Tường thuật Lễ viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh

Lễ tang với nghi thức Quốc tang dành cho Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh bắt đầu từ sáng nay, 3/5/2019.

Sau lễ truy điệu, linh cữu nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh sẽ từ Nhà tang lễ quốc gia đi qua nhà công vụ ông từng ở (số 5A Hoàng Diệu), Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh, Phủ chủ tịch rồi ra sân bay Nội Bài vào TP HCM. Tại TP HCM, linh cữu sẽ qua quân khu 7, nơi ông từng là Tư lệnh kiêm Chính ủy quân khu, đi qua nhà riêng 240 Pasteur trước khi đến nghĩa trang.

Lễ an táng diễn ra từ 17h hôm nay tại nghĩa trang TP HCM.

Đoàn xe chở linh cữu Đại tướng Lê Đức Anh đi qua quảng trường Ba Đình. Ảnh:Giang Huy

Đoàn xe chở linh cữu Đại tướng Lê Đức Anh đi qua quảng trường Ba Đình. Ảnh:Giang Huy

Đoàn xe chở linh cữu nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh đi qua Phủ chủ tịch. Ảnh:Gia Chính

11h10

Kết thúc lễ truy điệu, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng đội tiêu binh rước linh cữu nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh ra linh xa trong tiếng nhạc Hồn tử sĩ trầm hùng. Sau đó, đoàn xe tang chậm rãi rời Nhà tang lễ Quốc gia. Hai bên đường, đông đảo người dân đứng chào, tiễn biệt Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng.

Linh cữu và di ảnh Đại tướng Lê Đức Anh được rước ra linh xa. Ảnh:Giang Huy

Đội tiêu binh chuyển linh cữu phủ Quốc kỳ vào linh xa. Ảnh:Giang Huy

Đoàn xe chở linh cữu Đại tướng Lê Đức Anh rời Nhà tang lễ Quốc gia. Ảnh:Giang Huy

11h08

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đọc lời điếu, nhấn mạnh nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh là "một nhà lãnh đạo xuất sắc, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân ta".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đọc điếu văn. Ảnh:VGP

"Đại tướng Lê Đức Anh là một vị tướng trận mạc, một nhà chỉ huy xuất sắc, có tầm nhìn chiến lược, có chiến thuật tài tình và linh hoạt xử lý các tình huống phức tạp; là một trong hai sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam được phong hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng. Cuộc đời binh nghiệp của Đại tướng gắn với nhiều chiến trường vào Nam ra Bắc và thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả", Thủ tướng nói.

Cũng theo Thủ tướng, trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, Đại tướng Lê Đức Anh là một trong những tướng lĩnh trực tiếp chỉ huy chiến trường và giành nhiều thắng lợi quan trọng, bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc và giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Đại tướng cũng là người trực tiếp thị sát, chỉ đạo và đóng góp quan trọng trong thực hiện chủ trương xây dựng thế trận phòng thủ vững chắc, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, Đại tướng được Đảng, Nhà nước giao nhiều trọng trách, như: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương; Chủ tịch nước từ tháng 9/1992 đến tháng 12/1997; Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương...

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại lễ truy điệu. Ảnh:Giang Huy

Điếu văn nêu rõ, ở bất kỳ cương vị nào, "Đại tướng Lê Đức Anh luôn trăn trở, tìm tòi, tâm huyết với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, cùng tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước có nhiều quyết sách quan trọng để tái thiết đất nước, khởi xướng công cuộc đổi mới, phá thế bao vây cấm vận, mở rộng quan hệ đối ngoại của đất nước; cùng Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng tập trung xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng thế trận "chiến tranh nhân dân" và nền quốc phòng toàn dân, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước".

"Chúng tôi mãi mãi nhớ về Đại tướng Lê Đức Anh - anh Sáu Nam kính mến, người đồng chí thân thiết, chí tình, một vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo xuất sắc, một nhân cách đức độ, giản dị, gần gũi. Trong giờ phút tiếc thương và xúc động này, chúng tôi xin trân trọng gửi đến toàn thể gia quyến đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh lời chia buồn sâu sắc nhất trước nỗi đau thương, mất mát không gì bù đắp được", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Ông Lê Mạnh Hà - con trai Đại tướng Lê Đức Anh nói lời cảm tạ tại tang lễ. Ảnh:GIang Huy

Phát biểu đáp từ, ông Lê Mạnh Hà - con trai Đại tướng Lê Đức Anh cảm ơn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng đội, bạn bè và người thân đã luôn bên cạnh Đại tướng. Ông cũng cảm ơn các thầy thuốc chăm sóc sức khỏe cho ba ông trong nhiều năm.

"Ba tôi đã sống cuộc sống kiên cường của người chiến sĩ và bình dị như bao người dân khác. Vượt qua các cuộc kháng chiến và ba cơn bạo bệnh, ba đã sống đến 100 tuổi. Yêu thương, nghị lực, may mắn và sức sống phi thường đã giúp ba sống thật lâu và thật sự có ích cho đời. Thế nhưng quy luật của muôn đời đã đưa ba đi mãi mãi", ông Hà nói.

Người con trai của nguyên Chủ tịch nước xúc động chia sẻ: "Gia tài của ba để lại cho con cháu thật là đồ sộ và quý giá. Đó là trái tim nhân hậu của con người dũng cảm, yêu thương để vị tha, nhân hậu để vị tha. Chúng con thật vinh dự và tự hào được nhận món quà quý giá đó. Cảm ơn ba. Chúng con chào ba, ba về bên mẹ, bên bạn bè thời khói lửa và thời bình yên. Vĩnh biệt ba!".

Sau phút mặc niệm, gia đình và toàn thể đại biểu dự tang lễ đã đi vòng quanh linh cữu Đại tướng Lê Đức Anh. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng cùng nhiều vị lãnh đạo đã đặt tay rất lâu trên linh cữu để tiễn biệt nguyên Chủ tịch nước.

10h45

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết trong sáng nay có hơn 1.000 đoàn cơ quan, đoàn thể, địa phương, đơn vị, nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo, tổ chức trong nước, quốc tế đã đến viếng cố Đại tướng Lê Đức Anh tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông; hội trường Thống Nhất (TP HCM) và quê hương ông ở Thừa Thiên Huế. Nhiều nước cũng đã gửi điện chia buồn với Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Thay mặt ban tổ chức lễ tang, ông Bình tuyên bố lễ truy điệu Đại tướng Lê Đức Anh bắt đầu. Sau đó, tất cả các đại biểu cùng gia quyến đứng nghiêm trang trong tiếng nhạc "Tiến quân ca".

10h30

Đoàn đại biểu cấp cao Lào do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước Saysomphone Phomvihane dẫn đầu vào viếng Đại tướng Lê Đức Anh.

Đoàn đại biểu cấp cao Lào. Ảnh:Giang Huy

9h57

Ở sân Nhà tang lễ Quốc gia, đội nghi lễ bắt đầu chuẩn bị đoàn xe tang và cỗ linh xa để đưa cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh ra sân bay.

Sau lễ truy điệu, linh cữu cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh sẽ từ Nhà tang lễ quốc gia đi qua nhà công vụ ông từng ở (số 5A Hoàng Diệu), Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh, Phủ chủ tịch rồi ra sân bay Nội Bài vào TP HCM. Tại TP HCM, linh cữu sẽ qua quân khu 7, nơi ông từng là Tư lệnh kiêm Chính ủy quân khu, đi qua nhà riêng 240 Pasteur trước khi đến nghĩa trang TP HCM.

Đội nghi lễ chuẩn bị đoàn xe tang. Ảnh:Giang Huy

Các chiến sĩ trong đội tiêu binh. Ảnh:Giang Huy

Đội tiêu binh chuẩn bị làm lễ truy điệu. Ảnh:Giang Huy

9h30

Các đoàn lãnh sự nước ngoài, tại TP HCM, đến viếng Đại tướng Lê Đức Anh

Tổng Lãnh sự Mỹ Mary Tarnowka.

9h15

Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch nước ghi sổ tang

Trong sổ tang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vô cùng thương tiếc Đại tướng Lê Đức Anh, "nhà lãnh đạo xuất sắc với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng, cũng như trong công cuộc đổi mới, hội nhập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam".

"Xin kính cấn nghiêng mình trước anh linh đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh, anh Sáu Nam kính mến! Xin gửi đến toàn thể gia quyết lời chia buồn sâu sắc nhất trước nỗi đau thương mất mát vô cùng to lớn này!", Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi sổ tang.

Ghi sổ tang của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có đoạn, "Đại tướng là một nhà chính trị, nhà quân sự lỗi lạc, nhà lãnh đạo tài ba, mẫu mực, giàu lòng nhân ái và cuộc sống giản đơn"

Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh viết, "chúng cháu luôn ghi sâu công ơn và tưởng nhớ về vị Đại tướng tài ba, vị Chủ tịch nước giàu lòng nhân ái và xin nguyện tiếp tục công tác tốt, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, phát triển bền vững trên con đường đổi mới và hội nhập".

Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dẫn đầu đoàn Chủ tịch nước vào viếng. Ảnh:Gia Chính

9h11

Thủ tướng Campuchia Hun Sen vào viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Ông Hun Sen vào chiều qua 2/5 đã có cuộc gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tại đây, lãnh đạo Chính phủ Campuchia bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn và lời chia buồn sâu sắc trước tin nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh từ trần. Ông Hun Sen nhấn mạnh Đại tướng Lê Đức Anh là người bạn thân thiết, người đã đóng góp cho sự nghiệp giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ vào năm 1979.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen tại lễ viếng. Ảnh:Gia Chính

Thủ tướng Campuchia Hun Sen ghi sổ tang. Ảnh:Giang Huy

9h00

Đại úy Phạm Xuân Hương (77 tuổi, Hà Nội), cựu binh lái tàu không số có mặt từ sớm để đợi vào viếng Đại tướng Lê Đức Anh. Người cựu binh vẫn rất nhớ, cuối năm 1964, ông vinh dự được làm thợ máy trên chuyến tàu chở thủ trưởng Lê Đức Anh từ miền Bắc vào Nam. "Chúng tôi nhận được lệnh đến bến K15, Hải Phòng đón đoàn lãnh đạo cấp cao vào Cà Mau. Sau này tôi mới biết rằng trên chuyến tàu đó có tướng Lê Đức Anh. Chuyến đi gian khó nhưng rất tự hào", ông Hương kể.

Ông Phạm Xuân Hương (thứ 5 từ trái sang) và các cựu binh lái tàu không số đến viếng Đại tướng Lê Đức Anh. Ảnh:Viết Tuân

8h54

Tại quê nhà Đại tướng Lê Đức Anh ở thôn Bàn Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc, bà Lê Thị Xoan - em gái nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh cùng gia đình, người thân và chính quyền địa phương tổ chức tang lễ.

Bà Xoan chia sẻ, cả cuộc đời anh trai mình gắn bó với các chiến trường và bận rộn công việc ở Hà Nội, song ông rất thích những món ăn ở quê nhà. Lúc nào bà đi Hà Nội cũng làm thịt heo ngâm nước mắm đưa ra cho anh trai. "Mỗi lần về quê, anh tôi không chỉ vui vầy trong gia đình, họ tộc mà còn dành thời gian thăm bà con hàng xóm. Mọi người rất quý anh và hôm nay nhiều người đã đến thắp nén hương tưởng nhớ anh", bà Xoan nói.

Bà Lê Thị Xoan (ngồi) cùng gia đình tổ chức tang lễ Đại tướng Lê Đức Anh ở quê nhà. Ảnh:Võ Thạnh.

8h10

Đoàn Chính phủ Campuchia do Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Samdech Tea Banh dẫn đầu vào viếng.

Đoàn Chính phủ Campuchia. Ảnh:Gia Chính

7h50

Đoàn Chính phủ Nhật Bản do Bộ trưởng Quốc phòng Takeshi lwaya dẫn đầu vào viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.

Bộ trưởng Quốc phòngTakeshi lwaya dẫn đầu đoàn Chính phủ Nhật Bản tại lễ viếng. Ảnh:Gia Chính

7h45

Tại quê nhà Đại tướng Lê Đức Anh ở Thừa Thiên Huế, tỉnh lập bàn thờ tại trụ sở UBND để các cơ quan, tổ chức, cá nhân đến viếng; treo cờ rủ trên Kỳ Đài Kinh thành Huế.

Từ sáng sớm, cảnh sát và kiểm soát quân sự có mặt tại các điểm giao với đường Lê Lợi để điều tiết giao thông.

Đoàn đại biểu Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thừa Thiên Huế vào viếng đầu tiên.

Đoàn lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế viếng Đại tướng Lê Đức Anh. Ảnh:Võ Thạnh

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huếviết sổ tang. Ảnh:Ngọc Thạnh

7h40

Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Bộ trưởng Quốc phòng dẫn đầu đoàn Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng vào viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Tất cả thành viên trong đoàn đã đứng nghiêm, giơ tay chào Đại tướng Lê Đức Anh trong tiếng nhạc Hồn tử sỹ.

Đoàn Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tại lễ viếng. Ảnh:Gia Chính

7h07, Đoàn Ban chấp hành Trung ương Đảng do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng đoàn vào viếng Đại tướng Lê Đức Anh. Trong đoàn có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh; các vị nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Nguyễn Minh Triết, Trần Đức Lương; nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An...

Sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thắp hương trước linh cữu, Đoàn dành một phút mặc niệm trong tiếng nhạc Hồn tử sĩ và bước chậm rãi vòng quanh linh cữu tiễn biệt Đai tướng Lê Đức Anh. Nhiều người tay chắp trước ngực, đầu cúi thấp khi bước đến bên linh cữu cố Chủ tịch nước. Bộ trưởng Công an Tô Lâm giơ tay chào nghiêm trang, hướng lên phía di ảnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dừng lại nắm tay chia sẻ nỗi đau mất mát với nhiều người trong gia quyến Đại tướng Lê Đức Anh trước khi ngồi vào bàn ghi sổ tang.

Tiếp sau đoàn Ban chấp hành Trung ương Đảng là đoàn Quốc hội, đoàn Chính phủ... Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong trang phục áo dài đen, dẫn đầu đoàn Quốc hội vào viếng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại lễ viếng. Ảnh:Giang Huy

7h00

Tại Dinh Thống Nhất TP HCM

Tại Hội trường Thống Nhất TP.HCM và hội trường UBND Thừa Thiên - Huế cũng tổ chức lễ viếng Đại tướng Lê Đức Anh

Các đoàn bắt đầu vào viếng lễ tang Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Ảnh:Thành Nguyễn

Đúng 7h, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình có bài phát biểu mở đầu tang lễ, nhấn mạnh đến những đóng góp của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh qua nhiều trọng trách khác nhau.

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu mở đầu tang lễ. Ảnh: Gia Chính

Theo ông, để đảm bảo thời gian an táng tại TP HCM và nguyện vọng của gia đình, lễ truy điệu được tổ chức lúc 10h45 phút ngày 3/5 thay vì 11h như đã thông báo trước đây. Lễ an táng vào hồi 17h cùng ngày tại nghĩa trang TP HCM.

6h50

Lúc 6h45, đội danh dự vào vị trí chuẩn bị lễ tang Đại tướng Lê Đức Anh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng nhiều vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có mặt để thực hiện lễ viếng.

Linh cữu Đại tướng Lê Đức Anh đặt ở trung tâm đại sảnh Nhà tang lễ. Trước linh cữu là bàn thờ và Quốc kỳ viền dải băng đen, tiếp đó là di ảnh của Đại tướng trong bộ quân phục.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước chuẩn bị vào viếng. Ảnh:Giang Huy

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu mở đầu tang lễ. Ảnh: Gia Chính

Lễ tang diễn ra trong một ngày

Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh qua đời lúc 20h10 ngày 22/4 tại nhà số 5A, Hoàng Diệu, Hà Nội. Tang lễ ông diễn ra với nghi thức Quốc tang. Danh sách Ban lễ tang gồm 39 người, do Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban.

Lễ viếng Đại tướng Lê Đức Anh bắt đầu từ 7h đến 11h, lễ truy điệu từ 11h ngày 3/5, tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội; lễ an táng từ 17h cùng ngày tại nghĩa trang TP HCM. Cũng thời gian trên, tại hội trường Thống Nhất TP HCM và hội trường UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu Đại tướng Lê Đức Anh.

Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh. Ảnh:CTV

Sau lễ truy điệu, linh cữu cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh sẽ từ Nhà tang lễ quốc gia đi qua nhà công vụ ông từng ở (số 5A Hoàng Diệu), Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh, Phủ chủ tịch rồi ra sân bay Nội Bài vào TP HCM. Tại TP HCM, linh cữu sẽ qua quân khu 7, nơi ông từng là Tư lệnh kiêm Chính ủy quân khu, đi qua nhà riêng 240 Pasteur trước khi đến nghĩa trang TP HCM.

Ông Lê Mạnh Hà - con trai Đại tướng Lê Đức Anh cho biết, nguyện vọng của gia đình là được tổ chức Quốc tang giản dị, thời gian tổ chức tang lễ giảm một ngày. Như vậy Quốc tang kéo dài hai ngày song lễ tang chỉ diễn ra trong một ngày. Gia đình cũng mong muốn các hoạt động khác trong xã hội diễn ra bình thường, không bị đình trệ.

6h30

Treo cờ rủ trên quảng trường Ba Đình

Lúc 6h sáng 3/5, cờ rủ kéo lên tại quảng trường Ba Đình ở Hà Nội bắt đầu hai ngày quốc tang tưởng nhớ cố Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh. Nghi lễ do tiêu binh Đoàn 275, Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện. Quốc kỳ được buộc lại bằng băng vải đen để cờ không bay và treo ở độ cao 2/3 chiều cao của cột cờ.

Để chuẩn bị cho lễ Quốc tang, từ sáng sớm, cảnh sát đã có mặt trên nhiều tuyến phố quanh Nhà tang lễ Quốc gia để phân luồng giao thông; an ninh ở khu vực này được thắt chặt. Sáng nay trời Hà Nội mưa nhỏ và hơi lạnh.

Nghi lễ treo cờ rủ trên Quảng trường Ba Đình sáng 3/5. Ảnh:Gia Chính

Trong hai ngày Quốc tang (3 và 4/5), các công sở, nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí. Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam tường thuật trực tiếp lễ viếng, lễ truy điệu và lễ an táng Đại tướng Lê Đức Anh tại Hà Nội, TP HCM.

Sinh năm 1920, tại xã Lộc An (Phú Lộc, Thừa Thiên Huế), Đại tướng Lê Đức Anh là một trong số ít người có sự nghiệp gắn liền với nhiều thời kỳ cách mạng.

Ông vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1938, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới Phía Bắc.

Năm 1981-1986, ông làm Thứ trưởng Quốc phòng, kiêm tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia; được Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 5 bầu vào Bộ Chính trị (năm 1982); được thăng quân hàm Đại tướng năm 1984; giữ chức Tổng Tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam từ năm 1986.

Tháng 2/1987, ông làm Bộ trưởng Quốc phòng. Năm 1992, ông được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước. Từ năm 1997, ông là cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng đến khi nghỉ hưu năm 2001.

Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh được khen thưởng: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng nhất, Huân chương Chiến công hạng nhì, Huân chương Chiến thắng hạng nhất và nhiều huân chương của Liên Xô (cũ), Cu Ba, Campuchia, Lào. Ông là đại biểu Quốc hội khóa: VI, VII, VIII và IX; Ủy viên Trung ương Đảng từ khóa IV đến VIII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa: V, VI, VII và VIII.

P.V

(Tổng hợp)

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/tuong-thuat-le-vieng-nguyen-chu-tich-nuoc-le-duc-anh-241834.html