chặt chẽ về kiểm kê, kiểm soát, công khai, minh bạch tài sản. Khi phát hiện vấn đề thì phải đi đến tận cùng vụ việc để kết luận bài học cho công tác quản lý sau này.

Như vụ Giang Kim Đạt, nếu chúng ta chỉ dừng lại ở cá nhân Đạt để thu hồi tài sản thì đó mới chỉ là khâu trực tiếp. Còn để giải quyết tận gốc vấn đề thì phải tìm ra đường dây nào đứng sau Đạt. Vì không thể một anh trưởng phòng mà làm được như vậy, mà đã được một đường dây che chắn rất kín đáo.

PV: Ông đánh giá thế nào về vai trò của báo chí trong công tác phòng chống tham nhũng. Riêng vấn đề kê khai tài sản, theo ông, báo chí có được đồng hành cùng các cơ quan, tổ chức, cũng như người dân giám sát tài sản?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Khi tôi làm đại biểu Quốc hội, nhiều người hỏi sao vấn đề gì tôi cũng biết. Tôi nói rằng, tôi nghe dân, nghe báo chí nên tôi biết hết cả. Bởi công luận và người dân là hai kênh chính xác, khách quan nhất để đóng góp cho các cơ quan lãnh đạo.

Có thể khẳng định rằng, vai trò của báo chí nói chung có công lớn lắm. Không có vụ tham nhũng nào bị phát hiện mà không có tiếng nói đầu tiên của báo chí. Vì vậy, làm thế nào để mọi người dân được tiếp cận hệ thống báo chính thống, để họ nhận thức đúng đắn vấn đề, góp phần đẩy lùi những mảng tiêu cực trong cuộc sống.

Theo VOV

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/soi-xet/tuong-thuoc-ke-khai-tai-san-co-qua-nhieu-ke-ho-539248.html