Tưởng rằng em ngã chị đau...

Dù ai đúng, ai sai chăng nữa thì 2 đương sự trong vụ kiện tranh chấp 23 m2 ở một căn chung cư đã vĩnh viễn đánh mất tình chị em

"Chống án cũng như không. Tòa án làm việc không công minh. Còn bà kia, thứ con bất hiếu, cướp trắng nhà cha mẹ!" - bà B.T.T (SN 1963; bị đơn trong vụ kiện phúc thẩm "Tranh chấp hợp đồng mượn tài sản") mắng nhiếc không ngừng.

Ra khỏi phòng xử án, bà T. và những người đi chung chưa thôi chửi bới, quát tháo. Khi họ xuống tới bãi gửi xe, nguyên đơn vụ kiện - bà B.T.V (SN 1954; chị ruột bà T.) chưa dám đi ra.

Cho em ở nhờ

Đi loanh quanh hành lang phòng xử án, bà V. ái ngại nói bà không dám ra về ngay vì sợ chạm mặt em gái. Bà V. lo lắng: "Xuống bãi xe bây giờ tôi sợ tụi nó to tiếng, thậm chí hành hung. Thôi, tôi cứ đứng đây. Chừng nào mấy người kia về hết rồi tôi về". Trong vụ án, bà V. khởi kiện, yêu cầu trả lại 23 m2 em gái đang sử dụng trong căn chung cư do bà đứng tên chủ sở hữu.

Bà V. kể năm 2008, bà mua hóa giá một căn hộ ở quận 3 (TP HCM). Có nhà, bà sắp xếp cho em gái ở nhờ phần phía trước, diện tích khoảng 23 m2. Những tưởng tình chị em ngày càng thêm gắn bó. Thế nhưng… Chuyện bắt đầu khi bà T. mở tiệm làm tóc. "Vốn sức khỏe yếu nên tôi cần yên tĩnh nghỉ ngơi. Trong khi tiệm làm tóc người ra vô nườm nượp, cười nói ồn ào. Tôi chịu không nổi mới nói em tìm chỗ khác mà làm. Vậy mà nó không những không chịu dời tiệm đi mà còn thường xuyên gây sự" - bà V. nhớ lại.

Chẳng đặng đừng, bà đâm đơn kiện, yêu cầu em gái hoàn trả phần diện tích nhà đang mượn. Tháng 7-2018, tòa sơ thẩm đưa vụ án ra xét xử. HĐXX sơ thẩm tuyên nguyên đơn thắng kiện và buộc bị đơn trả lại 23 m2.

Không chịu thua, bà T. kháng cáo.

Tình chị em sứt mẻ

Tại tòa phúc thẩm, bà T. khăng khăng rằng căn hộ là tài sản do cha mẹ để lại từ năm 1974. Do bà V. là chị cả nên gia đình đồng ý cho bà đứng tên mọi giấy tờ. Về sau, gia đình không hiểu tại sao bà V. âm thầm lo lót giấy tờ mua hóa giá rồi làm thủ tục đứng tên sở hữu. Trước tòa, bị đơn nhất định không chấp nhận trả lại phần diện tích hai bên đang tranh chấp dù mình đã có nhà riêng. Đáp trả, phía nguyên đơn đưa ra nhiều giấy tờ, tài liệu chứng minh việc bà là người thực hiện tất cả nghĩa vụ liên quan đến tài sản; giấy tờ xác nhận từ chính quyền về người đứng tên giấy tờ nhà.

Hai hàng ghế song song, 2 chị em ruột ngồi đó. Người chị không dám nhìn sang. Lâu lâu, người em gái liếc ánh mắt sắc lạnh về phía chị mình. Rồi sau đó người ta lại thấy bị đơn bật dậy trả lời, đốp chát với chị mình trong tức tối và hùng hổ.

Dù 5 anh chị em khác đã có văn bản xác nhận đồng ý với ý kiến của bà T. nhưng căn cứ chứng cứ, diễn biến thực tế, HĐXX nhận định nguyên đơn là chủ sở hữu hợp pháp căn chung cư. Do đó, nguyên đơn có toàn quyền định đoạt đối với tài sản này. Người mượn nhà có nghĩa vụ trả nhà nếu chủ nhà yêu cầu. HĐXX tuyên bố giữ nguyên bản án sơ thẩm. Theo đó, phía bị đơn phải trả phần diện tích đang mượn ngay khi bản án phúc thẩm có hiệu lực. Chứng kiến từ đầu đến cuối thái độ, lời lẽ từ 2 phía, một thành viên HĐXX buồn bã: "Chúng tôi không tìm ra chứng cứ thể hiện căn nhà trên do cha mẹ 2 chị em bà T. gầy dựng, bỏ tiền mua. Có điều, dù ai đúng, ai sai đi chăng nữa thì tình chị em giữa họ chắc chắn chẳng còn".

Phiên tòa kết thúc với phần thắng nghiêng về người chị. Đuối lý, quên tình, người em quên mình đang ở chốn pháp đình, bà cứ mắng nhiếc liên hồi cả người xử lẫn người chị. Người chị cũng vì thế mà lo lắng đến hành động uy hiếp, trả thù sau khi bản án thi hành.

Đến khi tất cả phòng xử dân sự tại TAND TP HCM đóng cửa vì đến giờ nghỉ trưa vẫn thấy bà V. cô đơn tại sân tòa. Bà mệt mỏi và bất an dù em gái đã về từ lâu. Mất tình, tay ôm xấp hồ sơ dày cộp, bà ngập ngừng đi về phía cổng, ánh mắt không giấu nỗi lo âu. Đường về gần nhưng hôm nay bà lại thấy xa như đang lạc lối.

DI LÂM

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/phap-luat/tuong-rang-em-nga-chi-dau-20181207215252244.htm