Tương quan lực lượng Mỹ-Trung trên biển Đông: Mỹ e ngại điều gì nhất?

Không phủ nhận được một điều là năng lực quân sự của Trung Quốc đang tăng lên, nhưng điều đáng ngại nhất, là 'giới quân sự Trung Quốc đang đạt tới trạng thái mà từ đó họ có thể nói với lãnh đạo cấp cao của họ rằng họ tự tin với năng lực của quân đội', một quan chức Mỹ nói với Reuters.

Và sự tự tin, trong nhiều trường hợp có thể trở thành thái quá, có thể dẫn tới tai họa vì một sự tính toán sai lầm. Đó là điều có thể xảy ra khi Mỹ và Trung Quốc đối đầu nhau trên biển Đông.

Hãy xem tương quan lực lượng giữa đôi bên. Ngoài các căn cứ không quân trên đất Nhật Bản và đảo Guam, Mỹ có 10 nhóm tàu sân bay tấn công, mỗi nhóm có một hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân, đi kèm là các tàu hộ tống trạn bị vũ khí đến tận răng. Trung Quốc chỉ có hai tàu sân bay, trong đó chỉ một chiếc đang trong biên chế (và cả hai đều lạc hậu). Họ vẫn đang học hỏi để sử dụng chúng.

Tàu sân bay Mỹ vượt trội về năng lực và độ hiện đại

Tàu sân bay Mỹ vượt trội về năng lực và độ hiện đại

Để kiểm soát các hải lộ quan trọng trên biển Đông, tàu ngầm có lẽ quan trọng hơn tàu mặt nước. Nhưng về mặt này, Mỹ đang vượt trội với 40 tàu ngầm hạt nhân tấn công hiện đại. Trung Quốc có 9 tàu loại này (và các chuyên gia nói chúng kém hơn hẳn về tính năng, mức độ hiện đại so với tàu Mỹ). Mỹ cũng vượt trội so với Trung Quốc về năng lực chống ngầm.

Thứ mà Trung Quốc dùng (hoặc tuyên bố) để cân bằng tương quan đôi bên là các tên lửa đạn đạo chống hạm, được xem là thứ vũ khí dùng cho kẻ yếu hơn chiến thắng kẻ mạnh hơn bằng một cuộc tấn công bất ngờ.

Trung Quốc đang đổ công đổ của để phát triển các vũ khí dạng này. Với chính sách khuyến khích giáo dục về khoa học-công nghệ, Trung Quốc nay trở thành trung tâm nghiên cứu công nghệ cao của thế giới. “Mỗi năm chúng ta có thêm 1 triệu cử nhân ngành khoa học kỹ thuật, trong khi Mỹ chỉ có thêm 440.000”, giáo sư Kim Xán Vinh của Đại học Nhân dân nói tại một hội nghị ở Hong Kong, theo tường thuật của Popular Mechanics. Và chiến lược đầu tư phát triển giáo dục công nghệ đã phát huy tác dụng ở nhiều lĩnh vực, trong đó có quân sự.

Điều cho đến nay vẫn chưa hề rõ là hiệu quả thực tế của các tên lửa đạn đạo chống hạm, ví dụ như DF-21D, đến mức độ nào. Bởi một tàu sân bay không giống như các mục tiêu cố định, ví dụ một căn cứ không quân. Ngay cả khi chỉ trong ít phút trước khi tên lửa bắn tới, tàu đã di chuyển 1-2km. Để bắn trúng tàu, tên lửa cần được dẫn bắn tốt trong giai đoạn cuối, và cho đến nay DF-21D mới chỉ được thử nghiệm với các mục tiêu tĩnh. Nó có lẽ là sát thủ đối với đảo Guam, nơi đặt căn cứ không quân của Mỹ hơn là các tàu sân bay.

Có lẽ vì thế mà quân đội Trung Quốc đang phát triển phương tiện khác để giải quyết lợi thế mà phía Mỹ tạo ra khi sở hữu các nhóm tàu sân bay: tên lửa siêu thanh. Bay ở tốc độ cao trong bầu khí quyển, những tên lửa này không gặp phải vấn đề dẫn bắn như các tên lửa đạn đạo chống hạm. Trung Quốc đã tuyên bố tên lửa DF-17 của họ “không thể bị đánh chặn” ở tốc độ siêu thanh và 8 quả DF-17 có thể đánh chìm tàu sân bay.

Tên lửa DF-21D

Trung Quốc cũng đang phát triển súng điện từ gắn trên tàu chiến. Tuy nhiên chưa có bằng chứng chứng tỏ nó hoạt động hiệu quả.

Tất nhiên Mỹ không ngồi yên chờ Trung Quốc đuổi kịp mình. Các hệ thống phòng không Aegis đã được nâng cấp, và trong một cuộc thử nghiệm năm 2016, hai tên lửa SM-6 đã đánh chặn một tên lửa đạn đạo tầm trung. Nói tóm lại, họ đã sẵn sàng bắn hạ các tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21.

Nhưng sự tự tin thái quá và những tính toán sai lầm có thể dẫn đến thảm họa. Khả năng đụng độ giữa Mỹ và Trung Quốc trên biển Đông là hoàn toàn khả dĩ.

Anh Minh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/hanh-trang-nguoi-linh/tuong-quan-luc-luong-mytrung-tren-bien-dong-my-e-ngai-dieu-gi-nhat-1385000.tpo