Tương tác, bình luận trên báo điện tử: 'Cấm' hay 'quản'?

Bình luận trên báo điện tử là một hoạt động tương tác của báo điện tử. Nó không chỉ cho thấy rất nhiều ưu điểm của loại hình báo chí này mà còn giúp công chúng trở nên gần gũi hơn với tờ báo, giúp họ từ đối tượng bị động trong việc tiếp cận thông tin trở thành người chủ động trong việc nêu ý kiến, quan điểm và cung cấp thông tin cho báo chí.

Đọc bình luận đôi khi cũng giống như đọc một bài báo, ở đó công chúng đưa ra nhiều vấn đề, góc nhìn khác nhau

Việc quản lý bình luận trên báo điện tử (và trên fanpage của các báo) vẫn là một vấn đề phức tạp, khiến nhiều cơ quan báo chí đứng trước lựa chọn: “cấm” hay “quản”.

Nhiều ưu điểm nổi bật

Trên nhiều tờ báo điện tử lớn, có uy tín, phần bình luận của công chúng được nhiều người đón đọc bởi sự sâu sắc, giàu thông tin, qua đó có thể nắm bắt nhanh “dư luận” về bài viết, đôi khi đó còn là ý kiến bổ sung cho bài viết. Bình luận trên báo điện tử không chỉ gói gọn trong việc “bình” và “luận” đối với các vấn đề dân sinh xã hội, hay chính sách... mà còn là sự gửi gắm tâm tư, tình cảm của công chúng. Khi những dòng tâm sự được viết ra, cũng là lúc người viết nhận được sự sẻ chia, đồng cảm, thậm chí cả những ý kiến tư vấn, phân tích để họ nhìn nhận thấu đáo hơn vấn đề của riêng mình qua những “bình luận” của các độc giả khác. Nhờ đó, mối quan hệ “trên mạng” giữa hàng chục, hàng trăm con người đã được thiết lập và giúp nhân vật của câu chuyện cảm thấy “giải tỏa” được những vấn đề của bản thân.

Công chúng tiếp nhận, chia sẻ và phản hồi là thể hiện sự quan tâm của mình tới những vấn đề mà báo chí đăng tải, cơ quan báo chí coi đây là nguồn “nuôi đề tài” hoặc mở rộng đề tài, giúp vấn đề được đẩy lên mức cao hơn, dư luận chú ý nhiều hơn. Ở phạm vi hẹp, bình luận giúp tờ báo nâng cao vị thế và xây dựng đường hướng phát triển, còn ở phạm vi rộng giúp công tác quản lý xã hội, quản lý đất nước và phản biện chính sách.

Việc quản lý bình luận trên báo điện tử (và trên fanpage của các báo) vẫn là một vấn đề phức tạp, khiến nhiều cơ quan báo chí đứng trước lựa chọn: “cấm” hay “quản”

Làm tốt việc quản lý, xử lý, biên tập

Bên cạnh những bình luận mang tính đóng góp, xây dựng thì cũng có không ít những ý kiến mang tính kích động, xúc phạm cá nhân, tổ chức hoặc thiếu chính xác, khách quan... Vì thế, tòa soạn báo - nơi tiếp nhận bình luận của công chúng phải làm tốt việc quản lý, xử lý, biên tập nhằm bảo đảm xuất hiện trên mặt báo là các bình luận có giá trị, phù hợp với chuẩn mực đạo đức, quy định pháp luật và tôn chỉ của tờ báo.

Một số phóng viên, biên tập viên tham gia quản lý bình luận còn thiếu kinh nghiệm, thiếu nhãn quan chính trị.

Với tâm lý “an toàn là trên hết”, nhiều biên tập viên chỉ cho đăng tải những ý kiến chung chung, những bình luận ở mức “an toàn”, mang tính động viên, chia sẻ là chính mà bỏ qua những bình luận hay của công chúng. Mặt khác, biên tập viên bỏ sót, không nhìn ra “ẩn ý”, sai sót của bình luận nên đã cho đăng những ý kiến, quan điểm với ngôn từ thiếu cân nhắc, thiếu tính xây dựng.

Với những biên tập viên lâu năm, “cứng nghề” và quan tâm đến bình luận của công chúng, việc xử lý bình luận là một công việc thú vị, bởi đọc bình luận đôi khi cũng giống như đọc một bài báo, ở đó công chúng đưa ra nhiều vấn đề, góc nhìn khác nhau, thậm chí có thể là những gợi ý hay cho một bài báo mới. Ngược lại, không ít biên tập viên non nghề, coi đây là công việc nhàm chán, nhàn hạ và dễ dàng thì không thể nhìn ra điểm tích cực, sẽ cho đăng những bình luận nhạt nhẽo, thiếu hấp dẫn, thậm chí là vi phạm những quy định của tòa soạn.

Chia sẻ của một biên tập viên báo VnExpress sau đây rất đáng trân trọng: “... Thay vì phải đi nhiều như những ngày còn làm phóng viên, tôi chủ yếu ngồi tại văn phòng để biên tập bài, trả lời thư độc giả và duyệt comment dưới mỗi bài viết trên VnExpress. Hỏi thăm sức khỏe, trao đổi thông tin thời sự, cuộc sống, gửi link bài, trả lời thắc mắc cho độc giả... là việc mà mỗi ngày tôi vẫn thường làm. Đối với nhiều người, có thể việc này gây nhàm chán, quá nhàn hạ và dễ dàng, nhưng với tôi đó là niềm vui, là cách duy nhất giữ lượng bài mà độc giả gửi về.

Suốt thời gian làm việc tại đây, tôi cảm thấy hạnh phúc vì có rất nhiều độc giả thân thiết do tôi chăm sóc, dù được các báo khác mời gọi viết bài (có nhuận bút) nhưng họ vẫn trung thành, không bỏ VnExpress dù chỉ trong suy nghĩ (cho dù VnExpress không có chế độ nhuận bút cho bài viết của độc giả đăng trên mục Cộng đồng). (Trích trong bài “Nỗi lòng người làm báo Cộng đồng” của Tống Thu Thảo, chungta.vn, ngày 21/6/2014)

Ở phạm vi hẹp, bình luận giúp tờ báo nâng cao vị thế và xây dựng đường hướng phát triển

Vẫn còn tồn tại trên mặt báo những bình luận, ý kiến mang tính phiến diện, cực đoan, công kích người khác, cố tình đưa ra những thông tin sai lệch, đi ngược với quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước, với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí.

Thực tế thời gian qua, một số cơ quan báo chí đã bị kiện, bị cơ quan quản lý báo chí nhắc nhở, xử lý vì đã cho đăng những bình luận của công chúng mang tính xuyên tạc, sai sự thật.

Điều này ngoài nguyên nhân chủ quan, còn có nguyên nhân từ số lượng bình luận nhận được mỗi ngày, đặc biệt, đối với những sự kiện, vấn đề nóng, số lượng bình luận có thể tăng gấp đôi, gấp ba bình thường. Ví dụ, trung bình mỗi ngày, VnExpress nhận khoảng 30.000 bình luận, nhưng khi VĐV Hoàng Xuân Vinh giành được Huy chương Vàng ở Thế vận hội Olympic Rio 2016, chỉ riêng tin về sự kiện đó, VnExpress đã nhận được hàng nghìn bình luận và báo đã biên tập, xuất bản tới 1.602 bình luận. Số lượng bình luận quá lớn trong khi nhân lực thì hạn chế, nhiều trường hợp các phóng viên, biên tập viên phải chia nhau ra để xử lý nhưng việc biên tập, duyệt và đăng trở nên phức tạp hơn, chỉ cần một sai sót nhỏ xảy ra thì toàn bộ bài viết của phóng viên và công sức, danh tiếng của tòa soạn xây dựng bấy lâu sẽ bị ảnh hưởng.

Đặc biệt, tính nặc danh của những người tham gia bình luận đã khiến cho nhiều ý kiến đưa ra thiếu trách nhiệm, không quan tâm đến các tiêu chuẩn đạo đức và cực đoan khi phát biểu. Đa phần những người bình luận không kê tên, tuổi, địa chỉ thật của mình, hoặc có kê thì cơ quan báo chí cũng chẳng có cách nào để kiểm chứng tính chính xác của những thông tin đó.

Trên thực tế, việc đăng ký và gửi bình luận trên các báo điện tử hiện nay khá dễ dàng (có tờ báo thì yêu cầu ghi email và họ tên, có tờ lại yêu cầu lập tài khoản...).

Giáo sư truyền thông Arthur Santana tại Đại học Houston khi phân tích ngẫu nhiên 900 ý kiến bình luận một bài viết về vấn đề di cư, ông phát hiện ra rằng: 53% số bình luận vô danh có lời lẽ và thái độ bất nhã, mất lịch sự, còn với những bình luận bằng danh tính thực, tỷ lệ “bình luận chửi rủa” chỉ có 29%. Giáo sư Santana đã kết luận, sự nặc danh không khuyến khích người bình luận giữ tư cách của mình.

Đến thời điểm này, việc quản lý bình luận trên báo điện tử (và trên fanpage của các báo) vẫn là một vấn đề phức tạp, khiến nhiều cơ quan báo chí đứng trước lựa chọn: “cấm” hay “quản”. Một số tờ báo của Việt Nam và ở thế giới đã chọn giải pháp đóng cửa fanpage và mục bình luận của tờ báo do không thể quản lý được. Tất nhiên, phương án nào cũng có những ưu và nhược, nhưng nếu chọn “quản” thì cơ quan báo chí phải bảo đảm tự do ngôn luận, tự do báo chí không vượt ra ngoài khuôn khổ luật pháp, đi ngược tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí và những giá trị đạo đức của cộng đồng./.

PGS, TS Nguyễn Thị Trường Giang - Nguyễn Thị Thanh Thủy

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/tuong-tac-binh-luan-tren-bao-dien-tu-cam-hay-quan-n7839.html