Tướng pháp nhìn từ văn hóa học

Từ thời xa xưa, ngoài nhu cầu hiểu biết về tự nhiên, xã hội, con người cũng có nhu cầu tìm hiểu về chính con người và cá nhân mình. Thuật tướng số ra đời với mục đích dự đoán tình tình, vận hạn, sự nghiệp… dựa trên cơ sở khái quát các đặc điểm từ diện mạo, hình dạng, âm thanh, giọng nói, cử chỉ, dáng nằm ngồi, tác phong…

Tướng số học có nhiều các bộ môn cơ bản như: nhân tướng học, thần tướng học, thanh tướng học. Nhưng hai con đường nhận biết chủ yếu của phép tướng số là "hình tướng" và "tâm tướng". Hình tướng tức quan sát bên ngoài (ngoại hình) như gương mặt, tay chân, nốt ruồi, dáng vẻ, đường chỉ tay, hình dáng, màu sắc tai mắt…

Tâm tướng tức nhận biết cái tâm bên trong, biểu hiện ra bên ngoài ở cách cư xử, biểu hiện thần thái… Tâm tướng quyết định hình tướng, "tướng - tự tâm sinh; tướng - tùy tâm diệt" (hình vẻ do cái tâm sinh ra, cũng do cái tâm xóa bỏ đi).

"Đức năng thắng số" (cái đức có thể thắng được số phận), người có tướng pháp tồi nhưng cái tâm rộng rãi thì vẫn có cuộc sống tốt đẹp và ngược lại. Người xưa thử/chọn/xét đoán người qua hình tướng và tâm tướng thường xem vào lúc đối tượng đang ăn uống. Vì quan niệm ăn là một hành vi giao tiếp văn hóa rõ nhất.

Chân dung Hoàng đế Quang Trung.

Chân dung Hoàng đế Quang Trung.

Cơm gạo là "ngọc thực", thức ăn là tinh hoa của trời đất và con người, mà ăn là hành vi hưởng thụ, cũng là hành vi lao động. Khi ăn là anh ta vừa giao tiếp với chính mình vừa giao tiếp với trời đất, với con người… Anh ta có dáng ngồi thư thái không, có biết trân trọng tài sản của xã hội không, có từ tốn hưởng thụ không, có ý tứ nhường nhịn không…

Dưới sự soi chiếu của văn hóa học hiện đại, chúng tôi xin nói về tướng pháp với một vài biểu hiện cơ bản.

Trong văn học cổ phương Đông, hầu hết nhân vật đều được miêu tả theo nguyên tắc tướng pháp học. Một truyện trong "Việt điện u linh tập" miêu tả Bà Triệu: "mũi hổ, trán rồng, đầu báo, hàm én", "mặt hoa, tóc mây, môi đào, vú dài ba thước, sắc đẹp động lòng người". Ta thấy trong chân dung này có hình ảnh cả nam (mũi hổ, trán rồng, đầu báo, hàm én) và nữ (mặt hoa, tóc mây, môi đào, sắc đẹp), cả quyền quý anh hùng (mặt hoa…) và thảo dân thôn dã (vú dài ba thước). Đó là do sự chi phối từ quan niệm tác giả: đã là anh hùng phải mạnh mẽ nên hình dáng Bà Triệu phải có nét dáng của hổ, rồng, báo. Nhưng vẫn là nữ giới nên Bà vẫn phải đẹp…Ta thấy có nét đặc biệt là "vú dài ba thước", đáng chú ý là chi tiết này đều có ở nhiều tác phẩm khác.

Cũng miêu tả Bà Triệu, "Đại Nam quốc sử diễn ca" có mấy dòng ngắn gọn: "Cửu - chân có ả Triệu kiều/ Vú dài ba thước tài cao hơn người". Nhưng "Thiên Nam ngữ lục" có tới 108 câu miêu tả chi tiết có phần rườm rà về nhân vật, tình huống. Bà Triệu được miêu tả vừa dân dã vừa phi thường: "Cửu Chân có một nữ nhi/ Lận đận qua kỳ, tuổi ngoại hai mươi/ Chồng con chưa có được nơi/ Cao trong tám thước, rộng ngoài mười gang/ Uy nghi diện mạo đoan trang/ Đi đường chớp thét, đồng dường sấm vang/ Mặt như vầng nguyệt mới lên/ Mắt sáng như đèn, má tựa lan gioi/ Vú dài ba thước lôi thôi/ Ngồi chấm đến đùi, cúi rủ đến chân/ Sức quẩy nổi vạc nghìn cân...". Thậm chí trong "Thiên Nam ngữ lục", tác giả còn tỏ ra thích thú với chi tiết này khi miêu tả Bà Triệu đánh giặc: "Nàng chịt hai vú, lên voi/ Trận ra, ai kẻ dám coi đâu là..."…

Không chỉ ở hai diễn ca này mà các diễn ca khác cũng đều có chi tiết ấy để nhấn mạnh chất vừa dân dã vừa đặc biệt của nhân vật: "Vú dài ba thước vắt lưng" ("Đại Nam sử ký quốc ngữ"), "Vú dài ba thước quàng liền sau lưng" ("Việt sử diễn âm"), "Vắt hai vú lên voi cả thét" ("Thiên Nam minh giám")...

Tại sao lại cứ nhấn vào chi tiết "Vú dài ba thước" chẳng có gì là đẹp, thậm chí còn "lôi thôi"? Trở về với các sách cổ về tướng pháp như "Tướng kinh" của Đào Hoằng Cảnh thời Nam Bắc Triều (Trung Quốc) hay "Mã y tướng pháp" của Viên Liễu Trang thời Minh… đều thấy nói phụ nữ có vú dài thì sẽ "bản lĩnh, dũng khí hơn người".

Nguyên tắc "tướng pháp" này khi tiếp biến sang nước ta tất nhiên bị khúc xạ bởi sự quy định của văn hóa bản địa mà thêm bớt nhiều. Người đàn bà có thiên chức sinh đẻ, mà vú là bộ phận rất quan trọng để nuôi dưỡng đứa con. Các cụ ta chọn vợ cho con cháu theo tiêu chuẩn "Lưng chữ cụ vú chữ tâm". Lưng phải thon dài mà cứng cáp, vú phải đầy đặn mà mềm mại.

Tại sao thời Bà Trưng Bà Triệu lại "ưa" vú dài? Có thể vì thời đó theo chế độ mẫu hệ, mọi việc do đàn bà quán xuyến, họ thường phải địu con đi nương rẫy, vú càng dài con càng dễ bú, thậm chí trong khi mẹ đang làm việc đứa con có thể vươn về phía trước tự cầm vú mẹ mà bú!? Bà Triệu là nhân vật anh hùng nên dân gian muốn phải được hiểu một cách cường điệu, khoa trương.

Hơn nữa, theo tướng pháp thì tướng "ngũ trường" (đầu, mặt, thân, tay, chân dài) là người tài năng. Ví như nhân vật Mã Siêu trong "Tam quốc diễn nghĩa" thì tay dài quá gối. Bà Triệu là phụ nữ nên nếu miêu tả theo nguyên tắc "ngũ trường" thì thành ra kỳ dị, nên hợp lý nhất là vú dài!

Bà Triệu như vậy nên chân dung Hai Bà Trưng tất nhiên không thể giống, phải khác đi nhưng vẫn phải thật đặc biệt: "Đồn rằng trên quận Mê Linh/ Họ Trưng dòng dõi trổ sinh đôi nàng/ Phong tư khác thái tầm thường/ Tóc mây, lưng tuyết, hơi hương, da ngà..." ("Thiên Nam ngữ lục"). Ở đây Hai Bà được miêu tả như là người trời!

Tướng pháp có câu "Thần tại lưỡng mục" (cái thần thái của người thể hiện ở đôi mắt). Cuốn "Tây Sơn thuật lược" mô tả, "tóc của Huệ (tức Quang Trung) quăn, mặt có mụn, một con mắt nhỏ, nhưng cái tròng rất lạ, ban đêm ngồi không có đèn thì ánh mắt soi sáng cả chiếu, lúc lâm trận chiến thắng, uy danh lẫm liệt cho nên mới bình định được phương Bắc và dẹp yên được phương Nam, hướng đến đâu thì không ai hơn được…".

Chân dung minh họa "Nàng Kiều" ở bìa một cuốn "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du.

Chính sử nhà Nguyễn là sách "Đại Nam chính biên liệt truyện" cũng chép như thế: "Nguyễn Văn Huệ là em Nguyễn Nhạc, tiếng nói như chuông, mắt lập lòe như ánh điện, là người giảo hoạt, đánh trận rất giỏi, người người đều sợ Huệ".

Theo "Hoàng Lê nhất thống chí" thì vẻ mặt của Quang Trung "rực rỡ, nghiêm nghị": "Vua Lê sai các quan lần lượt đến yết kiến. Thấy thần sắc của Bắc Bình Vương rực rỡ, nghiêm nghị, ai cũng hãi hùng".

Trong "Thiên Nam ngữ lục" cũng đặc tả đôi mắt Bà Triệu "Mắt sáng như đèn"…

Vì mắt là bộ phận cơ bản trên khuôn mặt, là "cửa sổ của tâm hồn" nên tướng pháp học dành hẳn một mục riêng nghiên cứu về các loại mắt, những biểu hiện của mắt, cách xem mắt… Bước sang địa hạt văn chương "mắt" trở thành một ký hiệu, một mã văn hóa cơ bản. Ký hiệu này có khi trở thành hằng số, như các sách cổ Trung Hoa đều miêu tả mắt vua Thuấn "có hai đồng tử". Điều này ảnh hưởng sang văn học ta, như trong "Nam triều công nghiệp diễn chí", Nguyễn Khoa Chiêm miêu tả Nguyễn Phúc Chu có tướng pháp đặc biệt của vua chúa dũng khí, tài năng hơn người: "Mặt Nghiêu mắt Thuấn, lưng Vũ vai Thang, trạng mạo như Đường Tông…".

Trong "Truyện Kiều", Nguyễn Du cũng tả nhân vật theo nguyên tắc tướng pháp. Một mụ Tú Bà có cái dáng cao lớn, nước da nhờn nhợt và nhất là cái giọng "Trước xe lơi lả (có sách chép là bả lả) han chào" của "Kim thanh phạt mộc" (một loại dạng âm thanh như tiếng dao chém/phạt gỗ rắn) đều mang dấu hiệu của kẻ bất lương. Một vị tướng tài uy vũ như Từ Hải thì phải "Râu hùm hàm én mày ngài". "Mày ngài" là lông mày có hình giống con tằm chỉ lông mày rậm, dày, xếch theo hình lưỡi mác trông uy vũ mà dữ tợn.

Thế thì "nét ngài nở nang" của Thúy Vân dứt khoát không phải "lông mày"!

Ta dễ thấy Nguyễn Du miêu tả Thúy Vân theo dạng thức "Vượng phu ích tử" (tốt cho chồng, có lợi cho con) với hình dáng "trang trọng khác vời", khuôn mặt "đầy đặn", miệng tươi "hoa cười", giọng nói sang mà ấm "ngọc thốt", mái tóc đen "mây thua", làn da trắng "tuyết nhường"… Những chi tiết này đều có trong tướng pháp học. Đặt trong hệ thống trường từ vựng này thì chi tiết "nét ngài" chắc hẳn cũng nằm trong quan niệm ấy. Tướng pháp học gọi "nét ngài" là "ngọa tàm" (hay "ngọa tầm") là vùng dưới lông mày xuống gần vành mi phía trên. Đó là khu vực trên mặt để căn cứ xem xét đường con cái, hậu vận. "Nét ngài nở nang" sáng sủa, rộng rãi thì người phụ nữ ấy sẽ may mắn đường chồng con, chồng tốt số (vượng phu), có nhiều con (ích tử).

Đây cũng chỉ là một cách hiểu, rất cần tranh luận thêm.

Nhưng rõ ràng trên sân khấu tuồng cổ của ta nhân vật xây dựng theo tướng pháp đã thành một công thức: "Người trung mặt đỏ đôi tròng bạc/ Đứa nịnh râu đen mấy sợi còi"!

Nguyễn Thanh Tú

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/tuong-phap-nhin-tu-van-hoa-hoc-567109/