Tường tận máy bay Su-30SM của Nga vừa rơi ở Địa Trung Hải

Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga, nguyên nhân khiến chiến đấu cơ Su-30SM tiên tiến của Không quân Nga gặp nạn tại Địa Trung Hải có thể là do chim lọt vào động cơ của máy bay.

Theo hãng thông tấn RT, vụ tai nạn xảy ra vào ngày 3/5 lúc 9:45 giờ Moscow (06:45 GMT) khi chiếc Su-30SM trong quá trình tăng độ cao chiếc sau khi cất cánh từ căn cứ không quân Khmeimim thì lao xuống biển Địa Trung Hải. Nguồn ảnh: BQP Nga

Theo Bộ Quốc phòng Nga, hai phi công trên máy bay Su-30SM đã nỗ lực cứu chiếc máy bay cho tới giây phút cuối cùng nhưng mọi cố gắng đều đã quá muộn. Ngoài ra Không quân Nga cũng lên tiếng khẳng định chiếc Su-30SM gặp nạn không bị bắn hạ và theo dữ liệu cuối cùng được truyền về đài không lưu thì nguyên nhân gây ra tai nạn có thể do chim lọt vào động cơ của máy bay. Nguồn ảnh: Sptunik.

Được biết, tiêm kích đa năng Su-30SM chỉ mới được Không quân Nga đưa vào biên chế chính thức vào ngày 12/1/2018 sau khi vượt qua được các bài kiểm tra ở Syria theo một sắc lệnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nguồn ảnh: Airlines.net

Các nguồn tin mở cho hay, kể từ khi Nga tham chiến tại Syria đã có ít nhất 4 chiếc Su-30SM đã được chuyển tới căn cứ không quân Khmeimim trong tháng 9/2015. Mẫu chiến đấu cơ này đã tham gia các phi vụ hộ tống Tu-160, Tu-95MSM và Tu-22M3 trong các cuộc không kích quy mô lớn vào phiến quân ở Syria. Đặc biệt, "đôi cánh" Su-30SM ở Syria đã hộ tống chuyên cơ của Tổng thống Vladimir Putin tới thăm căn cứ ở Hmeymin. Nguồn ảnh: Airlines.net

Su-30SM là một trong những phiên bản hiện đại nhất của dòng tiêm kích đa năng hạng nặng Sukhoi Su-30, được thiết kế cho nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không, không kích mục tiêu mặt đất và mặt biển. Có nguồn tin cho rằng, Su-30SM được thiết kế trên cơ sở dòng Su-30MKI bán cho Ấn Độ, thế nhưng cũng có nguồn bác bỏ điều này và cho rằng nó là thiết kế đặc biệt dành riêng cho Quân đội Nga. Nguồn ảnh: Airlines.net

Đến nay, chi tiết trang bị riêng của Su-30SM vẫn được giấu kín, chỉ biết rằng nó sở hữu toàn "hàng made in Russia" gồm hệ thống radar, cảm biến quang - điện, hệ thống tác chiến điện tử. Khác hẳn với thiết kế "5 cha 3 mẹ" trên Su-30MKI và Su-30MKM bán cho Ấn Độ, Malaysia. Nguồn ảnh: Airlines.net

Nó được cho là trang bị cặp động cơ turbofan AL-31FP với vòi phun có khả năng chỉnh hướng véc tơ lực đẩy kết hợp cánh mũi đem lại khả năng cơ động cao trong các trận không chiến. Nguồn ảnh: Airlines.net

Gần đây, Vympel tiết lộ rằng Su-30SM tích hợp thiết bị gây nhiễu điện tử bị động UV-30MKR tân tiến hơn loại UV-30 trang bị cho các máy bay Su-30 của Ấn Độ, Malaysia và Algeria. Nguồn ảnh: Airlines.net

Về mặt vũ khí, Vympel cũng tiết lộ rằng Su-30SM được tích hợp tên lửa không đối không tầm trung Type 170-1 (hay còn gọi là R-77-1) có tầm bắn khoảng 110km. Nguồn ảnh: Airlines.net

Ngoài ra, một số trang mạng quốc tế còn cho rằng Su-30SM mang được cả tên lửa hành trình siêu thanh P-800 Oniks/Yakhont có tầm phóng từ 120-300km. Nguồn ảnh: Airlines.net

Ngoài vai trò chiến đấu, nhờ thiết kế buồng lái 2 chỗ ngồi, Su-30SM có thể chuyển đổi cho nhiệm vụ huấn luyện chuyển loại cho phi công dễ dàng. Nguồn ảnh: Airlines.net

Với tính năng "khủng" và sự thể hiện tuyệt vời ở Syria, BQP Nga đang đẩy mạnh các đơn hàng mua Su-30SM. Theo Thứ trưởng Yuri Borisov, năm 2018, VVS có thể nhận được thêm 18 chiếc Su-30SM. Nguồn ảnh: Airlines.net.

Mời độc giả xem video: Su-30SM Nga trổ tài thao diễn trên không. (Nguồn Tonkatsu298)

Trà Khánh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/quan-su/tuong-tan-may-bay-su-30sm-cua-nga-vua-roi-o-dia-trung-hai-1048095.html