Tướng Phan Anh Minh: Cần làm rõ thẩm quyền của lãnh đạo TP Thủ Đức

'Tôi cho rằng bên cạnh việc tiếp tục xin ý kiến, Quốc hội cần có nghị quyết làm rõ thẩm quyền cho lãnh đạo TP Thủ Đức', nguyên Phó giám đốc Công an TP.HCM Phan Anh Minh góp ý.

Sáng 6/10, Giám đốc Sở Nội vụ Huỳnh Thanh Nhân cùng đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã và đề án thành lập thành phố Thủ Đức.

Hội nghị có sự tham gia của đại diện các sở, ngành cùng chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực quy hoạch và đô thị.

Chưa luận giải nguyên nhân

TS. Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho biết hiện tại, đề án thành lập thành phố Thủ Đức chưa luận giải được cụ thể nguyên nhân cần thiết để ra đời đơn vị hành chính mới.

Ông cho rằng những cơ sở khoa học của đề án chưa nêu bật được lý do bắt buộc phải thực hiện sự sáp nhập quận 2, 9, và Thủ Đức thành TP Thủ Đức.

"Đề án cần làm rõ nội dung nào các quận, huyện không làm được mà chỉ khi nhập vào thành TP Thủ Đức mới làm được. Tôi chưa thấy thông tin trong đề án đánh giá cụ thể vì sao chuyển UBND 3 quận vào 1 đơn vị duy nhất", ông Võ Kim Cương nhận định.

 TS. Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM. Ảnh: Quang Huy.

TS. Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM. Ảnh: Quang Huy.

Đề án cần làm rõ nội dung nào các quận, huyện không làm được mà chỉ khi nhập vào thành TP Thủ Đức mới làm được.

TS. Võ Kim Cương

Nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM cũng kiến nghị đơn vị thực hiện đề án có nghiên cứu, đánh giá nghiêm túc giữa phương án để nguyên các đơn vị hành chính hiện tại và phương án thành lập TP Thủ Đức. Đặc biệt, những hệ lụy liên quan đến đời sống người dân, việc thực hiện các thủ tục hành chính khi sáp nhập cần được phân tích cụ thể.

"Đề án chưa đưa ra được dự báo, so sánh cụ thể giữa việc sáp nhập và giữ nguyên 3 quận. Tôi cho rằng cần những tiêu chí đánh giá hiệu quả của từng phương án với những số liệu rõ ràng", TS. Võ Kim Cương góp ý.

Cùng quan điểm trên, luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TP.HCM, đánh giá việc thành lập thành phố Thủ Đức cần có những số liệu, chứng minh cụ thể. Theo bà Hòa, đề án cần phân tích sự tác động tới chính trị, cơ sở hạ tầng, an ninh xã hội của 3 quận.

"Chúng ta không thể chỉ vì muốn lược bớt đơn vị hành chính mà sáp nhập 3 quận làm thành phố Thủ Đức. Chúng ta còn nhiều câu hỏi về đề án này thì người dân sinh sống tại đó còn thắc mắc nhiều thế nào", luật sư Hòa băn khoăn.

"3 người mặc 1 chiếc áo?"

"Nhập 3 quận vào một đơn vị hành chính tức là phần việc, nhiệm vụ tăng tương ứng. Với dân số cao hơn nhiều tỉnh nhưng thẩm quyền các lãnh đạo tương đương cấp huyện thì giống như 3 người cùng mặc 1 chiếc áo", thiếu tướng Phan Anh Minh, nguyên Phó giám đốc Công an TP.HCM, nhìn nhận.

Các đại biểu góp ý cho đề án thành lập thành phố Thủ Đức. Ảnh: Quang Huy.

Với dân số cao hơn nhiều tỉnh nhưng thẩm quyền các lãnh đạo tương đương cấp huyện thì giống như 3 người cùng mặc 1 chiếc áo

Nguyên Phó giám đốc Công an TP.HCM Phan Anh Minh

Theo ông Minh, sau khi sáp nhập, thành phố Thủ Đức trong tương lai sẽ có nhiều phần việc liên quan Luật Đất đai, Luật Đầu tư. Tuy nhiên, với bản chất là đơn vị hành chính cấp huyện, lãnh đạo thành phố Thủ Đức vẫn cần xin ý kiến cấp trên trước khi đưa ra quyết định.

"Tôi cho rằng bên cạnh việc tiếp tục xin ý kiến, Quốc hội cần có nghị quyết làm rõ thẩm quyền cho lãnh đạo TP Thủ Đức", nguyên Phó giám đốc Công an TP.HCM Phan Anh Minh góp ý.

Bên cạnh đó, ông Minh đề xuất mọi phần việc liên quan đến thành phố Thủ Đức cần được thực hiện trước kỳ họp của Quốc hội vào năm 2021. Việc đẩy nhanh tiến độ đề án thành lập thành phố Thủ Đức sẽ giúp TP.HCM hạn chế sắp xếp lại bộ máy chính quyền và số cán bộ dôi dư.

Ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó trưởng Ban Đô thị HĐND TP.HCM, nhận định việc sáp nhập chính quyền 3 quận khiến 3 tổ chức chính quyền nhập lại làm một. Việc áp dụng nền tảng khoa học công nghệ là lời giải cho bài toán trên.

"Trước tiên, chúng ta cần chuyển hệ thống quản lý sang nền tảng chính quyền số. Mục tiêu cuối cùng là tại thành phố Thủ Đức, người dân thực hiện được thủ tục hành chính ở bất cứ đâu, không cần đến yếu tố con người nữa", ông Nguyễn Minh Nhựt nêu ý kiến.

Trả lời các ý kiến phản biện tại hội nghị, ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, thông tin kỳ họp HĐND thành phố tới đây sẽ xem xét các vấn đề liên quan đến đề án thành lập thành phố Thủ Đức. Các đại biểu sẽ thảo luận phương án đảm bảo việc giải quyết nhu cầu hành chính của người dân.

Ngoài ra, Sở Nội vụ sẽ tham mưu cho UBND TP.HCM về việc sắp xếp đội ngũ cán bộ, viên chức sau khi thành phố Thủ Đức được thành lập. Ngoài ra, sở cùng đơn vị tư vấn đang hoàn thiện các nội dung liên quan đến vai trò, chức năng, nhiệm vụ của hệ thống chính quyền đơn vị hành chính mới.

"Chúng ta không thể kỳ vọng bộ máy chính quyền của TP Thủ Đức sẽ phục vụ tốt cho người dân trong thời gian ngắn mà cần có thời gian sắp xếp và khắc phục khó khăn bước đầu. Chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND từng quận, phường để có hướng giải quyết thuận lợi nhất, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng người dân", Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM khẳng định.

Quang Huy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tuong-phan-anh-minh-can-lam-ro-tham-quyen-cua-lanh-dao-tp-thu-duc-post1138785.html